Đánh bắt tận diệt, nguy cơ cạn kiệt hải sản ven bờ

(PLVN) - Ở nhiều vùng ven biển, việc ngư dân dùng các ngư cụ nguy hiểm, đánh bắt tận diệt đã dẫn đến chuyện vơi cạn nguồn hải sản. Một phần vì người dân bám bờ, một phần do quản lý, gây tác động xấu đến môi trường biển. Đã đến lúc cần những chính sách hiệu quả để phát triển nghề khai thác hải sản.
Lực lượng chức năng Đà Nẵng tuyên truyền cho ngư dân khai thác, bảo vệ nguồn hải sản. Ảnh: Bá Vĩnh
Lực lượng chức năng Đà Nẵng tuyên truyền cho ngư dân khai thác, bảo vệ nguồn hải sản. Ảnh: Bá Vĩnh

Quét sạch cá to, cá nhỏ

Từ các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, nơi đâu cũng phát hiện những vụ việc vi phạm về đánh bắt hải sản, sử dụng ngư cụ cấm, đánh bắt sai vùng biển. Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2018 Chi cục Thủy sản đã kết hợp kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ vi phạm. Chủ yếu là các lỗi dùng xiệc điện, kích điện, lưới vây, lưới bát quái, giã cào… Đầu năm 2019, lực lượng này cũng phối hợp tuần tra trên biển, kiểm tra, xử lý hàng chục vụ vi phạm, trong đó nhiều ngư dân vi phạm nhiều lần, đến nỗi bị giữ hết giấy tờ. 

Có một nghịch lý là, người vi phạm vẫn vi phạm, còn các ngư dân chấp hành pháp luật, khai thác đúng vùng biển, đúng phương tiện thì đang đối mặt với nguồn hải sản vơi cạn. Ngư dân Nguyễn Văn Đốc, đánh bắt ở vùng biển Vân Đồn, cho hay: “Trước đây thả tay lưới xuống, nhấc lên có khi được vài chục cân cá. Nay thì chỉ dính được vài con, còn lại là dính đầy rác”. Lo lắng cho nguồn tài nguyên biển, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh Nguyễn Văn Công thốt lên: Chiều dài lồng bát quái giăng trong lòng biển ở thời điểm tháng 9-2017 cao gấp bốn lần chiều dài bờ biển toàn tỉnh, vây bắt hơn 20 nghìn tấn thủy sản/năm, trong đó 70% thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định. Vậy nên Quảng Ninh đang thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế đánh bắt ven bờ.

Với 137km chiều dài bờ biển và ngư trường đánh bắt phong phú, Hà Tĩnh được coi là địa phương có nhiều lợi thế trong hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản. Theo Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân) Nguyễn Văn Bê, trước đây, chỉ cần ra xa vài ba hải lý, ngư dân đã có thể buông lưới, thả câu, dù chỉ sử dụng phương thức đánh bắt thủ công nhưng chuyến ra khơi nào ngư dân cũng đánh bắt được hàng chục, thậm chí đến hàng trăm kg cá, mực các loại. 

Thế nhưng, thời gian gần đây, hoạt động đánh bắt của ngư dân ngày càng lắng xuống do ngư trường cạn kiệt. “Vùng biển Hà Tĩnh xuất hiện ngày càng nhiều loại hình khai thác mang tính chất tận diệt, không những xâm lấn vùng, vi phạm khai thác, họ dùng loại lưới lớn, mắt dày và có nhiều lớp để quét hải sản từ tầng đáy đến mặt nước nên cá to, cá nhỏ đều bị quét sạch, nguồn thủy hải sản đang độ sinh trưởng cũng không thoát được”, ông Nguyễn Văn Bê cho biết.  

