Danh họa Bùi Trang Chước - tài năng đặc biệt và lòng yêu nước nồng nàn

(PLVN) - Danh họa Bùi Trang Chước tên thật là Nguyễn Văn Chước (21/5/1915 - 27/2/1992) là một họa sĩ tài năng hàng đầu của nền hội họa Việt Nam. Cả cuộc đời nghệ thuật của mình, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao, mang giá trị sử dụng lớn. Nếu như nhạc sỹ Văn Cao là tác giả Quốc ca Việt Nam, Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ Quốc kỳ Việt Nam thì họa sĩ Bùi Trang Chước chính là tác giả của mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mẫu Quốc huy của danh họa Bùi Trang Chước, tư liệu gia đình của danh họa.

Tác giả của mẫu Quốc huy Việt Nam

Danh họa Bùi Trang Chước, sinh năm 1915 - 1992, quê ở làng Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) Hà Nội. Thân sinh họa sĩ là cụ Hàn Oánh, người đã thiết kế kiến trúc ngôi nhà cổ trên nền tòa trụ sở UBND Hà Nội hiện nay. Lúc 15 tuổi, ông mất mẹ, đến năm 20 tuổi thì mồ côi cha. Mặc dù được người chú ruột đang làm việc tại Sài Gòn đón tiếp vào nuôi ăn học, nhưng ông từ chối và ở lại Hà Nội theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Năm 1941, ông tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và được mời về giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt. Năm 1942, ông là người Việt Nam và người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư và giấy bạc (tiền).

Tại chiến khu Việt Bắc, ngày 8/6/1951, Bộ Ngoại giao có Văn bản 467/NG về mở cuộc thi vẽ mẫu Quốc huy. Quốc huy là biểu tượng cao quý của mọi quốc gia trên thế giới. Quốc huy Việt Nam hàm súc, cô đọng và đầy đủ về đất nước và con người Việt Nam, đồng thời hàm chứa khát vọng tha thiết của một dân tộc yêu chuộng hoà bình cùng sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của quốc gia độc lập.

Cuộc thi thu hút đông đảo họa sĩ, kể cả sinh viên trường mỹ thuật tham gia. Năm 1952, ông được Văn phòng Phủ Thủ tướng giao việc vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam.

Từ năm 1953 đến năm 1955, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có hơn 100 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo, bản vẽ chì chi tiết những đối tượng mà ông muốn thể hiện trong mẫu Quốc huy Việt Nam. Toàn bộ hơn 100 mẫu vẽ Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước có đủ loại hình vẽ, từ hình dáng bầu dục đứng hoặc ngang, hình tròn… vẽ chì, vẽ màu, phác thảo hoặc hoàn thiện… Rất nhiều chi tiết, hình ảnh đặc trưng của Việt Nam đã được họa sĩ sử dụng từ bông lúa, con trâu, cái đe, cây tre, Đền Hùng, Gò Đống Đa, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột…

Sau nhiều lần phác thảo, mẫu Quốc huy được trình lên Bác Hồ góp ý sửa chữa và được trưng bày lần đầu tiên tại Triển lãm Mỹ thuật 1954 ở Đại Từ (Thái Nguyên) để giới mỹ thuật và đồng bào góp ý.

Mẫu Quốc huy Việt Nam là hình tròn cổ truyền giản dị, giữa có ngôi sao vàng của Quốc kỳ, hai bên xung quanh là những bông lúa ôm lấy bánh răng công nghiệp, phía dưới là dải lụa có dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, hai đầu dải lụa quấn lên các bông lúa, mỗi bên 2 đoạn. Quốc huy có 2 màu đỏ vàng truyền thống dân tộc… được trình lên Trung ương, được Quốc hội Việt Nam khóa I, Kỳ họp thứ 6 (từ ngày 15 - 20/9/1955) phê chuẩn và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 254 ngày 14/1/1956 ban bố mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đến năm 1976, khi đất nước thống nhất, Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sửa đổi phần quốc hiệu là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, được Quốc hội Việt Nam khóa V phê chuẩn ngày 2/7/1976, Chủ tịch nước ký sắc lệnh ban bố mẫu Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1976 đến nay được sử dụng trên toàn đất nước Việt Nam tại các cơ quan công sở chính quyền từ Trung ương tới địa phương.

Quốc huy Việt Nam còn được in trên giấy tờ quan trọng của công dân Việt Nam… Việc vẽ mẫu Quốc huy là một nhiệm vụ quan trọng, họa sĩ Bùi Trang Chước đã viết “… bên cạnh nỗi lo lắng là sự phấn khởi được trên tin cậy giao phó cho công việc hệ trọng này - đấy là niềm vinh dự và tự hào của mình…”.

Bản di bút “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” của họa sĩ Bùi Trang Chước viết ngày 26/4/1985 đã kể rất cụ thể về hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy. Ông viết: “…Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam, có mấy bông rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp, dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai đầu dải lụa quấn hai bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên hai đoạn. Ở giữa phía trên, trong nền là ngôi sao vàng trên nền đỏ. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời, có tia chiếu sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh”.

