Yêu quê hương từ thuở ấu thơ
Tối 8/9/2024, nhân dịp Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình nghệ thuật “Tiếng Việt thân thương” năm 2024 với chủ đề “Lời quê hương, lời sắt son”. Tại Chương trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông đã trao tặng Kỷ niệm chương cho các thí sinh xuất sắc đạt danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài trong Cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024”. Các Sứ giả tiếng Việt năm nay gồm: anh Nguyễn Thế Dương đến từ Australia; cháu Trần Hạnh My đến từ Nhật Bản; chị Lanny Phetnion giảng viên, người Lào; chị Thủy Lê Scherello đến từ Đức; chị Nguyễn Thị Thu Loan đến từ Algeria.
Sứ giả tiếng Việt nhí 8 tuổi Trần Hạnh My đến từ Nhật Bản hát một đoạn ngắn trong bài hát “Việt Nam quê hương tôi” đã khiến khán giả xúc động bởi giọng hát trong trẻo và nhịp nhàng. “Từ nhỏ, bố mẹ cháu dạy, là người Việt phải biết nói tiếng Việt. Khi về Việt Nam, cháu cũng thích nói chuyện với ông bà, anh chị em họ và người thân nên cháu chăm chỉ học tiếng Việt”, Hạnh My cho biết, ước mơ lớn nhất của My là trở thành giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Một ví dụ như vậy để thấy, gia đình có vai trò đặc biệt, là “cái nôi” văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách con người, trong đó, giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên nhân cách của mỗi người. Từ xưa ông cha ta đã có câu nói “cha nào con ấy” để xác định tầm quan trọng của giáo dục gia đình. Những dấu ấn gia đình trong tâm hồn người niên thiếu, nếu về sau có bị phủ lấp bởi bụi bặm thời gian đi nữa, nó vẫn trường tồn như một lớp trầm tích của quả đất. Dù khi đã trưởng thành, dấu ấn gia đình không hẳn một mình quyết định tương lai của một con người, nhưng vẫn là nền tảng của ý thức hệ, là điều kiện phát triển tinh thần của mỗi người.
Tháng 5/2023, trong bài nghiên cứu “Gia đình với việc hình thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh” đăng tải trên Báo điện tử Đảng Cộng sản, ThS. Đặng Công Thành - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng đã viết: “Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, tấm lòng ái quốc của cha, tình cảm nhân ái, vị tha của mẹ, đức tính thương người, yêu nước, gan dạ từ các thành viên trong gia đình được truyền dạy đến Nguyễn Tất Thành qua tình yêu thương, sự dạy dỗ của đấng sinh thành, góp phần hình thành nên nhân cách, tầm nhìn và tư duy vĩ đại của một bậc vĩ nhân, kiến tạo nên mục tiêu, lý tưởng và con đường cứu dân, cứu nước cao cả của Người… Mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh với gia đình, quê hương cho chúng ta rút ra mấy nét khái quát sau đây:
Một là, lòng yêu nước, thương đồng bào được nảy nở từ lòng yêu gia đình, quê hương, họ hàng, nơi gắn bó từ thuở nhỏ. Như vậy, từ lòng yêu thương gia đình đã mở rộng thành lòng yêu họ hàng, bà con đến lòng yêu thương đồng bào trong cả nước đang sống dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến. Từ việc được nuôi dưỡng trong truyền thống yêu nước đã hình thành lòng yêu nước, phát triển thành ý thức cứu nước và thể hiện dần ở những hành động cứu nước.
Hai là, thân phụ, thân mẫu của Người đã dạy cho Người những bài học đạo đức, nhân cách đầu tiên, từ thuở ấu thơ Nguyễn Sinh Cung được nuôi dưỡng tinh thần yêu quê hương, đất nước, đã nhận thấy những khổ cực của đồng bào,... ngay chính từ những người thân trong gia đình. Cũng từ gia đình mà khi ở Huế, Người càng nhận thấy rõ sự cách biệt trong đời sống xã hội giữa người giàu và người nghèo, giữa quan lại với người dân bị áp bức.
Ba là, rời Tổ quốc ra đi tìm được con đường cứu nước đúng cho dân tộc, Người đã từ lòng yêu thương đồng bào đi đến sự thông cảm, lòng yêu thương nhân dân lao động bị áp bức trên thế giới, mong muốn và thực sự đã đóng góp vào sự đoàn kết quốc tế của nhân dân các nước thuộc địa cùng chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã từ người yêu nước truyền thống trở thành người lao động, người công nhân rồi người cộng sản”.
Người dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh. |
Giáo dục lòng yêu nước phải bắt nguồn từ tình cảm yêu gia đình
Có thể nói, giáo dục lòng yêu nước phải bắt nguồn từ tình cảm yêu gia đình, ông bà, cha mẹ, truyền thống anh dũng, bất khuất của dân tộc, tự hào với quá khứ hào hùng của dân tộc.
