“Đánh thức” bãi giữa sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bãi giữa sông Hồng có thể trở thành một không gian đậm chất văn hóa Việt Nam giữa lòng Hà Nội. Đây là nhận định của nhiều nhà quản lý, chuyên gia tại hội thảo “Công viên Văn hóa đa chức năng tại bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” (Công viên Văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng).
Bãi giữa, bãi nổi sông Hồng có thể sẽ thêm một biểu tượng mới cho Hà Nội ngàn năm văn hiến. (Ảnh minh họa, Nguồn: Internet)
Bãi giữa, bãi nổi sông Hồng có thể sẽ thêm một biểu tượng mới cho Hà Nội ngàn năm văn hiến. (Ảnh minh họa, Nguồn: Internet)

Không chỉ là giấc mơ sông Hồng

Trên thế giới, có rất nhiều thành phố phát triển và nổi tiếng nhờ gắn liền với các dòng sông như: Sông Hoàng Phố - Thượng Hải. Thủ đô Seoul là nói đến kỳ tích sông Hàn. Thủ đô Budapest của Hungary phát triển rực rỡ và lãng mạn hai bên bờ sông Danube,… Và Hà Nội, thành phố hơn nghìn năm tuổi, có lịch sử văn hóa gắn liền với sông Hồng.

Bãi nổi giữa sông là một không gian vô cùng đặc biệt, nơi có không gian khoáng đạt và tầm nhìn không giới hạn trong đô thị. Là điểm nhấn quan trọng của dòng sông, và nếu khai thác hiệu quả, nó sẽ trở thành biểu tượng, là điểm đến của thành phố như đảo Margaret trên sông Danube (địa điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô

Budapest với bể bơi, công viên nước, các đường chạy thể thao và hệ thống các câu lạc bộ). Hay bãi nổi Nodeulseom trên sông Hàn ở Thủ đô Seoul là “cột mốc” của thiên nhiên với những không gian quảng trường công cộng, công trình nghệ thuật và những trải nghiệm đặc biệt hấp dẫn, cũng là điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc…

Bãi nổi giữa và ven sông Hồng đoạn qua các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ cũng là một không gian đặc biệt như thế, là điểm kết nối của trục không gian văn hóa Hồ Tây - Cổ Loa...

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/TTg ngày 26/7/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô.

Theo Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trước kia, diện tích bãi giữa thay đổi theo mùa do sự lên, xuống của nước lũ. Những năm gần đây, sông Hồng không xảy ra lũ lớn, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích bãi giữa ít thay đổi hơn. Khu vực bãi giữa có cốt cao không bị ngập lụt. Các lạch cạn ven bờ có xu thế bồi khiến việc quản lý, khai thác, sử dụng khu vực bãi giữa bị xao nhãng, hàng chục ha để hoang hóa cho cỏ dại mọc, một phần bị chiếm dụng trái phép để canh tác rau màu. Từ lâu, nhiều ý kiến đã đề nghị thành phố nên khai thác không gian này.

Tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, không gian văn hóa ở bãi giữa cần có sự kết nối với các kiến trúc có giá trị như cầu Long Biên. Ông Nguyên cũng cho biết, việc nghiên cứu “Đề án xây dựng Công viên Văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng” hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, cụ thể hóa định hướng quy hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chống lấn chiếm, chống lại các yếu tố gây tác hại cho môi trường đô thị. Đồng thời tạo dựng cảnh quan tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, vận tải, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cho biết, việc xây dựng công viên đang gặp rào cản lớn là các quy định đảm bảo an toàn phòng chống lũ, đê điều…

Nhận định bãi giữa là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Thủ đô, TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng. Khách du lịch đến Thủ đô không chỉ cảm nhận một không gian sống mật độ cao, nhiều tầng văn hóa, mà còn được trải nghiệm một không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên xanh, sinh thái trên mặt nước.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND quận Long Biên, ông Nguyễn Mạnh Hà cũng bày tỏ kỳ vọng, “Đề án xây dựng Công viên Văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng” sẽ giúp thay đổi diện mạo cảnh quan khu vực, giải quyết các vấn đề bất cập, đánh thức tiềm năng không gian công cộng rộng lớn. Với đề án này, việc kiểm soát tốt hành lang thoát lũ, tạo dựng cảnh quan thân thiện với môi trường, đáp ứng sinh hoạt cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt sẽ là nền tảng phát triển bền vững cho ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Cần những giải pháp đồng bộ

Người Hà Nội tham gia dọn rác bên bãi nổi chân cầu Long Biên. (Ảnh: Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống)

Người Hà Nội tham gia dọn rác bên bãi nổi chân cầu Long Biên. (Ảnh: Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống)

Hiện nay, Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố phê duyệt. Theo các chuyên gia, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Do đó, để hiện thực hóa định hướng xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng, Hà Nội cần nghiên cứu quy hoạch chi tiết Bãi Giữa sông Hồng. Quy hoạch là nguồn lực quan trọng, thể hiện tầm nhìn, giúp cho thành phố Hà Nội bổ sung, hoàn thiện quy hoạch và Luật Thủ đô.

