Dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác lập pháp

(PLVN) -  Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân khẳng định công tác lập pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội. Kỳ họp tới nên dành thời gian thảo luận nhiều hơn cho công tác lập pháp và cần đầu tư nguồn lực cho công tác này.

Chiều 21/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Phát biểu tại phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội trong ý kiến thảo luận đều thể hiện sự đồng tình, tán thành với nội dung xây dựng luật, pháp lệnh mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đề xuất chú trọng nâng cao kỹ năng xây dựng luật… cho đại biểu, nhất là đại biểu trúng cử lần đầu, nâng cao hơn nữa kỹ năng phản biện chính sách của các đại biểu, cần coi trọng lấy ý kiến của các hiệp hội, người dân từ đó có sự phân tích, tiếp thu, cần thiết thì phải lập nhóm chuyên gia, có sự đầu tư nguồn lực khi xây dựng các dự án luật. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị các Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Luật Đầu tư công… khi nảy sinh những vấn đề mới trong xã hội.

Đại biểu Tô Văn Tám.

Đại biểu Tô Văn Tám.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá, thời gian qua, Chính phủ tập trung nỗ lực thể chế hóa đường lối của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp 2013 trong các đạo luật nhất định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chất lượng dự án luật đã được cải thiện và nâng cao.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Tám, việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm, chậm từ chương trình hành động đến các quy định pháp lý. Việc cụ thể hóa các quy định Hiến pháp về tự do ngôn luận, tự do lập hội… còn chưa kịp thời. Đặc biệt, vấn đề điều chỉnh Chương trình, đưa vào rồi lại rút ra, hồ sơ trình chưa đảm bảo về thời gian… là những nội dung tồn tại nhiều năm chưa được khắc phục.

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu chỉ rõ, đây là vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Chính phủ đề nghị cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 và thông qua vào kỳ họp thứ 4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.

“Đây là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề. Trên thực tế, việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy, đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tiêu cực, sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương khi giao đất, thu hồi đất. Do đó, cần thông qua theo quy trình 3 kỳ họp bởi tính phức tạp cả về lý luận, thực tiễn của vấn đề sở hữu, quản lý, sử dụng đất đai”, ông Tám đồng tình.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao quan tâm đến luật pháp về hội nhập, bổ sung vào Chương trình 2022 việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại từ năm 2010 và đã có nhiều lạc hậu; nâng cấp Nghị định hòa giải thương mại lên thành Luật. Đại biểu Nghĩa cho rằng, cần mạnh dạn xã hội hóa, huy động sức dân để làm luật, không nên lãng phí trí tuệ, tri thức của các chuyên gia trong xã hội, nhất là trong khâu soạn thảo.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Cũng từ Đoàn TP HCM, Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định công tác lập pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội và vẫn còn nhiều tồn tại bên cạnh những thành quả. Nên dành thời gian thảo luận nhiều hơn ở kỳ họp tới cho công tác lập pháp cũng như cần đầu tư nguồn lực cho công tác này.

“Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian làm việc với các địa phương, bộ, ngành, yêu cầu rà soát những chồng chéo, phải sửa đổi ngay. Đại biểu Quốc hội rất đồng tình với Thủ tướng và mong sớm nhận được báo cáo rà soát. Những báo cáo này khi được đưa vào báo cáo làm luật sẽ sát với thực tế hơn”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu.

Cũng bàn về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bày tỏ vui mừng khi Quốc hội đã đưa vào Chương trình năm 2022 theo phản ánh của cử tri cả nước. Tán thành với phương án thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp, nhưng Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, nên đưa dự án Luật vào ngay kỳ họp cuối năm 2021 để tiến độ hoàn thành việc sửa đổi Luật sớm hơn, kịp thời giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ hai nhiệm kỳ.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sẽ có một số dự án luật được Chính phủ tiếp tục bổ sung vào Chương trình, riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ đã rất cố gắng đưa dự án Luật này vào Chương trình là sự rất lớn.

Về phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang làm hết sức mình. Người đứng đầu Bộ Tư pháp chia sẻ Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội dự luật sửa đổi một số luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh.

Đọc thêm