Hà Nội đưa công nghiệp văn hóa thành nguồn lực phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 9/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” nhằm huy động những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững.
Không gian tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Không gian tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai nhấn mạnh, tại nhiệm kỳ này, Đảng bộ TP Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại...

Tọa đàm lần này là buổi tọa đàm thứ 3 mà Thành ủy Hà Nội với mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ trực tiếp, những sáng kiến tham vấn tâm huyết và trách nhiệm để xây dựng và phát triển Thủ đô bền vững của các sở, ban, ngành, đoàn thể TP; các quận, huyện, thị ủy; ban quản lý một số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn TP Hà Nội - là những đơn vị sẽ trực tiếp triển khai cụ thể hóa khi Nghị quyết được ban hành.

Tọa đàm thu hút trên 40 ý kiến đóng góp vào nội dung của dự thảo Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và dự thảo Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, hướng tới mục tiêu từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2045, Hà Nội “có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là TP kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế…”.

Tại sự kiện, các đại biểu đã trao đổi làm rõ thêm tiềm năng, thế mạnh của các ngành, địa phương, đơn vị; đánh giá năng lực triển khai, dự báo những thuận lợi, khó khăn và thách thức, đồng thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp; kiến nghị cơ chế, chính sách tạo bước chuyển biến rõ nét thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô phát triển.

Các đại biểu cũng kiến nghị TP tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa; có cơ chế, chính sách về kích cầu, phát triển thị trường theo hướng xuất khẩu; đầu tư cho giáo dục sáng tạo để hình thành lớp công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo; tăng cường giải pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Các đại biểu tại tọa đàm.

Các đại biểu tại tọa đàm.

Kết luận tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị là động lực và cơ sở để TP hoàn thiện nội dung dự thảo. Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội có tiềm năng thế mạnh về văn hóa mà không địa phương nào có được. Trong quá trình vận động, phát triển, TP cũng luôn xác định mục tiêu bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa và con người.

Để nhiệm vụ này thu được kết quả nổi bật, tại nhiệm kỳ này, Đảng bộ TP Hà Nội quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần nhân dân.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xác định Nghị quyết sẽ là căn cứ gợi mở để chủ động các dự kiến, xây dựng sớm các định hướng, dự án, đề án. Ông Phong yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát ngay các quy hoạch tổng thể về văn hóa trên địa bàn; quan tâm bố trí đầu tư công cho các dự án trong lĩnh vực văn hóa bởi một trong những yếu tố đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân chính là hạ tầng xã hội và đời sống văn hóa.

Đọc thêm