Ý thức dân tộc trong trái tim người nghệ sĩ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy” - lời của Bác được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao chất lượng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ - người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.
Hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay khắp Việt Nam trong MV Một vòng Việt Nam (Ảnh trong MV)
Hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay khắp Việt Nam trong MV Một vòng Việt Nam (Ảnh trong MV)

Khi sức mạnh dân tộc nuôi dưỡng cảm hứng nghệ thuật

Từ thời xa xưa, trong quá trình bảo vệ đất nước thơ ca cũng góp phần như khúc ca kháng chiến khích lệ tinh thần Nhân dân như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam ta của Lý Thường Kiệt “Nam Quốc Sơn Hà”, bài thơ khẳng định bờ cõi nước Nam cũng là động lực khích lệ tinh thần chiến đấu. Hay sự quyết liệt, khẳng khái của Nguyễn Đình Chiểu: “Chở bao nhiêu đao thuyền không khảm - Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, dường như cây bút không mang ý nghĩa nhỏ bé, bình thường mà nó chính là người bạn, là người chiến sĩ nhỏ bé trong chiến đấu.

Tư tưởng văn hóa nghệ thuật của Bác Hồ luôn là tư tưởng sáng suốt và đúng đắn nhất cho văn học thời kháng chiến. Nó chính là động lực khích lệ tinh thần chiến đấu của quần chúng. Tư tưởng đó cũng được người nhắc đến trong một bài phát biểu tại triển lãm hội họa năm 1951: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nó là một khái niệm bao hàm toàn bộ các lĩnh vực nghệ thuật trong đó. Nhưng ở đây, “văn hóa nghệ thuật” được Bác nói đến mang khái niệm rất cụ thể. Văn hóa nghệ thuật chính là văn học, gồm thơ ca kháng chiến, văn học kháng chiến… Trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đấu tranh không chỉ trên mặt trận chính trị mà còn dùng hình thức đấu tranh văn hóa nghệ thuật. Từ đó quyền tự do ngôn luận được tất cả các nhà văn nhà thơ sử dụng như một vũ khí sắc bén dùng để chiến đấu. Bác Hồ cũng là một người chiến sĩ cộng sản, chính tác dụng của văn học ảnh hưởng tới đời sống chiến đấu. Nghệ thuật luôn mang đến cho người nghệ sĩ nhiều cảm hứng sáng tác. Trong quan điểm sáng tác của Bác thường xác định rằng văn chương là vũ khí chiến đấu, nhà văn cũng là chiến sĩ.

Sinh thời, nói về tác dụng của âm nhạc trong chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “... Giữa những loạt súng nổ ran, chợt nghe tiếng hát của chiến sĩ ta... Vào những giờ phút ác liệt của chiến tranh, tiếng hát có tác dụng kỳ lạ...”.

Không chỉ các nhạc sĩ sáng tác nên những bài hát bất hủ, mà đông đảo những nghệ sĩ biểu diễn đã góp phần đưa những lời ca, tiếng hát, mang sức mạnh tinh thần cổ vũ chiến đấu đến với các chiến sĩ nơi chiến trường ngập tràn bom đạn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại các mặt trận khốc liệt, những người lính ở đây có được một món ăn tinh thần giúp họ vượt qua được thử thách của chiến tranh, đó chính là lời ca, tiếng hát của các nghệ sĩ, ca sĩ của các đoàn văn công.

Có thể khẳng định rằng, lời ca, tiếng hát giữa mưa bom bão đạn luôn là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với tâm hồn con người, trong đó đặc biệt là những người lính ở chiến trường, đó là sự động viên to lớn để người lính “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Không chỉ mang đến cho người chiến sĩ cảm hứng sáng tác mà còn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu của người dân Việt Nam. Ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa, văn học luôn là liều thuốc bổ mỗi ngày để chúng ta nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp tình yêu nước. Các nhà báo, nhà thơ mang tư tưởng yêu nước được người dân Việt Nam ta hưởng ứng, tiếp thu rất nhanh. Với lòng yêu nước nồng nàn, tình yêu Tổ quốc, các bài báo, các văn kiện của Nhà nước, của Chính phủ ta nhằm động viên tinh thần Nhân dân, mang tình yêu văn hóa nghệ thuật tới Việt kiều nước ngoài.

Yêu Tổ quốc trong từng hành động

Văn nghệ sĩ - người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. (Ảnh tư liệu)

Văn nghệ sĩ - người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. (Ảnh tư liệu)

Hưởng ứng Đề cương về văn hóa của Đảng, ngày đó các nghệ sĩ đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Họ từ mọi miền đất nước dũng cảm đi theo cách mạng vừa trực tiếp đấu tranh, vừa sáng tác, biểu diễn văn nghệ. Họ đã đem cả tuổi thanh xuân của mình để dâng hiến cho Tổ quốc và họ cũng đã góp phần chứng minh rằng trên mặt trận chiến đấu mỗi nghệ sĩ đều là một chiến sĩ anh dũng kiên cường. Điều đó vẫn khẳng định tính đúng đắn cho đến ngày nay trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

Vừa qua, một số nghệ sĩ khi bị phát hiện biểu diễn dưới “cờ lạ” và gửi lời xin lỗi. Trong bài viết của mình, ca sĩ M.Trần “thành khẩn nhận lỗi vì sự thiếu sót, thiếu hiểu biết của bản thân đã không tìm hiểu cẩn thận và tham gia vào những chương trình không phù hợp trong quá khứ”. Nữ ca sĩ khẳng định: “Ðây là một bài học lớn” và cam kết sẽ luôn có ý thức cẩn trọng hơn trong tương lai.

