Đảo Trần - Tổ quốc nơi đầu sóng

(PLVN) -…Bài Quốc ca chúng tôi đã nghe bao lần, đã hát bao lần nhưng khi ấy chúng tôi thấm thía hơn bao giờ hết hồn thiêng sông núi, máu và hoa của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Đó còn là sự hy sinh thầm lặng của quân và dân trên đảo tiền tiêu, ngày đêm canh giữ chủ quyền, là những cột mốc sống nơi phên dậu, là Tổ quốc nơi đầu sóng…
Cảm xúc thiêng liêng, xúc động, tự hào khi chúng tôi được chào cờ, hát quốc ca trên đảo Trần.
Cảm xúc thiêng liêng, xúc động, tự hào khi chúng tôi được chào cờ, hát quốc ca trên đảo Trần.

Có một hành trình nhiều cảm xúc

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi từ Hà Nội xuống Hạ Long rồi cùng anh chị em Văn phòng Báo Pháp luật Việt Nam tại Quảng Ninh háo hức xuống Móng Cái để ra đảo Trần. Đảo Trần theo địa giới hành chính thuộc xã Thanh Lân của huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Nhưng nếu đi từ đất liền, con đường ngắn nhất lại là xuất phát từ hướng Trà Cổ. Đó là nơi mà nếu nhìn trên bản đồ luôn được ví như một hạt vừng vãi xuống nền xanh của biển cả, của tuyến đảo Đông Bắc. Thế nhưng, đảo Trần được ví như “con mắt” trấn giữ cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ, chỉ cách hải phận Trung Quốc 4 - 5km. Nơi này vẫn được ví đầy tự hào “cả nước có Trường Sa - Quân khu 3 có đảo Trần”. Bởi thế, đảo Trần có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với an ninh chính trị, quốc phòng và kinh tế.

Thế rồi, khi đến Đồn Biên phòng Trà Cổ, chúng tôi đã nhận được tin “chẳng lành” là ngoài đó sóng to, gió Nam nên không ra đảo được. Chúng tôi vẫn xin phép được ra Mũi Ngọc, ra đảo Vĩnh Thực chờ “sóng yên bể lặng” lúc nào sẽ lên đường lúc ấy. Song, chúng tôi tiếp tục nhận được tin rằng biển bắt đầu sóng to. Theo con sóng này, phải đợi một tuần nữa mới có thể lên đường… Và rồi, bằng niềm tin và sự thôi thúc mãnh liệt được ra mảnh đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, chúng tôi đã được các anh Bộ đội Biên phòng cho xuồng cao tốc ra đảo…

Và khoảng 40 phút chạy vượt qua nhiều “ổ gà”, “ổ voi” trên biển, đảo Trần đã ở trước mắt chúng tôi. Hòn đảo bé nhỏ, xanh khiêm nhường giữa muôn trùng sóng. Quanh bến thuyền, có khoảng 20 chiếc tàu đánh cá của ngư dân đang neo đậu. Đón chúng tôi lên âu cảng là những người lính trạm kiểm soát biên phòng, những khuôn mặt rám nắng, rắn rỏi và đầy kiên nghị, một cảm giác thân thương lắm khi chúng tôi gặp họ, như những người lính ấy luôn ở đó, khi có những vị khách phương xa hiếm hoi tới đảo.

Sau những cái bắt tay siết chặt từ Trung tá Bùi Anh Đức - Đồn trưởng Đồn Biên phòng số 6, Thiếu tá Phạm Hồng Tài, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Lữ đoàn 242, chúng tôi quá đỗi bất ngờ khi Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh hoan hỉ đón chúng tôi. Thầy bảo, hôm nay sóng “đá gà”, nghĩa là ngoài dội vào, trong dội ra, những con sóng chọi nhau nên ra đảo khá vất vả... Thầy vừa từ Hạ Long xuống do có việc trong đất liền. Chứ từ năm ngoái, hàng ngày thầy ở đảo đón từng viên gạch, viên ngói có hình Quốc huy từ đất liền ra đảo xây chùa…

Hiện nay trên đảo có khoảng 300 người, ngoài cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển thuộc Lữ đoàn 242; Đồn Biên phòng số 6, còn có nhân viên đèn biển, Trạm rađa, lực lượng Hải quân và 12 hộ dân/52 nhân khẩu. Song số hộ thường xuyên ở lại trên đảo là 7 hộ sinh sống, 5 hộ còn lại họ thường xuyên đi biển. Phần lớn họ đều là những gia đình trẻ, làm nghề đi biển, đánh bắt hải sản, tự nguyện rời đất liền ra gắn bó, bám đảo.