Theo Chi cục trưởng Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng, tình trạng tàu giã cào vào hoạt động ở khu vực cách đất liền từ hai đến ba hải lý đã có từ lâu, song việc tuần tra, kiểm soát, xử lý sai phạm đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, lực lượng Thanh tra thủy sản chỉ được biên chế một tàu công suất 500 CV nhưng đã sử dụng 20 năm, với bốn cán bộ biên chế theo tàu và không có công cụ hỗ trợ. Trong khi đó, tàu giã cào có những cái lên đến cả nghìn mã lực. Khi phát hiện lực lượng chức năng, họ bỏ chạy hoặc dùng tàu đâm thẳng để chống đối nên việc dẹp nạn giã cào rất khó.

Ở vùng biển tỉnh Khánh Hòa, tình trạng đánh bắt tận diệt cũng diễn ra từ nhiều năm qua. Hưởng “đặc ân” từ đầm Thủy Triều, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm suốt hơn nửa thế kỷ nay nhưng cuộc sống của hàng trăm hộ ngư dân bám vào cửa biển vẫn nằm gọn trong vòng luẩn quẩn với những toan tính vụn vặt. Nhìn những chiếc ghe và thuyền nhỏ chất đầy lờ dây, kích điện, lưới mắt nhỏ… ì ạch rẽ sóng trên đầm Thủy Triều, ngư dân Lê Văn Hậu thở dài, lo lắng: Dõi theo thì cứ thấy cá, tôm từ nhỏ đến to hất lên thuyền liên tục thế nhưng chẳng được bao nhiêu vì toàn bán theo mớ. Muốn có cá ngừ đại dương lẫn các nguồn hải sản lớn thì phải giỏi nghề và liều nữa. Vươn khơi cũng như “đánh bạc” với đại dương, nếu không tính toán kỹ, lỗ thê thảm như chơi. 

Có mặt ở đầm Thủy Triều lẫn Vịnh Cam Ranh trong nhiều ngày của tháng 3, bất kể sớm-tối những chiếc ghe nhỏ chất đầy lờ dây nhả khói mù mịt, đua nhau đánh bắt. Trần Văn T, một người đi biển dày dạn kinh nghiệm ở đầm Thủy Triều, thổ lộ: Trước cũng có một số người vay tiền đóng tàu công suất lớn nhưng sau đó lại chuyển nhượng  rồi quay sang đánh bắt kiểu tận diệt. Trung bình chỉ cần bỏ ra 2 triệu tiền lờ dây và 8 triệu tiền đóng ghe là có thể đánh bắt mấy năm. Năm năm trước, mỗi ngày đánh được khoảng 2 triệu mỗi ghe nhưng nay chỉ được 500-1 triệu đồng. Có người biết tận diệt thế, tương lai sẽ cạn hải sản nhưng vì cuộc sống trước mắt vẫn cứ phải hoạt động liên tục. Lúc cao điểm có hàng trăm phương tiện đánh bắt tận diệt ở Cam Ranh và đầm Thủy Triều.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), chỉ ra sản lượng và cường lực khai thác gần bờ đã vượt quá giới hạn. Hiện nay so với giai đoạn 2000-2005, trữ lượng hải sản tầng đáy ở vịnh Bắc Bộ giảm 15,1%; ở Trung Bộ trữ lượng tầng đáy giảm 57,8%; vùng biển Đông Nam Bộ trữ lượng tầng đáy giảm 25,6%...

Ngư dân gặp khó

Tác động tiêu cực do đánh bắt tận diệt đã rõ, đó không chỉ là nguồn hải sản vơi cạn, mà từ đó kéo theo việc ngư dân chán nản, bỏ ngư trường đi tìm việc khác. Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) hiện có 528 chiếc tàu thuyền, trong đó 230 tàu công suất từ 90CV trở lên, đánh bắt ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, số còn lại là đánh bắt ven biển, gần bờ. Nếu như những năm trước, lực lượng lao động trên biển của Lý Sơn giao động từ 4.500 – 5.000 người thì nay con số này giảm dần, chỉ còn khoảng hơn 3.000 lao động đi biển xa bờ. Không chỉ lao động giảm, chuyển nghề mà số tàu thuyền công suất lớn cũng giảm trong hai năm qua. 

