Ông Ma Quang Trung (Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT) |
Ông đánh giá như thế nào về chương trình ĐTN cho LĐ nông thôn thời gian qua?
- Có thể nói, chương trình ĐTN cho LĐ nông thôn là một chương trình lớn của quốc gia từ năm 2009 bao gồm những mục tiêu cụ thể đối với cả LĐ ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đối với LĐ nông nghiệp là 1 triệu LĐ để cải thiện sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất. Đối với LĐ phi nông nghiệp là 5 triệu LĐ, ngoài nông nghiệp còn có thể làm các ngành nghề khác.
Đến năm 2015, Bộ NN&PTNT đã tiến hành đánh giá, nhìn nhận chương trình ĐTN cho LĐ nông thôn. Thực tế thấy rằng, chương trình có nhiều tồn tại.
Trước hết, người nông dân không phát huy được ngành nghề đã đào tạo, nội dung ĐTN không gắn với nhu cầu. Điều này đã dẫn đến việc đào tạo ra nhưng không đáp ứng được nhu cầu, đáp ứng được thực tiễn. Điều cốt lõi ở chỗ việc đào tào tràn lan, mục tiêu chỉ hướng đến sản xuất nông nghiệp truyền thống, mục tiêu ĐTN cho các doanh nghiệp (DN) không được chú trọng, trong khi nhu cầu LĐ của DN ngày càng lớn. Đây chính là cầu nối lớn để người LĐ nông thôn có việc làm, cải thiện cuộc sống.
Vậy Bộ NN&PTNT đã rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
- Theo Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, sửa đổi một số điều của Quyết định 1956 trước đó, việc ĐTN cho LĐ nông thôn phi nông nghiệp, giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, còn đối với ngành Nông nghiệp đào tạo LĐ nông nghiệp. Theo chỉ tiêu, đến 2020, sẽ có khoảng 1 triệu LĐ nông thôn được ĐTN nông nghiệp tại các trung tâm đào tạo là trung tâm khuyến nông. Bên cạnh đó, khoảng 400.000 LĐ nông thôn sẽ được đào tạo trung cấp tại các cơ sở ĐTN của Bộ NN&PTNT.
Ngoài đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, đối tượng ĐTN chúng tôi hướng tới chủ yếu là ĐTN cho các DN. Chúng tôi phối hợp với các DN có nhu cầu LĐ để cùng đào tạo và tìm đầu ra sau đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ chuyển một phần tiền hỗ trợ cho DN trong quá trình đào tạo LĐ nghề cho nông dân.
Về chính sách và chế độ, chúng tôi cũng đổi mới theo hướng gắn với thực tiễn của người dân. Người dân có nhu cầu, DN cần người làm.
Có thể nói, kết quả ban đầu thực hiện theo hướng điều chỉnh đã thu được thành công, có thêm nghề mới, tay nghề người LĐ cao hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các giáo trình ĐTN đã được ban hành, giảm tải lý thuyết mà tăng thực hành.
“Đón” CMCN 4.0, công tác ĐTN cho LĐ nông thôn sẽ đổi mới như thế nào, thưa ông?
- Tôi phải khẳng định nông nghiệp trong thời đại mới có công nghệ hoàn toàn khác so với trước. Nông nghiệp bây giờ làm ra sản phẩm để bán với giá cả cạnh tranh, phải có tiêu chuẩn an toàn và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Việc áp dụng công nghệ tiên tiến gắn liền với việc giám sát quy trình sản xuất đang trở thành xu hướng mạnh mẽ và đây cũng là một trong những trọng tâm của ngành Nông nghiệp đang chuyển mình và hướng phát triển theo đó.
Hiện chúng tôi đang xây dựng 1500 xã nông nghiệp công nghệ cao, 15.000 HTX sản xuất nông sản sạch có hiệu quả.
Đối với người nông dân ở vùng cao, vùng khó khăn, mục tiêu chính của họ là an sinh, đủ ăn, đủ mặc và ổn định cuộc sống thì cần được Nhà nước hỗ trợ. Còn đối với người nông dân tại các vùng đồng bằng thì sản phẩm làm ra bây giờ là để bán, để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Điều này cần được định hướng để người nông dân nắm bắt quy luật của thị trường, sản xuất đúng quy trình, tiêu chuẩn để không ồ ạt, dư thừa.
Để làm được điều này, tôi cho rằng cần phát triển các HTX để giải quyết tình trạng nhỏ lẻ, phát triển theo hướng cạnh tranh, hướng sản phẩm không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà xuất khẩu ra nước ngoài.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!