Tiếng chuông chùa đầu tiên ngày mùng 1 Tết

Chúng tôi xúc động tự hào khi được chào cờ hát quốc ca nơi phên dậu Tổ quốc- đảo Trần thân thương.

Chúng tôi xúc động tự hào khi được chào cờ hát quốc ca nơi phên dậu Tổ quốc- đảo Trần thân thương.

Lên đảo rồi chúng tôi mới hiểu, khi có khách hay bất cứ việc lớn nhỏ nào, các lực lượng quốc phòng, trạm hải đăng, người dân và nay thêm thầy đều đón tiếp như người trong một nhà. Qua con đường bê tông đi sâu vào đảo, xe dừng chân dưới con dốc để chúng tôi lên chùa Trúc Lâm đảo Trần, ngôi chùa được thi công từ tháng 10/2022 nhưng hình ảnh về một ngôi chùa khang trang, gần gũi như trong đất liền đã hình thành. Lá cờ Tổ quốc đầu sân chùa tung bay phần phật trong gió, trước mắt là một vịnh nhỏ trong lành, yên ả. Nhìn lá cờ căng gió, chúng tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết, Tổ quốc nơi đầu sóng…

Hỏi thầy đảo Trần có từ bao giờ? Thầy nói, theo những người dân sống trên đảo, đảo Trần đã có từ xa xưa lắm khi những người đi biển đầu tiên đến đảo sinh sống, thấy hòn đảo hoang vu khắc nghiệt nên người dân gọi là đảo Trần cho dễ nhớ. Tuy nhiên, theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì đảo Trần gắn với thời nhà Trần đã có công khai phá miền đất này.

Theo thần tích, vào khoảng cuối Trần triều, đầu hậu Lê, trên hòn đảo tiền tiêu của Nhà nước phong kiến Đại Việt này, các thương thuyền buôn bán ở thương cảng Vân Đồn và dân bản địa đã xây dựng một ngôi chùa thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thờ tướng công hiển thánh Trần Hưng Đạo cùng gia thất nhà Trần. Hiện con đường xuyên đảo này được đặt tên Trần Khánh Dư, để ghi nhớ công lao khai khẩn vùng biển đảo Đông Bắc của nhà Trần.

Dự án chùa Trúc Lâm đảo Trần có diện tích xây dựng 2,72ha với 22 công trình chính và phụ trợ như: Ngôi Đại hùng Bảo điện, nhà thờ tổ; nhà thờ mẫu; lầu chuông; lầu khánh; đền thờ Trần Hưng Đạo và các tướng thời Trần; nhà tăng; nhà khách; khu cổng tam quan... với chất liệu gỗ lim, đá, gạch nung, bảo đảm mỹ thuật và sự bền vững với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng biển đảo.

Thượng tọa Thích Thanh Lịch chia sẻ, thầy bắt đầu có duyên với đảo từ năm 2015, khi ra đảo khánh thành làm lễ thượng cờ. Khi được tỉnh phê duyệt dự án để người dân, cán bộ, chiến sĩ yên tâm “bám biển, bám đảo”, coi đảo là nhà, từ hai năm nay, thầy gần như dành toàn bộ thời gian trên đảo. Thầy nói, Tết vừa rồi, lần đầu tiên trên đảo có tiếng chuông chùa, người dân được lên chùa thắp nén tâm hương cầu bình an, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an…

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 47 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Công trình chùa Trúc Lâm đảo Trần Cô Tô dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Tháng 10 này, thầy dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 Kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Thượng tọa Thích Thanh Lịch nhận định: thực tế đã chứng minh, các công trình tâm linh trên dọc dài các dải biên cương đã khẳng định và phát huy được “sức mạnh mềm” trong quá trình bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Công trình tâm linh chùa Trúc Lâm không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, thôn đảo Trần mà còn là nơi để ngư dân đánh bắt thủy sản có thể thực hiện nguyện vọng tín ngưỡng, tâm linh theo quy định của pháp luật…

Điểm tiếp theo chúng tôi đến là cột cờ trên “mái nhà” đảo Trần. Vượt qua khoảng gần 2km theo các bậc thang lên đỉnh núi, chúng tôi có mặt tại cột cờ và đền thờ Bác Hồ. Cột cờ Tổ quốc tại đảo Trần được xây dựng tại vị trí gần Trạm rađa Hải quân 480 - điểm cao nhất của đảo Trần (cao 188m so với mực nước biển). Cột cờ có chiều cao 15m; cờ vải có kích thước 4m x 6m và được may với chất liệu vải bền vững với đặc thù gió biển.

