“Đạo diễn” hồ tiêu rụng lá để “làm khó” doanh nghiệp?

Hai công chức của Chi cục Bảo vệ thực vật ( BVTV) tỉnh Gia Lai đã “nhân danh” Chi cục BVTV mời báo chí tới làm ầm ĩ việc 7 ha hồ tiêu của một DN trên địa bàn huyện ChưPăh bị rụng lá, rụng quả do phun phân hữu cơ sinh học của Cty CP Thanh Hà ( Hà Nội), làm Cty CP Thanh Hà một phen khốn đốn, người dân hồ nghi vào một sản phẩm từng phục hồi hiệu quả cây hồ tiêu.

Hai công chức của Chi cục Bảo vệ thực vật ( BVTV) tỉnh Gia Lai đã “nhân danh” Chi cục BVTV mời báo chí tới làm ầm ĩ việc 7 ha hồ tiêu của một DN trên địa bàn huyện ChưPăh bị rụng lá, rụng quả do phun phân hữu cơ sinh học của Cty CP Thanh Hà ( Hà Nội), làm Cty CP Thanh Hà một phen khốn đốn, người dân hồ nghi vào một sản phẩm từng phục hồi hiệu quả cây hồ tiêu.

Nghi án vườn tiêu

Đã 2 năm nay, sản phẩm KH – NH ( sản phẩm từng cứu sống cây đa Tân Trào) của Cty Thanh Hà được nông dân các tỉnh Tây Nguyên tín nhiệm sử dụng để phục hồi, sinh trưởng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như cà phê, hồ tiêu, chanh leo. Ngày 28/9/2010, ông Lưu Văn Thọ - Giám đốc Cty Tam Ba mời ông Nguyễn Anh Kết - TGĐ Cty Thanh Hà lên Gia Lai và hai bên đã ký hợp đồng mua sản phẩm KH-NH để phục hồi vườn tiêu tại huyện Chưpăh có diện tích 7ha, bị bệnh vàng lá, long khớp. Sau khi ký hợp đồng, Cty Thanh Hà cung cấp đủ số lượng sản phẩm và hướng dẫn kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật của Cty Tam Ba.

“Ngày 25/10/2010, ông Thọ thông báo với tôi: sản phẩm của Thanh Hà làm cho vườn tiêu của Tam Ba vàng lá và rụng quả. Sau đó, ông Thọ gửi đơn khiếu nại sai sự thật về sản phẩm của chúng tôi; đồng thời, mời báo chí địa phương tới cung cấp các thông tin sai sự thực rằng: Tiêu bị rụng lá, rụng quả do sử dụng phân bón kém chất lượng” - ông Kết bức xúc cho biết.

Đâu là sự thật?

Để xác định việc tiêu rụng lá, rụng quả có phải do phân bón qua lá hay không, UBND xã Nghĩa Hưng, Phòng NN&PTNT huyện ChưPăh và Trạm BVTV ChưPăh đã tới kiểm tra, đánh giá thực trạng vườn tiêu của Cty Tam Ba nhưng đã không đưa ra được kết luận việc lá, quả rụng là do phân bón của Cty Thanh Hà.

Tại biên bản kiểm tra ghi ngày 2/12/2010, đoàn kiểm tra cho rằng: “Đã có việc thu dọn sạch tàn dư thực vật nên không đủ căn cứ kết luận”. Vì sao lại dọn sạch tàn dư thực vật- là vật chứng của việc rụng lá, quả? Đại diện Cty Tam Ba trình bày là do có đám cưới con ông Thọ nên đã thuê người quét sạch lá trên toàn bộ 7 ha tiêu và đem đi đốt để làm đẹp vườn cho khách ăn cưới đến thăm quan. Khi hỏi đống lá, quả quét được đem đốt ở chỗ nào thì đại diện Tam Ba lảng tránh,  trên đất trang trại này khi đó cũng hoàn toàn không có dấu vết đất cháy sém do đốt thực bì của 7ha tiêu bị rụng lá, rụng quả…