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, số lượng tàu không giảm nhưng tàu công suất lớn trên 90CV giảm, thuyền nhỏ tăng lên nhiều hơn so với trước. Điều này đồng nghĩa với việc lượng tàu đánh bắt xa bờ giảm, ngư dân đất đảo chuyển dần đánh bắt gần bờ, chuyển đổi sang các nghề khác. Năm 2018, sản lượng hải sản Lý Sơn đạt khoảng 40 nghìn tấn, giảm 7% so với năm trước. Nguyên nhân giảm tàu đánh bắt hải sản ở Lý Sơn là do nguồn lợi thuỷ sản cạn kiệt, đánh bắt xa bờ phí tổn cao nhưng nguồn thu ít, nhiều rủi ro tai nạn trên biển khiến ngư dân chuyển đổi tàu, ngành nghề khác để mưu sinh.“Rất nhiều gia đình họ chuyển sang làm du lịch trên đảo như xây nhà nghỉ cho thuê mua xe chở du khách, làm thợ xây. Người trẻ thì chuyển nghề, đi học nghề. Mấy năm gần đây thì chuyển đổi nghề nhiều dần. Như trước cả gia đình đi biển thì nay chỉ 50% thôi. Họ chuyển nghề để kiếm thu nhập ổn định cho gia đình”, bà Phạm Thị Hương chia sẻ.

Xã Bình Châu, huyện Bình Sơn là vùng biển truyền thống lâu đời của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn xã hiện có 483 chiếc tàu, giảm khoảng 25 chiếc so với năm 2015. Do ngư trường đánh bắt ngày càng hẹp, chi phí cho các chuyến biển cao hơn thu nhập so với nhiều năm trước. Vì vậy những “kình ngư” xứ biển Bình Châu cũng đi tìm nghề mới. “Số tàu thuyền giảm vì ngư trường, luồng cá khan hiếm dần. Các trường hợp đóng mới là do cháy, tai nạn, chìm thì đóng thay thế thôi. Ở đây chủ tàu chủ yếu là nâng cấp lên để đi khơi xa chứ ít đóng mới. Các chủ tàu họ đầu tư ngư lưới cụ, thiết bị hiện đại để đánh bắt hiệu quả hơn” - ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu khẳng định.

Vì sao tại các địa phương, Luật Thủy sản đã có quy định về vùng khai thác, ngư cụ cấm khai thác nhưng vẫn không giải quyết được triệt để? TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng, ngư dân đánh bắt tận diệt là do quản lý kém và ngành khai thác còn chưa phát triển. Việc phát triển các đội tàu lớn thu hút nhiều ngư dân vươn khơi vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Người dân nghèo chỉ có mỗi cái tàu, mỗi chuyến ra khơi đều phải đối mặt với rủi ro, sóng to gió lớn vất vả đủ điều, nên phải đánh bắt tận diệt để bù lỗ, có tiền trang trải cuộc sống.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, để ngăn chặn tình trạng tàu cá sử dụng công cụ kích điện và chất nổ để khai thác thủy sản, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các lực lượng chức năng của tỉnh, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong cộng đồng dân cư. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã mở được 29 lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, nhất là quy định về nghiêm cấm vi phạm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác hải sản. 

Còn Bộ NN&PTNT đang xây dựng chiến lược, hướng tới hoạt động khai thác bền vững cần giảm sản lượng khai thác tầng đáy, tăng sản lượng khai thác tầng nổi vào khai thác sâu hơn với nhóm mực, bạch tuộc, cứ nục, cá sòng đối… trên toàn vùng biển; điều chỉnh số lượng tàu đánh bắt ngoài khơi xa (công suất 90 CV trở lên) đến năm 2020 là 30.500 chiếc. Ngoài ra, với tầm nhìn xa hơn, Tổng cục Thủy sản sẽ tiến hành quy hoạch và hình thành các khu bảo vệ nguồn giống thủy sản tại một số bãi đẻ, bãi nuôi ương, tích cực cải thiện ngành khai thác thủy sản.

Đọc thêm