Khi chúng tôi lên tới nơi, thầy Thích Thanh Lịch chỉ cho chúng tôi bờ rào quanh sân bị giông lốc quật bay. Ở độ cao này, mưa giông, bão tố, trước sấm sét và hơi mặn từ biển bốc lên có thể ăn mòn cả sắt thép… Cột cờ Tổ quốc trên đảo Trần với lễ thượng cờ thiêng liêng đã chính thức bắt đầu từ tháng 8/2015…

Sau khi thắp hương ở đền thờ Bác Hồ, chúng tôi lên làm lễ chào cờ và hát Quốc ca. Trong không gian ấy, giữa trùng khơi phần phật gió, chỉ có những trái tim tự hào, biết ơn đang cùng một nhịp. Chúng tôi thêm tự hào về vùng trời vùng biển, từng mảnh đất thiêng liêng nơi phên dậu Tổ quốc! Bài Quốc ca chúng tôi đã nghe bao lần, đã hát bao lần nhưng khi ấy chúng tôi thấm thía hơn bao giờ hồn thiêng sông núi, máu và hoa của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Đó còn là sự hy sinh thầm lặng của quân và dân trên đảo tiền tiêu, ngày đêm canh giữ chủ quyền, là những cột mốc sống nơi phên dậu Tổ quốc…

Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh thỉnh chuông tại chùa Trúc Lâm đảo Trần.

Thượng tọa Thích Thanh Lịch, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh thỉnh chuông tại chùa Trúc Lâm đảo Trần.

Những hy sinh thầm lặng

Đồn Biên phòng số 6 nhìn ra vùng biển đẹp như vầng trăng lưỡi liềm. Đồn hiện phụ trách bảo vệ 63km đường biển và hải đảo. Vì chưa có phương tiện đi lại chuyên dụng, việc ra vào đảo của lực lượng vẫn phải dựa vào dân, nhờ vào các tàu cá, tàu thương mại. Do đó, để chủ động lương thực, thực phẩm, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều thực hiện tăng gia. Sau nhiều gian nan cải tạo đất trồng, hiện rau của bộ đội trên đảo đã khá dư giả, không còn phải mua từ đất liền như trước.

Trung tá Bùi Anh Đức chia sẻ, ở đảo có hai mùa thì đều khắc nghiệt như nhau. Mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau với “đặc sản” gió mùa Đông Bắc, sương mù nhiều và giá rét. Đó là mùa mà những người lính biên phòng đi tuần tra trên biển, những trận gió tạt vào cảm giác như bị kim châm. Còn mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, thường xảy ra mưa bão, giông lốc, sóng to biển động, nhất là gió lừng Nam, theo ngư dân gọi đó là sóng “đá gà”, nhanh say sóng và mệt…

