Đánh giá thực hiện cơ chế chính sách đặc thù đã ban hành để quy định cho phù hợp

(PLVN) - Đây là ý kiến được đại biểu Quốc hội (QH) đưa ra tại phiên thảo luận tại tổ chiều 31/5, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP Đà Nẵng.
Đại biểu Lê Nhật Thành phát biểu tại phiên họp.

Chỉ quy định những nội dung mới

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và TP Đà Nẵng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, hiện nay có 10 tỉnh, TP trong cả nước được thí điểm cơ chế đặc thù. Vì vậy, cần xem xét, đánh giá các chính sách đặc thù để xem xét, thực hiện việc thí điểm cho phù hợp.

Cùng quan điểm, Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị bổ sung tờ trình của Chính phủ về đánh giá thực tiễn của các địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù thời gian qua, trong đó có nội dung triển khai chính sách khai thác, phát triển quỹ đất đô thị tại để dự báo những vấn đề phát sinh, là cơ sở bổ sung quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Theo Đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn TP Hà Nội), cơ chế đặc thù của từng tỉnh thì nên phù hợp với từng địa phương, Chính phủ cần bổ sung đánh giá cơ chế chính sách đặc thù đã được ban hành tại các địa phương và bổ sung giải trình các ý kiến còn khác nhau tại báo cáo thẩm tra.

Đại biểu Khuất Việt Dũng phát biểu tại phiên họp.

Còn Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị rà soát lại 2 dự thảo Nghị quyết với các quy định pháp luật hiện hành, một số chính sách đã được pháp luật hiện hành quy định thì không nên quy định lại tại dự thảo Nghị quyết (như khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tỉnh Nghệ An).

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để rà soát và quy định cơ chế chính sách đặc thù một cách tổng thể tại 2 dự thảo Nghị quyết, trong đó có quy định về việc đề xuất tăng cường bộ máy và biên chế cho TP Vinh (Nghệ An); về quy định cơ cấu tổ chức của UBND phường tại dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù TP Đà Nẵng,…đảm bảo nguyên tắc tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước và tạo sự bình đẳng với các địa phương khác.

Tán thành về sự cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy đối với TP Vinh - trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Nghệ An, Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) chỉ ra rằng, với việc dự kiến nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc vào TP Vinh thì quy mô, phạm vi quản lý của TP Vinh sẽ tăng lên gần gấp rưỡi so với hiện nay và quy mô dân số tăng hơn 100 nghìn người.

Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, bên cạnh lý do này, cũng cần nghiên cứu, bổ sung những lý giải thuyết phục hơn nữa về vai trò, chức năng của TP Vinh đối với tỉnh Nghệ An nói riêng và đặt trong mối quan hệ liên kết, phát triển vùng nói chung để làm cơ sở đầy đủ hơn cho những đề xuất này.

Bởi, mục đích của việc sắp xếp, mở rộng quy mô của đơn vị hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị là để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Trên thực tế, đã có địa phương sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy mô diện tích và dân cư, phạm vi quản lý tăng lên gấp nhiều lần nhưng cũng không đề nghị tăng thêm tổ chức bộ máy”, Đại biểu nói.

Bên cạnh đó, Đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm trong dự thảo Nghị quyết những nội dung mà chính quyền tỉnh Nghệ An phân quyền, phân cấp thêm cho chính quyền TP Vinh; bổ sung thông tin để làm rõ sau khi mở rộng TP Vinh thì khối lượng công việc, trách nhiệm của chính quyền TP sẽ tăng lên thế nào; việc bố trí, sắp xếp đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và việc đổi mới phương thức hoạt động của HĐND khi được tăng cường để có đủ cơ sở cho QH xem xét, quyết định.

Chỉnh lý quy định về miễn trách nhiệm khi thử nghiệm có kiểm soát cho phù hợp

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP Đà Nẵng, Dự thảo Nghị quyết quy định tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về vấn đề này, Đại biểu Đỗ Đức Hiển chỉ ra rằng, Điều 3 Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận (khoản 2). Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự (khoản 5).

Đại biểu Đỗ Đức Hiển phát biểu tại phiên họp.

“Nếu quy định tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự là không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Mặt khác, điểm d Khoản 1 Điều 23 của Luật Khoa học và Công nghệ quy định người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ “được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học”, như vậy, trường hợp gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật”, Đại biểu phân tích.

Do đó, Đại biểu đề nghị chỉnh lý lại quy định của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.

Đối với đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất, bổ sung nội dung quản lý nhà nước về Khu thương mại tự do như quy hoạch, môi trường.

Đọc thêm