Đánh giá về hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc Liên Hiệp Quốc chọn 20/3 là Ngày Quốc tế hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ.

Ngày Quốc tế hạnh phúc truyền tải thông điệp rằng: cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là điều phù phiếm, cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khát khao sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người.

Tại Việt Nam, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”. Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về Ngày Quốc tế hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam.

Gia đình hạnh phúc là mong muốn thiết thực của mỗi cá nhân, của từng gia đình, tạo nền tảng xây dựng thành phố, quốc gia hạnh phúc. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bộ VHTTDL.

Gia đình hạnh phúc là mong muốn thiết thực của mỗi cá nhân, của từng gia đình, tạo nền tảng xây dựng thành phố, quốc gia hạnh phúc. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bộ VHTTDL.

TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước mạnh dạn đi tìm những tiêu chí để đánh giá gia đình hạnh phúc cho riêng thành phố thông qua Đề án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TP HCM giai đoạn 2021 - 2030”. Theo Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 5/1/2022 của UBND TP HCM, nội dung Bộ Tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc gồm 5 tiêu chí về: Tiêu chí về ứng xử trong gia đình, Tiêu chí về điều kiện vật chất, Tiêu chí về điều kiện tinh thần, Tiêu chí về giáo dục, Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe.

Nhằm tạo điều kiện cho đông đảo người dân tìm hiểu và thực hiện “Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc” trên địa bàn TP HCM, vào tháng 10/2023, Sở VHTT TP HCM đã xây dựng Bộ tiêu chí bằng nhiều ngôn ngữ: Tiếng Việt, Hoa, Chăm, Anh và Khmer.

Sau một thời gian thí điểm, ngày 13/3/2024 vừa qua, Sở VHTT TP HCM vừa ban hành Kế hoạch Số 1036/KH-SVHTT về Tổ chức thực hiện phương thức đánh giá sự hài lòng hạnh phúc “Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc” của đề án “Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TP HCM giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn thành phố và địa bàn thí điểm.

Theo Sở VHTT TP HCM, việc ban hành Kế hoạch nhằm đánh giá tính khả thi của việc áp dụng thực hiện phương thức sự hài lòng về hạnh phúc của người dân tại hai địa bàn thí điểm, đồng thời kịp thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện phương thức và triển khai áp dụng chính thức trên phạm vi toàn thành phố, góp phần xây dựng TP HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo nhiều đánh giá, mặc dù vẫn còn một số băn khoăn như: mặt bằng kinh tế và chất lượng sống của người dân chưa đồng đều nên tiêu chí hạnh phúc liên quan đến điều kiện vật chất, tinh thần khó đảm bảo; quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang tác động, ảnh hưởng đến gia đình, dẫn đến sự khác biệt về giá trị, lối sống, xuất hiện tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ gia đình... , nhưng chắc chắn sự ra đời của Bộ tiêu chí này là cần thiết. Bởi lẽ, gia đình hạnh phúc là mong muốn thiết thực của mỗi cá nhân, của từng gia đình, tạo nền tảng xây dựng thành phố hạnh phúc.

Mặt khác, để thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần có những giải pháp hỗ trợ để người dân đạt được các tiêu chí hạnh phúc. Trong một lần trả lời truyền thông, bà Trần Thị Huyền Thanh, Trưởng Ban công tác phía Nam, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã nêu quan điểm, bên cạnh việc các thành viên trong gia đình phải tự ý thức trách nhiệm vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc, thì các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác gia đình, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; kịp thời tuyên dương, khen thưởng các gia đình hạnh phúc tiêu biểu... để từ đó người dân có ý thức và nỗ lực hơn trong vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đọc thêm