Bởi thế, một trong những khó khăn với các cán bộ, chiến sĩ và người dân đảo, đó là thiếu nước ngọt. Dù đã trang bị hai bể bán ngầm, gần chục bồn inox chứa nước, với tổng dung tích lên đến hàng trăm khối, nhưng nước ngọt vẫn là chuyện “chờ mưa”, hoàn toàn bị động. Và dù có các bể chứa nước mưa nhưng nước cũng tự bốc hơi, cạn rất nhanh, rất khó để “để dành” cho mùa khô.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Sáng 27/6/2023, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh làm việc với huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), trong đó có đảo Trần. Ông Nguyễn Xuân Thắng đã bày tỏ vui mừng khi chứng kiến đời sống, sinh hoạt của quân dân trên đảo ngày càng được nâng lên rõ rệt. Ông Nguyễn Xuân Thắng mong muốn quân và dân đảo Trần luôn đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thực hiện nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tá Ngô Huy Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Trần cho biết, một khó khăn nữa là y tế. Hiện tại, cả đảo có hai bác sĩ ở hai đơn vị Biên phòng và Lữ đoàn 242 nhưng lại không có vật tư y tế… Anh kể, hôm vừa rồi có chú thợ bị tắc thận phải thuê tàu đi trong đêm vào đất liền rất nguy hiểm. Tháng 4 vừa rồi, con cô giáo trên đảo bị ngã gãy tay, đêm hôm ấy có tàu nhưng mãi không dám chạy. Bởi đêm tối tàu đi lại mò mẫm rất nguy hiểm, nhìn cháu đau đớn mà lực bất tòng tâm… Do đó, Đồn Biên phòng cũng như người dân mong muốn sớm xây dựng trạm y tế và có đội ngũ y, bác sĩ có thể thăm khám bệnh, để bà con trên đảo không còn phải quá vất vả vào bờ trong những trường hợp khẩn cấp. Những người dân bám biển, bám đảo cần sơ cứu ban đầu trước khi chuyển vào tuyến trong.

Cùng với đó, Thượng tá Đông bày tỏ, đảo cần có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng cho người dân sinh hoạt, tuyên truyền chính sách, pháp luật, tổ chức lễ hội, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.

Và đảo phần lớn là các lực lượng quốc phòng, xa gia đình biền biệt, nhiều khi anh em có người thân mất cũng không kịp về. Mỗi lần về phép phải lựa ngày sóng yên bể lặng mới đi xuồng được vào bờ. Rồi từ bờ bắt xe lên Móng Cái hoặc Vân Đồn rồi từ đó mới có xe để về nhà. Trung tá Hà Đức Mạnh, người Hà Nội chia sẻ, ngày con còn bé, có lần anh về được đến nhà đã là đêm muộn, sáng ra bé nhìn thấy anh khóc thét vì ngỡ là người lạ…

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những người lính biên phòng cũng luôn nói các lực lượng khác còn vất vả hơn. Đó là bên hải đăng và rađa ở trên núi. Theo anh Nguyễn Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm đèn, hơn 34 năm trong nghề thì gần phân nửa thời gian đó anh gắn bó với đèn biển đảo Trần. Ngày mới tới đảo, từ chân đồi lên trạm đèn chỉ có con đường đất cheo leo, cây rừng phủ kín. Tháp đèn quanh năm gió lộng, thiếu nước ngọt, sóng điện thoại chập chờn... Những đơn vị ở trên núi ngày ngày phải xuống chân núi xách từng can nước, can dầu để chạy máy phát. Cũng vì ở vị trí cao nên mùa đông, gió bấc thổi lạnh thấu xương. Mùa hè giông bão, sấm sét thì các anh bên rađa và đèn biển đều phải vào nhà đóng chặt cửa, bịt tai lại cho đỡ đinh tai, nhức óc.

Những người dân đảo Trần cho biết, đảo chỉ cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ vài hải lý nên tàu cá khi đi xa, cũng có thể đi đến đường phân định của hai nước. Ban đêm nhìn thấy hải đăng biết là đảo Trần của mình, mình biết hướng để mình về, bên đó là Việt Nam mình.

Và người dân một lòng “bám đảo”

Đảo Trần chính thức có điện lưới quốc gia từ ngày 2/9/2020. Trước khi có điện, giá điện ở đây dao động từ 17.000 - 23.000 đồng/số điện (điện máy phát). Trên đảo, bộ đội đông hơn dân. Cao điểm, trường liên cấp có 8 học sinh, thấp điểm, chỉ còn 4 em. Trên đảo, vị trí thuận lợi nhất là trường liên cấp đảo Trần, sát đó là mười mấy căn nhà khang trang xây cho các hộ dân được vận động ra đảo ở. Trên mỗi chóp nhà, cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió biển.

Trước khi đến đảo Trần, chúng tôi nghe nhiều về chị Cảnh, người phụ nữ “đặc biệt” trong những câu chuyện ít ỏi về đảo Trần. Chị Nguyễn Thị Cảnh là Trưởng thôn đầu tiên, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ. Thế nhưng, thật đau lòng khi chị đã mất vì K hai năm trước. Khi đi lại trên đảo, chúng tôi vẫn qua ngôi nhà của chị nằm nép mình, lẻ loi dưới chân núi mà không ở trong khu nhà dành cho 16 hộ dân ra đảo theo chủ trương năm 2014... Bởi đó là ngôi nhà do bộ đội biên phòng cùng giúp gia đình chị từ những ngày đầu gian khó, nên chị không muốn rời đi. Trước nhà có một bể nhựa chứa nước. Và nổi bật nhất vẫn là lá cờ Tổ quốc tung bay trước sân, in trên nền xanh của sườn núi.