Nghệ sĩ V.Hương viết trên trang cá nhân: “Xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của bản thân đối với những sự việc đã diễn ra trong quá khứ. Sự thiếu tỉ mỉ và không tinh tế trong thời điểm đó đã dẫn đến những sự việc làm buồn lòng khán giả và bản thân tôi thấy mình thiếu sót rất nhiều”. Cô chia sẻ từng có 15 năm sinh sống và học tập ở hải ngoại nên cũng “không tránh khỏi việc vô tình xuất hiện trên một vài sân khấu không phù hợp do không tìm hiểu kỹ lưỡng và thiếu sự quan sát cẩn trọng khi trình diễn”. Nữ ca sĩ khẳng định “chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có bất kỳ liên hệ nào với các tổ chức chống phá lại quê hương mình”. Các nghệ sĩ, ca sĩ T.Tiên, P.Đ.Tùng, P.K.Hưng, B Ray... cũng đã chân thành gửi lời xin lỗi đến công chúng.

Ca sĩ trẻ Du Thiên đã chia sẻ quan điểm của mình rất rõ ràng: “Nhất định không vì tiền mà thỏa hiệp mọi mong muốn của đối tác có ý đồ xấu với dân tộc mình. Không hát thì về, bỏ show luôn. Có được hoà bình này khó lắm. Cố mà giữ lấy”...

Ca sĩ trẻ Du Thiên bày tỏ: “Thiên may mắn được sinh ra trong thời bình. Sự khốc liệt, đau thương từ chiến tranh Thiên cũng chỉ được cảm nhận qua lời kể, qua sách vở. Tuy nhiên, đi đến đâu vẫn luôn mang trong mình hình bóng của Tổ quốc linh thiêng. Thiên nhận thức được hành động của mình cũng như cái cách mình thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Nếu không may mắn sinh ra trong thời chiến, chắc chắn Thiên cũng sẽ lao ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. Thiên cũng đã rất nhiều lần ra nước ngoài biểu diễn và cũng không ít lần Thiên phải từ chối những lời mời khi thấy chương trình đó không phù hợp. Tất cả những lời mời biểu diễn ở nước ngoài Thiên luôn làm rõ mọi vấn đề với đối tác về hợp đồng. Tất cả hai bên phải tôn trọng lẫn nhau. Không thể vì lợi ích cá nhân, hay một tổ chức nào đó mà làm ảnh hưởng đến lòng tự tôn, hình ảnh dân tộc mình được”.

Bên cạnh kiến thức trên giảng đường, thiết nghĩ nên tăng cường hơn nữa việc giáo dục truyền thống cách mạng người dân nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng, khơi gợi lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của dân tộc, để họ thêm nâng niu, trân trọng và giữ gìn những di sản văn hóa của dân tộc, biết làm giàu tri thức của bản thân bằng trí tuệ, tinh hoa nhân loại nhưng không bao giờ được lãng quên cội nguồn, thờ ơ với truyền thống của quê hương, dân tộc.

Giáo dục ý thức tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ nói chung, các văn nghệ sĩ nói riêng là nhiệm vụ vừa có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách. Ý thức tự tôn dân tộc đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên, để từ đó xây dựng những người chủ tương lai đất nước tài - đức vẹn toàn.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam, ca sĩ Quách Beem ra mắt MV “Một vòng Việt Nam”. Xuyên suốt sản phẩm âm nhạc này là hình ảnh một người công dân - nghệ sĩ cầm lá cờ đỏ sao vàng chạy xuyên Việt, đến những nơi cảnh đẹp của Việt Nam và truyền tải hình ảnh thiêng liêng của lá Quốc kỳ Việt Nam. Quách Beem cho biết: “Tôi may mắn được đi lưu diễn ở nhiều nước nhưng tôi nhận thấy không đâu đẹp bằng quê hương Việt Nam mình. Tôi luôn muốn dùng nghệ thuật để thể hiện lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của mình. Qua đó, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa nhất, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến với tất cả bạn bè năm châu.

Tôi cũng muốn góp một chút công sức của mình để truyền tải những thông điệp tích cực - ý nghĩa đến khán giả Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ - thế hệ tương lai của đất nước để cùng nhau nhân lên lòng yêu đất nước; cùng nhau ra sức giữ gìn và phát triển những giá trị mà các thế hệ ông cha bao đời mang đến cho chúng ta”.