Như vậy, việc quản lý, khai thác không gian công cộng bãi giữa sông Hồng tạo thành điểm tham quan du lịch bổ trợ cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội. Đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về quản lý, chống lấn chiếm đất bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, khôi phục lại giao thông đường sông, cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo đó, tạo lập hình ảnh thành phố hiện đại và sinh thái hai bên sông Hồng, có bản sắc và truyền thống lâu đời. Cùng với việc tôn trọng các khu vực bảo tồn, đặc biệt là đoạn đi qua đô thị trung tâm.

TS.KTS Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề xuất xây dựng Công viên sông Hồng - trong đó, khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và khu vực ven sông. Khu vực cải tạo chỉnh trang, bao gồm khu dân cư tập trung ngoài đê và các yếu tố kiến trúc có giá trị cần được kết nối như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc khu phố cổ, phố cũ. Theo ông Chiến, Hà Nội nên tạo dựng các quảng trường khu vực bãi giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác để kết nối với các điểm nhấn đô thị có sẵn. Và cần tổ chức cuộc thi ý tưởng xây dựng Công viên Văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Từ đó phát huy sức sáng tạo, các ý tưởng hay, độc đáo, khả thi để đưa sông Hồng xứng tầm là di sản của Thủ đô.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho rằng, để xây dựng không gian bãi giữa sông Hồng, cần làm tốt công tác quy hoạch, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật liên quan, xây dựng lộ trình cụ thể và tranh thủ mọi nguồn vốn cho quá trình triển khai thực hiện. Theo ông Khuyến, việc xây dựng trục không gian cảnh quan sông Hồng là một quá trình khó khăn phức tạp và lâu dài, đòi hỏi nguồn lực rất lớn về tài chính và nhân lực… Những chính sách linh hoạt, phù hợp có thể giúp tháo gỡ khó khăn trong nguồn lực để hướng tới đầu tư xây dựng một không gian văn hóa công cộng đáng sống, tạo dấu ấn, bản sắc riêng cho Hà Nội.

Còn theo Chủ tịch quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, cơ chế chính sách cần được tháo gỡ đầu tiên là giao chính quyền Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất. Cụ thể, Luật Thủ đô và Luật Đất đai sửa đổi giao thành phố quyết định khai thác quỹ đất nông nghiệp bãi sông...

Có thể nói, sẽ cần rất nhiều những bàn thảo, những ý kiến của các chuyên gia, những giải pháp linh hoạt để giấc mơ sông Hồng sớm trở thành hiện thực. Thêm một biểu tượng mới cho Hà Nội hơn ngàn năm tuổi, thêm một nét riêng có, đan xen giữa cổ xưa và hiện đại - Thủ đô bên dòng châu thổ sông Hồng…

Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội

Hiện UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với UBND các Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam để tiến hành tổ chức cuộc thi Ý tưởng quy hoạch “Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” (dự kiến sẽ tổ chức thi tuyển vào đầu năm 2024) với mục đích: Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo độc đáo, chất lượng cao về Quy hoạch từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, thiết lập sản phẩm ý tưởng quy hoạch có tính sáng tạo nhưng có tính thực tiễn, khả thi cao.

Cuộc thi trên sẽ làm cơ sở để hoàn chỉnh Đề án đồng thời là cơ sở để triển khai thực hiện các dự án thành phần nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa theo chủ trương của Thành ủy và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, việc nghiên cứu, cải tạo bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành Công viên văn hóa du lịch của Thủ đô là giải pháp mang tính đột phá nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên sông Hồng. Đây sẽ là điểm tựa để đưa sông Hồng chảy giữa lòng Hà Nội, trở thành trục không gian xanh, có sức hấp dẫn không chỉ nằm trong phạm vi hai bên sông mà còn có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả Hà Nội. Đặc biệt, việc xây dựng không gian này sẽ cải thiện vệ sinh môi trường, tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử.

Đọc thêm