Mẫu Quốc huy này của họa sĩ Bùi Trang Chước được Trung ương duyệt và có ý kiến chỉ đạo chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ. Khi đó, họa sĩ Bùi Trang Chước nhận nhiệm vụ tuyệt mật của Chính phủ là vẽ và in tiền, do vậy, việc chỉnh sửa một vài chi tiết đã được giao cho họa sĩ Trần Văn Cẩn thực hiện.

Và những tuyệt phẩm đi cùng năm tháng

Trong ký ức của bà Minh Thủy - con gái của danh họa Bùi Trang Chước, để ra được mẫu vẽ Quốc huy cuối cùng, người cha thân yêu của bà đã không quản ngại từ việc lội ruộng nghiên cứu thật kỹ bông lúa đưa lên hình ảnh Quốc huy.

Bộ tem Lăng Hùng Vương do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế là bộ tem bưu chính cách mạng đầu tiên về chủ đề giỗ Tổ Hùng Vương. (ảnh tư liệu)

Kể từ sau năm 1945, ngoài tác phẩm Quốc huy Việt Nam, danh họa Bùi Trang Chước còn là tác giả của rất nhiều tác phẩm đồ họa khác đã và đang được Nhà nước ta sử dụng như: Biểu trưng Tổng Công đoàn (Nay là Tổng Liên đoàn Lao động); Các mẫu Huân Huy chương, Huy hiệu (Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động…); Tiền giấy; Hơn 40 bộ tem về lãnh tụ, về anh hùng dân tộc, về đấu tranh cách mạng, về xây dựng đất nước… như "Chân dung Hồ Chủ tịch và bản đồ Việt Nam" (1951), "Chiến thắng Điện Biên Phủ" (1954), "Mạc Thị Bưởi" (1956)… đều là những bộ tem có giá trị thẩm mỹ cao, được vẽ công phu, tỉ mỉ, đạt đến trình độ "bậc thầy" của ngành đồ họa, trong đó bộ tem vẽ chân dung anh hùng Mạc Thị Bưởi hiện đang được giới sưu tập tem ghi nhận là bộ tem Việt Nam có giá bán đắt nhất… ; Và, một điều mọi người ít được biết, mặt tiền trang trí Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là một sáng tác phẩm của ông.

Không chỉ là một họa sĩ đồ họa, với hội họa, danh họa Bùi Trang Chước cũng là một trong số ít tác giả tiên phong tìm tòi sáng tạo với loại tranh sơn khắc, một thể loại không mấy người dám dấn thân. Các tác phẩm sơn khắc của ông hầu hết hiện đã nằm trong Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia và trong các sưu tập tư nhân quốc tế.

Suốt cả cuộc đời cặm cụi lao động sáng tạo, điều lớn nhất mà danh họa Bùi Trang Chước để lại là tình yêu nghệ thuật, còn quyền lợi vật chất và nấc thang danh vọng cũng như địa vị, chức vụ ông không màng để tâm.

Danh họa Bùi Trang Chước đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất của Nhà nước Việt Nam và Huân chương cao quý của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Ông cũng được Trung tâm tiểu sử quốc tế Cambridge của Liên hiệp Vương quốc Anh vinh danh vì sự nghiệp cống hiến của ông trong hội họa, có tên trong danh sách “Danh nhân quốc tế” của tổ chức Who’s Who (Ai là Ai) xuất bản lần thứ 13 (năm 1999) và trong danh sách “Những người xuất chúng vì quốc tế” xuất bản lần thứ 7 (năm 1998). Ngoài ra, ông còn được Nhà nước Dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương ISALA cao quý.

Cả cuộc đời danh họa Bùi Trang Chước là một hành trình sáng tạo không mệt mỏi, không màng đến lợi danh, là biểu tượng cho sự dâng hiến hết mình của người nghệ sĩ. Họa sĩ Lê Lam nhận định: “Nghệ thuật của họa sĩ Bùi Trang Chước là sự kết tinh một cách tài tình biệt tài của họa sĩ với lòng yêu nước sâu sắc mang đậm bản sắc Việt Nam”.

Danh họa Bùi Trang Chước và vợ đã yên nghỉ trên quê hương Phú Thượng, Hà Nội. Cạnh đó là con phố bình lặng mang tên ông. Cuối cùng, tên tuổi và công lao của vị họa sĩ từng học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã được tôn vinh.

Với giá trị và ý nghĩa to lớn, năm 2021, Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của danh họa Bùi Trang Chước được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bộ sưu tập trên sáng tác trong thời gian 1953 - 1955, hiện lưu giữ tại Trung tâm Lữu trữ quốc gia, Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Năm 2022, danh họa Bùi Trang Chước được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, mà một tác phẩm trong hồ sơ xét giải là Quốc huy Việt Nam.