Thông báo nêu rõ: “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, là nền tảng quan trọng nhất cho hạnh phúc của mọi người và sự phát triển của quốc gia. (…) đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước”.
Từ quan điểm coi sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống mọi người, cuộc làm việc đã đưa ra những giải pháp cụ thể: Mọi cơ quan chức năng phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị hàng đầu, đặt lên vị trí chiến lược ưu tiên trong tất cả các chiến lược, chính sách phát triển. Đặc biệt quan tâm củng cố toàn diện, nâng cao năng lực y tế cơ sở. Thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho người dân ít nhất mỗi năm một lần. Xây dựng lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế, tiến tới miễn viện phí toàn dân từ 2030 - 2035.
Thú vị nhất và đột phá nhất, là không chỉ quan tâm đến “thân bệnh”, mà yếu tố “tâm bệnh” cũng được chỉ ra. Vì vậy, Trung ương giao Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, Bộ VH,TT&DL xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch tuyên truyền kiên trì, bài bản, phổ cập lối sống có lợi cho sức khỏe; xây dựng văn hóa sức khỏe trong Nhân dân. Thông báo nêu rõ: “Phòng bệnh phải bắt đầu từ ý thức mỗi người dân. Những yếu tố cơ bản của văn hóa lành mạnh là: Ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, thể dục, thể thao, khám sức khỏe định kỳ; nói không với chất kích thích; chăm sóc sức khỏe tinh thần, sống tích cực, yêu thương và chia sẻ”.
Trong những năm qua, Việt Nam được quốc tế đánh giá cao về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế, với nhiều chỉ số cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng mức phát triển, từ tuổi thọ, giường bệnh, tỉ lệ người tham gia bảo hiểm y tế... Nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng sống của nhiều người chưa cao; số năm sống khỏe chưa tăng tương ứng với tuổi thọ; chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể và đời sống văn hóa, tinh thần chưa được chú trọng. Không ít người còn duy trì những hành vi, thói quen có hại cho sức khỏe cả về thể xác lẫn tinh thần…
Số liệu chính thức của Bộ Y tế công bố trên website moh.gov.vn cho thấy, tới tháng 8/2023, cả nước có đến 14 triệu người bị rối loạn tâm thần. Không ít người chạy theo những giá trị sai lầm như tôn sùng đồng tiền, đặt đồng tiền lên trên hết, hư vinh háo danh, ảo tưởng bản thân; mà quên đi những giá trị đạo đức, những yếu tố chân - thiện - mỹ trong cuộc đời, không bao giờ biết tự đặt câu hỏi “chúng ta sống có vui không?”; để rồi tự hủy hoại bản thân mình, từ tâm bệnh sinh ra thân bệnh.
Nhiều ý kiến đánh giá Thông báo 176-TB/VPTW chính là một “liều thuốc hữu hiệu”, đã “bắt được bệnh” một cách chính xác và đưa ra những “phương thuốc hữu hiệu”, để xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc.