Đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng: Chưa được Bộ Tư pháp thẩm định

(PLO) - Khi vừa đưa ra đề xuất đánh thuế tài sản, trong đó có đánh thuế nhà có giá từ 700 triệu đồng trở lên, Bộ Tài chính lại nhận thêm phản ứng dữ dội từ dư luận bởi trước đó cũng đề xuất tăng hàng loạt sắc thuế khác. Việc Bộ trưởng Bộ Tài chính lên tiếng cho rằng đề xuất đánh thuế này không ảnh hưởng đến người nghèo càng khiến dư luận “dậy sóng”. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Tài chính, chưa được Bộ Tư pháp thẩm định nên Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến.
Các thành phố của Việt Nam như Hà Nội hiếm có nhà dưới 700 triệu đồng
Các thành phố của Việt Nam như Hà Nội hiếm có nhà dưới 700 triệu đồng

Lý giải của Bộ Tài chính 

Theo Dự thảo Luật Thuế Tài sản được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất chọn ngưỡng chịu thuế tài sản với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng trở lên. Sau đó, Bộ này ưu tiên chọn phương án ngưỡng chịu thuế là 700 triệu đồng trở lên.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi lý giải, theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, mục tiêu Chính phủ hướng tới năm 2020, diện tích nhà bình quân theo đầu người đạt 25m2/người. Bình quân mỗi gia đình 4 người, nên diện tích trung bình cần cho một hộ gia đình là 100m2. Còn đơn giá xây dựng mỗi m2 nhà theo Quyết định của Bộ Xây dựng là 7,3 triệu đồng/m2.

Với 2 cơ sở trên, Bộ Tài chính tính ra kết quả, đơn giá bình quân cho đầu tư xây dựng nhà tối thiểu của người dân là 730 triệu đồng (cho nhà 100m2 với 4 người). Từ đó, Bộ Tài chính đã đề xuất ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng (chỉ tính thuế với phần vượt hơn 700 triệu đồng).

Với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng, ông Thi cho biết sẽ không điều tiết thuế với những người sở hữu nhà ở có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình; không điều tiết đối với nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà cấp IV; không điều tiết đối với hầu hết nhà tại nông thôn, nhà cấp III. Ông Thi thừa nhận Dự án Luật Thuế tài sản sẽ có tác động đến mọi người dân trong xã hội, nhưng cho rằng vẫn phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, đảm bảo công bằng. Về mức thuế, tuy cũng đưa ra song ông Thi cho biết, đơn vị soạn thảo nghiêng về chọn phương án mức thuế 0,4%.

Quốc hội mới là cơ quan có quyền quyết định

Một trong những nguyên nhân khiến đề xuất của Bộ Tài chính vấp phải phản ứng mạnh của dư luận, là bởi hiện một căn nhà đang phải chịu rất nhiều nghĩa vụ tài chính. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục đánh thuế tài sản với nhà ở là bất hợp lý. Nhiều chuyên gia thì ủng hộ việc tăng thuế đất, song không đồng tình với việc đánh thuế nhà như phương án của Bộ Tài chính. 

Liên quan đến đề xuất trên, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản. Văn bản cho biết vừa qua Bộ Tài chính tổ chức họp báo và có công văn gửi các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, đồng thời gửi đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng thông tin điện tử Chính phủ xin ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, trong đó dự kiến thu thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và nhà ở... Việc Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tài sản là thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chưa phải là xây dựng dự án Luật.

Để các cơ quan, tổ chức và nhân dân hiểu rõ quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quỵ phạm pháp luật và đóng góp tích cực vào đề nghị xây dựng dự án Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính công khai quy trình nói trên. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nói chung, dự án Luật này nói riêng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định. Qua theo dõi thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Bộ chưa tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật này. Hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mới đây cũng lên tiếng “trấn an” dư luận rằng đề xuất về thuế tài sản chỉ là nội dung đưa ra lấy ý kiến chứ chưa “chốt”, Quốc hội mới là cơ quan có quyền quyết định.

Đọc thêm