Không chỉ là nhiệm vụ, đó là lý tưởng
Cuối tháng Tư, trong không khí rộn ràng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2025), các cán bộ của Bộ Tư pháp cùng Đoàn công tác số 14 đã đến thăm quân và dân trên đảo Song Tử Tây. Trạm Ra-đa 21 Sư Đoàn 377 (Quân chủng Phòng không – Không quân) yên bình nằm ở cuối đảo, dưới những hàng cây xanh rợp mát.
Đón chúng tôi là Thiếu tá: Đào Duy Gấm - trạm trưởng; Chính trị viên: Thiếu tá Lê Văn Bằng - chính trị viên, Trung Tá Chuyên Nghiệp Nguyễn Đức Thành- nhân viên quan sát mắt; Đại úy Đỗ Tuấn Nghĩa- nhân viên nguồn điện.
Theo lời chia sẻ của thiếu tá Đào Duy Gấm, Trạm Ra-đa 21 nằm ngay vị trí phía Bắc của đảo Song Tử Tây. Đây cũng là vị trí thường xuyên hứng trọn những cơn sóng lớn của biển.
Khí hậu biển đảo đã khắc nghiệt, vị trí của các chiến sỹ Ra-đa càng đối diện mạnh mẽ với sự khắc nghiệt ấy hơn. Nhưng vượt qua khó khăn, các anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ “vạch nhiễu tìm thù”, những “con mắt thần” ngày đêm vẫn tỏ, vươn xa cánh sóng, khép kín trường ra-đa bảo vệ vững chắc vùng trời tổ quốc nơi phên dậu.
![]() |
Thành viên đoàn công tác số 14 đến thăm các chiến sỹ Trạm Ra-đa trên đảo Song Tử Tây |
Trên biển đảo, bầu trời là chiến tuyến vô hình nhưng không kém phần quan trọng. Những “con mắt thần” của trạm Ra-đa có nhiệm vụ phải “nhìn thấy những điều không ai thấy”, dõi theo từng tầng mây lớp sóng để bảo vệ sự yên bình của bầu trời tổ quốc.
Có những đêm, chỉ vì một vệt sáng, họ phải thức trắng, có khi chỉ vì một tia nhiễu trên màn hình, cả đơn vị phải đặt tình trạng báo động. Chỉ từ vệt sáng mờ ảo trên màn hình, các chiến sỹ của trạm Ra-đa phải phân tích dữ liệu, có phương án tác chiến để đảm bảo không gian an toàn cho cả vùng trời. Nhiệm vụ của các anh trực canh 24/7, không bỏ sót bất kỳ tín hiệu nào.
Nơi biển đảo với cuộc sống khó khăn, nhưng với các anh, bao khó khăn vất vả đó không phải là trở ngại, mà là nhiệm vụ, là danh dự, là niềm kiêu hãnh, là lý tưởng phụng sự để vùng trời tổ quốc được bình yên.
Các anh cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ, mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự, bảo vệ đại dương, giữ gìn và phát triển bền vững kinh tế biển... Qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Đồng chí Thiếu tá Lê Văn Bằng - Chính trị viên của trạm - người lính trẻ hài hước: “Chúng em ở đây quen rồi! Nghe tiếng sóng là biết gió sắp đổi, thấy con ruồi bay qua là đoán ngay đực, cái!”. Câu nói giản dị khiến cả đoàn bật cười.
Trong làn gió biển mằn mặn, bên tách trà đậm tình quân dân, chúng tôi lắng nghe những câu chuyện dung dị mà đầy ắp yêu thương của các anh. Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Thanh Bình - nhân viên thông tin của trạm chia sẻ: “Mỗi lần có đoàn ghé thăm đảo, anh em Ra-đa luôn mong được đón khách đến đơn vị để sẻ chia, để vơi bớt nỗi nhớ đất liền…”. Anh cười hiền, ánh mắt trầm ấm chứa đựng niềm tự hào. Câu chuyện ấy khiến tôi bồi hồi, như có gì đó chạm khẽ vào tim, sâu lắng và đầy xúc động.
"Giao hưởng" giữa Trường Sa
Trường Sa hôm nay đầy sức sống, không chỉ là màu xanh của Bàng vuông, Phong ba, mà còn là màu xanh hy vọng từ những "đôi mắt" Ra-đa luôn hướng về phía bầu trời. Họ không cần những lời tán dương, nhưng rất xứng đáng nhận được sự ghi nhận chân thành.
Nếu một lần ra Trường Sa, xin hãy ghé thăm trạm Ra-đa. Ở đó có những những người lính áo xanh da trời, ngày đêm bền bỉ “quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ trước mọi tình huống trên không”. Hãy cùng họ nhâm nhi tách trà, tặng nhau nụ cười, một bài hát, một bức ảnh kỷ niệm, bởi họ là một phần không thể thiếu trong câu chuyện Trường Sa thiêng liêng của chúng ta.
![]() |
“Bầu trời xanh, xanh tình yêu người chiến sĩ phòng không...” - một bản giao hưởng dịu dàng giữa không gian biển đảo Trường Sa. |
Giữa câu chuyện về niềm vui công việc, về nỗi nhớ đất liền của các chiến sỹ trạm Ra-đa, một thành viên trong đoàn bất ngờ xin hát. Giai điệu “Bầu trời xanh, xanh tình yêu người chiến sĩ phòng không...” vang lên, không nhạc nền, không bản phối chỉ có tiếng vỗ tay và tiếng sóng biển làm nhạc đệm, mà như một bản giao hưởng dịu dàng, làm lòng người dịu dàng quá đỗi.
Tạm biệt các chiến sỹ của trạm Ra-đa, chuyến tàu lại tiếp tục hải trình. Trên mặt biển phủ tràn màu hoàng hôn lấp lánh, người lính Ra-đa đứng lặng, vẫy tay chào, như lời hứa âm thầm: “Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh!”