'Đạo đức cách mạng' - 'tấm khiên' ngăn chặn suy thoái - Bài 1: 'Vũ khí sắc bén' để cán bộ, đảng viên vượt mọi thử thách

(PLVN) -  Đảng ta luôn xác định đạo đức cách mạng là một trong những nền tảng cốt lõi tạo nên sức mạnh của Đảng, là “gốc rễ” của mỗi người cách mạng. Đạo đức cách mạng vừa là nền tảng, là mục tiêu phấn đấu, đồng thời là hành trình cố gắng, nỗ lực thường xuyên, liên tục “tự soi, tự sửa” mỗi ngày của mỗi cán bộ, đảng viên.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. (Ảnh: TL)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. (Ảnh: TL)

LTS: Xây dựng đạo đức cách mạng là vấn đề luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh là nhiệm vụ then chốt trong các giai đoạn cách mạng. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tiêu cực, tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, vấn đề rèn luyện, tu dưỡng, giữ vững đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên lại càng trở nên quan trọng. Đây chính là “lá chắn” ngăn chặn những cám dỗ, suy thoái.

Đạo đức là “gốc rễ”, nền tảng của người cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới “đạo đức cách mạng” và giáo dục đạo đức cách mạng từ rất sớm. Đạo đức đó được nhận thức là những chuẩn mực cần có của người cách mạng, là cái căn bản trong bản chất người cách mạng. “Tư cách một người cách mệnh” là bài đầu tiên trong tập “Đường Kách mệnh” (1927) - cuốn “giáo trình” mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng để huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu trong thời kỳ chuẩn bị những điều kiện để thành lập Đảng.

Chỉ trong những dòng vắn tắt, dễ nhớ, dễ hiểu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khái quát những đức tính cần có của một “người cách mệnh”. Trong đó, “Tự mình phải: cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. […] Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất…”.

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, XIII, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quy định với quyết tâm chính trị rất cao, với tinh thần quyết liệt để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kết hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Năm 1947, Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và “Đời sống mới”. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Năm 1949, Người viết tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” và “Dân vận”, nêu bật yêu cầu đạo đức trong tiêu chuẩn cán bộ.

Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Trong đó, Người khẳng định, đạo đức cách mạng là phải “đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Và trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người dặn dò: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Lúc sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, học Bác là học tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, đạo đức cách mạng và phong cách của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu cán bộ là “cái gốc của mọi việc” thì phẩm chất, đạo đức của cán bộ phải song hành với tài năng, trong đó “đức phải là cái gốc”. Câu nói “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” là đúc kết cô đọng, súc tích của cố Tổng Bí thư về phẩm chất cán bộ, đảng viên.

Phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện như “rửa mặt hàng ngày”

Tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác phẩm “Đường Kách mệnh”

của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (Tháng 12/1958) là tác phẩm có giá trị nhiều mặt cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đạo đức cách mạng trở thành “cái gốc” và bản chất của người cách mạng. Tính “căn bản” của đạo đức cách mạng thể hiện ở cả khía cạnh động lực thúc đẩy và hướng dẫn, tiết chế nhu cầu, tự chủ bản thân trước mọi cám dỗ, giữ gìn danh dự, nhân phẩm, khẳng định tính chính đáng của người cầm quyền.

TS Chính trị học Cù Văn Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Các vấn đề xã hội chia sẻ, vai trò của đạo đức cách mạng có tác dụng to lớn, bền vững trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Bởi suy cho cùng, cán bộ, đảng viên cũng là những con người cụ thể, mang đầy đủ những đặc điểm, tính cách chung của tâm lý con người.

“Con người tự nhiên và con người xã hội mang tư cách công dân đều cần được sự điều chỉnh do chính nhận thức đúng đắn của họ. Vì thế, đạo đức cách mạng khi được thẩm thấu, tác động đến nhận thức của cán bộ, đảng viên một cách tự nhiên thì chính họ là những người tự điều chỉnh, ngăn chặn sự suy thoái về mọi mặt của đời sống cá nhân mình một cách bền vững và chắc chắn nhất” - TS Cù Văn Trung nhấn mạnh. Vì thế, “đạo đức cách mạng” như “tấm khiên chắn”, “sức đề kháng” của mỗi người cán bộ, đảng viên.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện trên ba phương diện: một là suy thoái về tư tưởng chính trị. Trong đó, quan trọng nhất đó là lí tưởng cách mạng không gắn liền với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Suy thoái thứ hai là về đạo đức, lối sống, đề cao cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, hưởng thụ, vụ lợi, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể, quan liêu, xa rời quần chúng, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân,… Cái suy thoái này rất nặng nề và phá hoại một cách ghê gớm dẫn đến hậu quả là sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Và cuối cùng chính là "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Chính vì thế, giáo dục đạo đức cách mạng không chỉ là biện pháp, phương pháp “mềm” nhằm giáo dục, định hướng về tư tưởng, chính trị, tác phong và lề thói của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đạo đức cách mạng không chỉ dừng lại ở vai trò là “cái gốc”, mà còn đóng vai trò là mục tiêu, hành trang cho mỗi suy nghĩ, hành động của người cách mạng. Trong những lúc khó khăn, sự kiên trì, niềm tin vào lý tưởng, bản lĩnh đạo đức sẽ là “barie” rào chắn trước những cám dỗ, ngăn chặn suy thoái, giúp họ vượt qua thử thách.

Để làm được điều đó, người cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức như “rửa mặt hằng ngày” mới có thể trở thành người cán bộ, đảng viên chân chính. Đó là hành trình vượt qua chính mình của mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Rơi vào chủ nghĩa cá nhân vì sống xa dân

Tại sao một bộ phận cán bộ, đảng viên lại “sa bẫy” chủ nghĩa cá nhân, đánh mất tập thể, không chăm lo cho “cái chung” mà chỉ chăm chăm đến “cái riêng”, “vun vén” cho lợi ích của mình, gia đình mình? Tại sao lại tồn tại hiện tượng ích kỷ, hưởng thụ, xa rời quần chúng, vô cảm, thờ ơ với Nhân dân? Theo nhiều chuyên gia, đó chính là vì một bộ phận cán bộ, đảng viên đã “đánh mất” lý tưởng vì Nhân dân mà phụng sự, vì Nhân dân mà phấn đấu, không gần dân, trọng dân và vì dân.

Thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chính là tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đạo đức cách mạng cũng phải được xây dựng nên từ đó. Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được xây đắp từ việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, chăm lo đầy đủ và sâu sát đến đời sống, lợi ích của Nhân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân chỉ bảo, góp ý để từng bước hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, hợp lòng dân hơn. Đặc biệt, Nhân dân chính là lực lượng khách quan nhất giữ vai trò kiểm tra, giám sát, đánh giá về đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Muốn đo được “lòng người”, “chất người” chúng ta phải dùng đến “lòng người”.

(Còn tiếp)

Đọc thêm