Đạo diễn phim Thần tượng: Tôi không “ăn may”

Đoạt giải Cánh diều vàng 2014, Quang Huy, một đạo diễn tay ngang, tự tin thực hiện dự án điện ảnh thứ hai để chứng minh mình không phải là người “ăn may”
Lần đầu tiên làm phim, vượt qua những đạo diễn có nghề, có tên tuổi trong làng điện ảnh để mang về 6 giải thưởng tại giải Cánh diều 2013 cho bộ phim Thần tượng, với anh, thành công này có được nhờ điều gì?
- Đạo diễn Quang Huy: Tôi nghĩ nó đến từ sự khát khao của cả ê-kíp làm phim. Ngoài tôi ra, hầu hết các thành viên trong nhóm đều lần đầu làm phim điện ảnh nên mỗi người đều có sự khát khao rất lớn: truyền cảm xúc đến người xem.
Đạo diễn Quang Huy chỉ đạo làm phim Thần tượng (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đạo diễn Quang Huy chỉ đạo làm phim Thần tượng (Ảnh do nhân vật cung cấp) 
Thắng lớn ở giải thưởng của Hội Điện ảnh nên anh quyết định dấn sâu vào lĩnh vực điện ảnh?
- Không, tôi cũng vẫn đi theo kế hoạch đã có sẵn.
Nói gì thì Quang Huy vẫn là nhà làm phim tay ngang so với bao người, anh có ngại khi ai đó bảo rằng anh là người ăn may?
- Làm gì có thành công nào không có may mắn? Nếu ai muốn khẳng định thành công không cần may mắn, hãy cho tôi sự may mắn mà họ không cần. Quan niệm của tôi rất đơn giản: May mắn là thứ mình không lựa chọn được, nó có thể đến hoặc không nhưng nếu mình không vận động thì khi may mắn đến, mình đâu có biết. Nếu tôi không làm phim, chẳng lẽ ngồi nhà cũng có Cánh diều vàng?
Khi thấy Quang Huy làm phim, không ít ý kiến cho rằng anh liều. Anh có thấy mình liều không?
- Tôi vốn liều từ xưa đến giờ mà! Có người chờ có may mắn rồi mới làm, còn tôi thì nghĩ cứ liều đi mới mong có may mắn. Tôi quan tâm đến làm phim khoảng chục năm nay nhưng không vội vã hay “máu lửa” gì cả. Tôi để ý, tìm hiểu, thực nghiệm… một cách từ từ, đến khi cảm nhận mình đã sẵn sàng thì bắt tay làm Thần tượng.
Nhưng muốn hành nghề chuyên nghiệp và tác phẩm của mình tạo ra có đẳng cấp nhà nghề thì đòi hỏi đạo diễn phải là người có nghề, anh có tính đến điều này?
- Có chứ, làm gì có ai thiếu hiểu biết mà thành công nhưng tôi không tự tạo áp lực cho mình phải có nhiều kiến thức chuyên môn. Thay vào đó, tôi cố gắng tạo cho mình một ê-kíp gồm những người có nhiều kiến thức về nghề.
Vì sao anh lại chuyển sang làm phim khi cái tên Quang Huy lâu nay luôn gắn với hoạt động của sân khấu ca nhạc?
- Vì tôi muốn tên mình được gắn liền với cả điện ảnh. Tôi yêu cảm giác được nhìn thấy cảm xúc của khán giả, cho dù đó là khán giả âm nhạc hay phim, kịch… và cho dù đó là cảm xúc dành cho tác phẩm không phải của tôi.
Thế mạnh của anh ở lĩnh vực điện ảnh là gì?
- Tôi nghĩ là sự trải nghiệm. Tôi thường ít tưởng tượng chủ quan mà thích chủ động sống và trải nghiệm với những chất liệu thực trong câu chuyện của mình.
Trong nhiều cuộc chơi, kể cả điện ảnh, làm chơi nhưng đôi khi lỗ thật. Anh có ngại điều này?
- Ngại chứ nhưng có ngành nào đầu tư mà chắc thắng đâu. Đúng là giải trí thì có rủi ro cao hơn nhưng nếu mình không làm hoặc đi đầu tư ngành khác thì rủi ro sẽ còn cao hơn nữa.
Cái anh đã học và có thể áp dụng vào phim từ điện ảnh trên thế giới là gì?
- Tôi không biết. Tôi thường để bản thân mình cảm nhận và thẩm thấu tự nhiên. Khi xem phim, tôi thường thưởng thức như khán giả và quan tâm đến âm nhạc,  lời thoại.
Dự án điện ảnh thứ hai sau thành công của bộ phim Thần tượng sẽ là câu chuyện như thế nào?
- Vẫn sẽ là một bộ phim truyền cảm hứng vì tôi thích suy nghĩ tích cực. Tôi dựa trên câu chuyện có thật của Wanbi Tuấn Anh để viết kịch bản, câu chuyện nói về cách một chàng trai nghị lực đối diện với cái chết được báo trước như thế nào. Tôi muốn truyền cho khán giả cảm hứng sống tích cực.
Câu chuyện trong phim Thần tượng là cuộc sống của lĩnh vực ca nhạc, vốn là đất sống của anh. Nhưng điện ảnh cần nhiều hơn những gì mình đã trải nghiệm để dựng lên nó. Liệu anh có thành một đạo diễn điện ảnh thực thụ?
- Hãy để chính bộ phim tôi sẽ làm ngoài đề tài thế giới showbiz sau này trả lời.
Tôi nghĩ cứ nghiêm túc với những gì mình làm và tự nghiêm khắc với chính mình thì sẽ thành công./.