Những ghi chép lịch sử đã chứng minh không phải đến bây giờ Trung Quốc mới có những hành động gây hấn phục vụ cho tham vọng bá chủ biển Đông. Vào các năm 1951 và 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực để đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; năm 2009, Trung Quốc gửi công hàm tới Liên Hợp quốc (LHQ) đi kèm bản đồ thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên biển Đông (đường lưỡi bò) do phía Trung Quốc đơn phương vạch ra với dã tâm sở hữu 80% diện tích biển Đông; năm 2011 tàu Trung Quốc đã cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí Bình Minh và Viking 2 của Việt Nam; năm 2012, TCty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc ngang nhiên chào thầu các lô dầu khí nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; và mới đây ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đặt trái phép giàn khoan nước sâu chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 130 hải lý…
“Đây chính là cuộc xâm lược mềm!”
TS Trần Công Trục – nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ khẳng định rằng: “Đây không còn là sự thử thách hay thăm dò dư luận nữa mà chính là bước tiến mới, nguy hiểm của Trung Quốc để thực hiện tham vọng bá chủ biển Đông. Đây chính là cuộc xâm lược mềm của Trung Quốc để xâm chiếm biển Đông và tài nguyên trên biển Đông của Việt Nam”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Bá Diến - Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế - nhấn mạnh thêm, những hành động trái phép của Trung Quốc trên biển Đông là những bằng chứng thực tế nhất cho thấy Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc nền tảng của Hiến chương LHQ cũng như 7 nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế theo tuyên bố của LHQ.
“Việc hạ đặt giàn khoan 981 là hành động tiếp nối của việc chiếm giữ Hoàng Sa, cho thấy hành động của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng và có hệ thống, có tính toán phục vụ cho dã tâm hiện thực hóa tham vọng về đường lưỡi bò trên biển Đông” - PGS.TS Nguyễn Bá Diến khẳng định.
Căn cứ pháp lý - “nỏ thần” của Việt Nam
Theo TS Trần Công Trục, hiện quốc tế đã và đang có hai luồng quan điểm: Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng giàn khoan 981 nằm hoàn toàn trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; còn luồng quan điểm thứ hai cho rằng, giàn khoan 981 nằm trong vùng chồng lấn chủ quyền biển giữa hai quốc gia. Để xóa bỏ sự nghi ngờ xuất phát từ luồng quan điểm thứ hai, TS Trần Công Trục cho rằng: “Việt Nam cần phải có những luận cứ pháp lý vững chắc để đập tan nghi ngờ này”.
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Diến, trước nay để giải quyết vấn đề biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam vẫn dùng biện pháp ngoại giao, nhưng khi diễn biến tình hình ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì một trong những giải pháp làm nên sức mạnh Việt Nam đó là luật pháp, là lẽ phải. “Những quy định của luật pháp quốc tế nói chung và về biển nói riêng chính là “nỏ thần” của Việt Nam và là “tử huyệt”, điểm yếu của Trung Quốc” - PGS.TS Nguyễn Bá Diến nhấn mạnh.
Sở dĩ nói quy định của luật pháp quốc tế chính là “nỏ thần” của Việt Nam và là “tử huyệt” của Trung Quốc bởi năm 1996, Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Luật Biển 1982 vốn được coi là Hiến pháp về biển của thế giới. Căn cứ theo quy định của Công ước, những hành động của Trung Quốc đã đi trái với nguyên tắc giải quyết tranh chấp.
Bên cạnh đó, soi chiếu hành động của Trung Quốc với những điều khoản trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (gọi tắt là DOC) - văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002 và Tuyên bố chung của Việt Nam – Trung Quốc về các nguyên tắc giải quyết các vụ việc trên biển Đông năm 2011 cho thấy Trung Quốc đang đi ngược lại những cam kết pháp lý với quốc tế và Việt Nam.
“Để triển khai “mặt trận đấu tranh pháp lý” hiệu quả và huy động được sức mạnh tập thể của cả dân tộc thì trước tiên phải đẩy mạnh truyền thông, giúp người dân hiểu chính xác về quyền của Việt Nam trên các vùng biển, đảo, phân biệt được đâu là chủ quyền tuyệt đối, đâu là quyền tài phán… Từ chỗ hiểu này chúng ta sẽ định ra được cách ứng xử và đối phó phù hợp trong các tình huống khác nhau” - TS Trần Công Trục nhấn mạnh.
* TS Lê Quý Quỳnh, học giả về Luật Biển: “Phía Trung Quốc cho rằng vùng biển đặt giàn khoan thuộc lãnh hải Trung Quốc tính từ đảo Tri Tôn. Đây là một tuyên bố hoàn toàn không có tính pháp lý bởi đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Như vậy, vị trí của giàn khoan 981 nằm sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc nhằm tránh một cuộc đàm phán về pháp lý sòng phẳng với Việt Nam. Khi viện dẫn cho lý lẽ của mình Trung Quốc đã cố tình lờ đi các thỏa thuận pháp lý rành rành trong Công ước Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, Tuyên bố chung của Việt Nam – Trung Quốc về các nguyên tắc giải quyết các vụ việc trên biển Đông”.
* TS Nguyễn Toàn Thắng - chuyên gia nghiên cứu pháp luật quốc tế và Luật Biển quốc tế: “Việt Nam cần giải quyết vấn đề biển Đông trên cơ sở quy định của pháp luật quốc tế. Khi sử dụng quyền tài phán quốc tế, Việt Nam có thể cân nhắc giữa hai hình thức tài phán là Tòa Công lý quốc tế - một trong 6 cơ quan chính của LHQ và Tòa án Luật Biển Quốc tế. Tuy nhiên, cũng có khó khăn là những cơ quan tài phán này không có thẩm quyền đương nhiên mà phải được các bên tranh chấp công nhận. Trong vấn đề này, theo tôi chúng ta nên sử dụng Công ước Luật Biển 1982 vì Phần 15 của Công ước quy định trong trường hợp các bên không lựa chọn được cơ quan tài phán thì lựa chọn trọng tài theo quy định của Phụ lục 7 Công ước Luật Biển”.