Theo đó, năm 2005, đảo đón công dân đầu tiên là vợ chồng chị Cảnh và anh Hiển là những người trẻ đầu tiên tình nguyện ra đảo lập nghiệp. Anh chị vốn quê huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Lúc mới ra đảo, vợ chồng chị phải chống chọi với nhiều trận sóng to, gió lớn, thiếu thốn về đồ ăn, nước uống của những ngày biển động, sương mù, tàu thuyền không chuyển hàng ra đảo được... Thế nhưng, bằng sự kiên cường, tình yêu gắn bó với đảo đã giúp vợ chồng chị Cảnh đi qua những tháng ngày gian khó… Giờ hai con chị đã ở trong đất liền, ngôi nhà chỉ còn anh Hiển, chồng chị ở lại… Sau khi chị Cảnh mất, Trưởng thôn đảo Trần do anh Tuân bên xã đảo Thanh Lân sang hỗ trợ.

Thượng tá Ngô Duy Đông chia sẻ: Từ năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai đưa dân ra đảo Trần sinh sống. Đặc biệt, năm 2021 là một dấu mốc quan trọng có ý nghĩa đối với quân và dân đảo Trần khi UBND tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành dự án đầu tư kéo điện lưới quốc gia ra đảo, tạo bước đột phá để cải thiện đời sống, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài trên đảo. Hiện nay, bà con chỉ mong muốn địa phương đầu tư xây dựng âu tàu để yên tâm neo đậu khi có sóng to, gió lớn. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo được hưởng chính sách đặc thù của xã đảo tiền tiêu…

Chị Ngọc Anh (huyện Hải Hà), sinh năm 1990, ra đảo cùng đợt năm 2014 chia sẻ, vợ chồng chị là một trong số những người trẻ ra đảo cùng với 15 hộ khác. Khi ra đảo, họ được nhận nhà, được hỗ trợ sinh kế thời gian đầu. Chị nói, mặc dù thế, thời gian đó điện nước đều không có nên rất vất vả. Khó khăn nữa là y tế vẫn là “khoảng trống” ở đây nên mỗi lần ai có ốm đau, bệnh tật gì đều phải vào đất liền điều trị. Ở đảo, khi các chị sắp tới ngày sinh cũng sẽ về đất liền chờ sinh, khi con đầy tháng mới ra. Các gia đình ở đây xem nhau như người thân. Thật may là “trời thương” nên cũng không có ai bị bệnh quá nặng mà không kịp vào bờ. Chị kể, chồng chị đã đột ngột mất khi đang ở trong đất liền, nên giờ chị chỉ còn ba mẹ con. Giờ không còn chồng đi biển nữa nên chị cũng chỉ đi làm biển quanh đảo. Và khi đi cũng phải rủ các chị em đi cùng, bởi sợ nhất là có thể gặp xác người từ đại dương trôi dạt vào… Chị nói, cuộc sống ở đảo từ khi có điện đã tốt lên nhiều rồi, ngoài đảo không thiếu thốn gì, chỉ đắt so với đất liền mà thôi.

Gia đình anh Phạm Văn Dinh khi ra định cư trên đảo đã mở cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con trên đảo... Vợ chồng anh không chỉ cung cấp cho các hộ dân quanh đây mà còn phục vụ nhiều ngư dân đánh cá vào đảo neo đậu. Đến nay, cuộc sống đã “bén rễ” chặt vào đảo Trần, sát cánh cùng các chiến sĩ Biên phòng, Hải quân và các lực lượng quốc phòng khác bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.

Đoàn công tác báo Pháp luật Việt Nam trao những món quà nhỏ cho bà con đảo Trần.

Đoàn công tác báo Pháp luật Việt Nam trao những món quà nhỏ cho bà con đảo Trần.