Cán bộ Chi Cục BVTV Gia Lai Dương Văn Đê (thứ nhất bên phải) trong “vai” kỹ thuật viên của DN Tam Đa tuyên bố: “Phân bón của Cty Thanh Hà không nằm trong Danh mục được phép lưu hành”. Ảnh: Đ. Học
Cán bộ Chi Cục BVTV Gia Lai Dương Văn Đê (thứ nhất bên phải) trong “vai” kỹ thuật viên của DN Tam Đa tuyên bố: “Phân bón của Cty Thanh Hà không nằm trong Danh mục được phép lưu hành”. Ảnh: Đ. Học

Trước đó, ngày 21/11/2010, ông Lưu Văn Thọ và hai nhân viên kỹ thuật là Dương Văn Đê và Trần Đức Công đã cùng với nhân viên Cty Thanh Hà kiểm tra hiện trạng vườn tiêu. Tại buổi làm việc này, ông Công đã đập bàn tuyên bố: “Bây giờ tôi là nhân viên Cty Tam Ba, sau này tôi là nhân viên Nhà nước sẽ điều tra các anh” (?!). Qua tìm hiểu thực tế của PV PLVN thì sở dĩ ông Công hành xử như vậy là bởi ông là công chức thuộc Chi cục BVTV tỉnh Gia Lai. Tại buổi làm việc giữa báo giới với Chi cục BVTV ngày 11/3 vừa qua, ông Đê thừa nhận làm thuê cho Cty Tam Ba đã 10 năm nay; còn ông Công thừa nhận mình là người trực tiếp viết biên bản làm việc với Cty Thanh Hà với tư cách đại diện cho Cty Tam Ba ngày 21/11/2010.

Cũng trong buổi làm việc ngày 11/3, ông Hà Ngọc Uyển - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Gia Lai - xác nhận, các ông Dương Văn Đê, Trần Đức Công là cán bộ của Chi cục song ông Uyển cho biết đây là việc riêng của hai ông này. Về việc báo địa phương đưa thông tin “Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai đánh giá hiện tượng rụng quá tại trang trại này không phải bị bệnh mà chủ yếu do phân bón qua lá”, ông Uyển khẳng định: “Chi cục hoàn toàn không hề có chỉ đạo hay tuyên bố nào liên quan đến vụ rụng lá, quả tiêu ở trang trại Tam Ba”.

Còn theo khẳng định của một PV địa phương: “Thông tin vụ tiêu rụng lá, quả ở trang trại Tam Ba là do anh Đê, anh Công, cán bộ của Chi Cục BVTV Gia Lai, đưa ra”. Thực tế, khi trả lời PV ở  trang trại Tam Ba (ngày 30/11/2010), ông Dương Văn Đê còn tuyên bố sai sự thực rằng: “Sản phẩm phân bón lá của Cty Thanh Hà không có trong danh mục”.

Cần xử lý nghiêm minh

“Nghi án” 7ha tiêu rụng lá, rụng quả đã được làm sáng tỏ, trong khi các cơ quan thông tấn địa phương thẳng thắn “sửa sai” thì việc xử lý những cán bộ, công chức “lạm dụng” chức danh của mình thông tin sai sự thực, đánh lừa báo chí, gây hoang mang dư luận, khiến người nông dân không tin tưởng vào sản phẩm của một nhãn hàng Việt uy tín vẫn chưa được xử lý nghiêm minh.

Cty Thanh Hà cho biết đã khiếu nại tới Sở NN&PTNT cũng như Chi cục BVTV và đang tính tới việc khởi kiện Cty Tam Ba ra Tòa cũng như làm rõ động cơ “tiếp sức” của hai công chức này. Trao đổi với báo giới, ông Vũ Mạnh Hùng – Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp PTNT Gia Lai cho biết đơn vị này đang tiến hành xác minh vụ việc.

Rõ ràng, hai công chức của Chi cục BVTV trở thành “cán bộ kỹ thuật” của trang trại Tam Ba và để xảy ra các sự việc nêu trên là việc làm vi phạm các quy định pháp luật. Thiết nghĩ, Sở NN&PTNT Gia Lai cũng như Chi cục BVTV Gia Lai cần xử lý nghiêm minh, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các DN làm ăn chân chính, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh vì quyền lợi của người nông dân.

Phương-Văn

Đọc thêm