Có câu chuyện của một bà mẹ Việt kiều rất cảm động rằng, chị sống trên đất Mỹ cùng hai con nhỏ, chồng mất sớm. Sau giờ làm việc chị tham gia công tác thiện nguyện trong một bệnh viện. Công việc của chị là giúp đỡ những du học sinh, những người Việt mới nhập cư, vốn tiếng Anh hạn chế và thẻ bảo hiểm y tế chưa được cấp... Một tối, chị mệt mỏi về nhà, không buồn ăn tối, nằm nghỉ mệt trên giường. Con gái nhỏ tám tuổi của chị bưng cơm cho mẹ, bất chợt hỏi: “Sao mẹ có thể cực khổ như thế vì những người lạ”. Chị ôm con vào lòng, nói nhỏ: “Vì hai chữ Việt Nam”. Con chị bỗng dưng bật khóc nói: “Việt Nam, mẹ ơi, con muốn trở về”. Từ đó, hai con chị bắt đầu học tiếng Việt. Học một cách nghiêm túc. Mẹ không phải thúc ép, không phải dụ dỗ, không phải răn đe. Cũng từ đó, mẹ con chị luôn nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt cùng với quy ước không xen tiếng Anh vào câu chuyện.
Dạy con yêu quê hương chính là dạy con yêu những gì giản dị nhất, cụ thể nhất quanh mình, không cao xa, không vô hình. Con thẩm thấu được những điều đó thì con sẽ nuôi dưỡng dần tình yêu quê hương, đất nước lớn lên. Mới đây thôi câu chuyện một gia đình chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9, trong lúc loay hoay phụ bố mẹ treo cờ, đứa con trai 5 tuổi đã hỏi: “Mẹ ơi, tại sao phải treo cờ?”. Thế là, câu chuyện trước giờ đi ngủ của gia đình đó thay vì cổ tích, kỹ năng sống đã thành câu chuyện về lá cờ Tổ quốc. Đó là máu, là nước mắt của bao nhiêu người ngã xuống, để con được học hành, được ôm mẹ vào lòng, bình yên ngày hôm nay. Lá cờ - hồn thiêng sông núi tung bay dưới bầu trời hòa bình rực sáng niềm tự hào 4.000 năm lịch sử, với ý chí quật cường, lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết để giành độc lập tự chủ. Tình yêu ấy, niềm tự hào ấy lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành nét đẹp văn hóa đậm bản sắc Việt.
“Con sẽ biết rằng, lá cờ treo trong ngày này để nhớ về một thời điểm thiêng liêng - Cụ Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn dân đồng bào, với bè bạn năm châu rằng: Chúng ta là một quốc gia độc lập”, câu chuyện trước giờ đi ngủ đã kết thúc như vậy.
“Đất nước sẽ có một thế hệ hiểu sâu sắc hai chữ “đồng bào”
Không sai khi nói rằng giáo dục gia đình là điểm khởi đầu của lòng yêu nước. Dù vậy, người lớn không thể nuôi dưỡng tình yêu đó bằng cách bắt trẻ hô vài khẩu hiệu, đọc các bài báo yêu nước, hát Quốc ca… mà cần được lồng ghép vào từng lời nói, hành động trong đời sống hàng ngày. Nó phải được đến một cách tự nhiên nhất và được bồi đắp qua sách vở, âm nhạc, thơ ca và từ chính trải nghiệm của mỗi người trên mảnh đất mình sinh sống. Khi chúng ta dạy con lòng yêu nước là chúng ta đang dạy con lòng tự trọng, lòng yêu thương bản thân, dạy con trở thành một con người có cội nguồn. Khi ta biết yêu thương đồng bào, yêu thương tất cả những điều nhỏ bé nhất ở quê hương, đất nước mình, lúc đó ta sẽ hiểu thế nào là tình yêu đất nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Cách đây ít lâu, trả lời phỏng vấn báo chí, Tiến sĩ báo chí Nguyễn Thị Bích Yến - giảng viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền, một trong nhóm người sáng lập dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, khi nói về vai trò của trong việc giáo dục con cháu đoàn kết, yêu thương nhau, nhớ về nguồn cội đã cho biết: “Xuyên suốt ý nghĩa của Ngày Giỗ Tổ là nhằm nhắc nhớ thế hệ sau luôn giữ đạo hiếu “Uống nước nhớ nguồn” - biết ơn tổ tiên; gắn bó tình thân giữa đồng bào và kiều bào hướng về quê cha đất Tổ; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc… từ đó mà truyền đời được giá trị cội nguồn và phẩm hạnh của người Việt, của dân tộc Việt.
Đạo hiếu “Uống nước nhớ nguồn” ấy thể hiện chẳng ở đâu xa, hiển hiện ngay trong mỗi gia đình, con cái hiếu thảo với mẹ cha, kính yêu ông bà, nhớ về quê hương… chính là những điều nhỏ nhất làm nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi vậy, tình cảm gia đình chính là cội nguồn của tình yêu thương đất nước. Để phát huy được các giá trị truyền thống của dân tộc, thì không cách nào khác là đề cao và giáo dục nó từ trong chính gia đình, qua mỗi người bố, người mẹ, ông bà. Khi con cái được người lớn trong gia đình giáo dục và làm gương về lòng yêu thương, tinh thần đoàn kết, sống nhân hậu… thì chắc chắn, đất nước sẽ có một thế hệ hiểu sâu sắc hai chữ “đồng bào”.
Xin kết bài viết này bằng một câu nói của cô giáo Lê Mai Hương, giáo viên hệ thống giáo dục Montessori mà người viết rất tâm đắc: “Làm cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta là nuôi dạy con để độc lập, mỗi một công dân đều có thể tự lập, cả dân tộc chúng ta sẽ tự lập. Nếu người Việt Nam không yêu đất nước Việt Nam, không cố gắng xây dựng phát triển Việt Nam thì trông chờ ai làm điều đó? Hãy giúp con học cách yêu thương quê hương mình để sau này bé có thể tự hào nói “Tôi là người Việt Nam. Tôi tự hào là người Việt Nam” khi ra cộng đồng quốc tế”...