Vĩ thanh

Trò chuyện với chúng tôi, những người lính tếu táo nhưng vô cùng thật rằng “đảo là nhà”, bởi quanh năm các anh gắn bó với đồn, với đảo, kể cả những ngày Tết đến, xuân về. Thượng tá Ngô Duy Đông là một trong số những cán bộ ở Đồn Biên phòng đảo Trần lâu năm nhất. Đã 5 năm anh không về Tết. Bởi thông thường Đồn trưởng và Chính trị viên trực tết hết mùng 1. Tuy nhiên, do tàu thuyền ngày tết vất vả, chưa kể biển động nên hầu hết các anh ở lại đảo luôn. Và cũng từ ngày anh Đông ra đảo, cứ 8h tối 30 Tết là anh cho xe xuống đón bà con lên giao thừa cùng đơn vị. Thế nên, từ ngày mùng 1, sau khi làm lễ chào cờ, mỗi ngày bà con ăn Tết ở một đơn vị. Nên bà con không cần vào bếp nữa… Các đơn vị cũng ăn Tết mỗi nơi một ngày, là cũng vừa hết 6 ngày Tết…

Chúng tôi hỏi anh Đông, văn hóa đặc trưng của đảo là gì? Anh trả lời xúc động: đó là văn hóa đoàn kết của người Việt. Bởi lâu nay là đảo tiền tiêu quân sự, người dân mới ra đây chưa được 10 năm nên người Việt ở đâu là có sự ấm áp, là tình quân dân gắn bó keo sơn. Là sức mạnh của cả dân tộc nơi đầu sóng ngọn gió. Dù những con người nhỏ bé ấy, không cần “biết mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm nên đất nước”…

Những ngày ở đảo, Thượng tọa Thích Thanh Lịch luôn đi cùng chúng tôi. Thầy đã trở thành linh hồn của đảo. Thầy bảo, mọi người có thấy biển mặn không? Hẳn là mặn lắm chứ, chúng tôi thử những giọt mồ hôi của mình đều mặn mòi vị biển. Thầy bảo, thầy ra đảo, quần áo nhà chùa thường xuyên phải mua mới, vì áo nâu vải rất nhanh bị bạc, thậm chí rách vì biển mặn, mồ hôi mặn.

Phải rồi, biển mặn, đất đảo mặn mòi đã thấm đẫm, hun đúc cho họ, những cư dân trên đảo một sự bình thản, như một thái độ sống, như một tâm thế tự nhiên với quê hương, đất nước, mà khi hỏi họ chỉ cười mộc mạc, chẳng hề chạm đến một mĩ từ nào khác. Đất có mặn thì con người càng rắn rỏi, kiên cường...

Sáng ấy, tranh thủ khi thủy triều xuống, chúng tôi đã có buổi cùng quân dân trên đảo nhặt rác biển bảo vệ môi trường trước khi lên tàu về đất liền. Đó là chuyến tàu chúng tôi đã lỡ từ chiều hôm trước, bởi sóng dữ đã cho chúng tôi được ở lại thêm một đêm trăng trên đảo Trần.

Chia tay đảo Trần, chúng tôi mang theo những luyến lưu về những con người hồn hậu, về tình quân dân gắn bó trên đảo, về lá cờ Tổ quốc, về ngôi chùa, ngọn hải đăng nơi phên dậu Tổ quốc. Và những người lính không nói gì nhiều về những hy sinh thầm lặng, những hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió. Họ cho chúng tôi xem và thấy những gì bình dị nhất, những vườn rau hoa trái xanh ngắt, những chú chó, lợn gà thân quen như ở đất liền. Nhưng ở đó còn là những cây bàng vuông như ngoài đảo Trường Sa.

Con tàu lùi xa, còn đó hình ảnh vị trụ trì ngôi chùa đã có từ hàng ngàn năm trước, là những người lính đảo tiễn chúng tôi xuống tàu, là những ngư dân bên cầu tàu lùi lại phía sau... Dải núi nơi có ngọn cờ Tổ quốc, nơi có đền thờ Bác Hồ, những người lính, những cán bộ làm nhiệm vụ trên đỉnh núi quanh năm làm bạn với sấm sét dần bé lại. Bất giác tôi như thấy những dải núi ấy, mềm mại mà như thành lũy của cha ông ta - sừng sững nơi phên dậu Tổ quốc!...

Đọc thêm