Hà Nội – vùng đất có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Kinh nghiệm của nhiều quốc gia, của nhiều thành phố lớn trên thế giới cho thấy, phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa thông qua phát triển công nghiệp văn hóa là xu hướng phát triển chung và được lựa chọn để góp phần định vị thương hiệu mỗi quốc gia, thành phố trên trường quốc tế. Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Hoàng thành Thăng Long luôn được gìn giữ như báu vật kết nối dòng chảy ngàn năm từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Hoàng thành Thăng Long luôn được gìn giữ như báu vật kết nối dòng chảy ngàn năm từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Chú trọng nguồn nội lực để phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô

Bàn về nguồn nội lực phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) để Thủ đô phát huy vai trò “nhạc trưởng” của cả nước, trước hết cần nhận diện nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam là gì?

Đó là nguồn lực địa - kinh tế và tài nguyên; nguồn lực con người; nguồn lực tài chính. Đặc biệt, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, các lễ hội, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, là nguồn lực vô cùng quý, hiếm có, vô tận để phát triển các ngành CNVH. Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn lực phi vật chất to lớn, được hiện diện ở các loại tài nguyên văn hóa, trí tuệ, các tài sản vô hình như thương hiệu, uy tín, nhãn hiệu hàng hóa... Chúng trở thành các yếu tố “đầu vào” cho sản xuất CNVH, thành nhân tố chủ đạo tạo nên giá trị gia tăng đột biến…

Hà Nội dẫn đầu cả nước với gần 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích được xếp hạng quốc gia, 1 di sản văn hóa thế giới; nguồn lực con người to lớn và vô cùng quý giá, trên 51,7% dân số trẻ, tập trung 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa...

Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học - công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ…

Hà Nội nỗ lực khai thác giá trị di sản để phát triển kinh tế-xã hội (Biểu diễn trống hội tại Hoàng thành Thăng Long). Anhr minh họa. Nguồn Internet.

Hà Nội nỗ lực khai thác giá trị di sản để phát triển kinh tế-xã hội (Biểu diễn trống hội tại Hoàng thành Thăng Long). Anhr minh họa. Nguồn Internet.

Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành CNVH. Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố...

Việc ưu tiên phát triển các ngành CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa đã được Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016.

Tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành CNVH của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao.

“Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững” – đó là nhấn mạnh của Bí thư Thành ủy Hà Nội ông Đinh Tiến Dũng trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp luật Việt Nam vào tháng 5/2023.

Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội ông Đinh Tiến Dũng cho biết, với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 09-NQ/TU để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết chuyên đề này được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội ông Đinh Tiến Dũng, để trở thành 1 trong 3 trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “Thành phố Sáng tạo”, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện với 6 quan điểm: Thứ nhất, phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Thứ hai, phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Thứ ba, phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Thứ tư, quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô.

Thứ năm, đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Thứ sáu, hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội trong chuyến thăm, dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh : Viết Thành/Báo HNM

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội trong chuyến thăm, dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh : Viết Thành/Báo HNM

Vượt qua những thách thức

Có thể nói, những nguồn lực trên đã tạo nên sự hấp dẫn riêng cho các ngành CNVH ở Thủ đô mà không phải thành phố nào cũng có. Song, các nguồn lực trên chỉ thực hiện được vai trò của mình khi vượt qua những thách thức để khai thác, phát huy lợi thế.

Tại hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến-văn minh-hiện đại” do thành phố tổ chức tháng 3/2023, theo đánh giá của các đại biểu tham dự thì mặc dù Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển CNVH, nhưng thực tế đến nay thì một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, nhận diện nguồn lực văn hóa.

Từ đó, nhấn mạnh việc nhận diện đúng các nguồn lực văn hóa của Thủ đô, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, vị trí văn hóa là yếu tố then chốt, để từ đó có thể phát huy tối đa những tài nguyên văn hóa mà thành phố đang sở hữu.

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra những nhận thức mới về nguồn lực văn hóa. Theo TS. Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, thế mạnh của Hà Nội để phát triển CNVH chính là vốn di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Với Nghị quyết mới, Thủ đô đã có thêm những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa, tiềm năng của CNVH.

Trình diễn áo dài VN trên không gian phố đi bộ ở Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh Phạm Hùng/Báo KTĐT

Trình diễn áo dài VN trên không gian phố đi bộ ở Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh Phạm Hùng/Báo KTĐT

Tuy nhiên, cũng theo TS. Lê Thị Minh Lý, Hà Nội cũng có một số điểm yếu, đó là các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo và xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế; chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho CNVH; thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh CNVH; cơ chế đầu tư cho CNVH còn chưa hợp lý và thiếu những liên kết chuyên ngành, hiệu quả cao…

1.206 lễ hội và 79 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian sẽ là cơ sở bền vững cho phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô. Tuy nhiên, phát triển CNVH cần hết sức thận trọng bởi sự thương mại hóa, kinh tế hóa giá trị di sản có thể là nguy cơ đối với bảo vệ di sản, với lợi ích/quyền của cộng đồng, TS. Lê Thị Minh Lý phân tích.

Để khai thác các nguồn lực văn hóa thì cần có cơ chế cụ thể. Theo PGS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, thành phố cần quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù; cần nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công - tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, cần đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của thành phố để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển CNVH thành mũi nhọn kinh tế; ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng…

Đọc thêm