Đáp ứng đủ yêu cầu phòng, chống dịch cho Bắc Ninh, Bắc Giang

(PLVN) - Thảo luận về công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang trong cuộc họp sáng qua (27/5), các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất, tất cả các yêu cầu về vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm… phục vụ phòng, chống dịch của Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang sẽ được đáp ứng đầy đủ. 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang

Quân đội, công an cũng chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng chi viện theo yêu cầu của địa phương hoặc Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang…

Thành lập 2 Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế

Ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ để hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Ninh, do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm Trưởng Bộ phận.

Bộ phận thường trực có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch; điều trị bệnh nhân; tổ chức cách ly; xử lý môi trường y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và các địa phương lân cận có liên quan; Kiểm tra, giám sát địa phương trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Trưởng Bộ phận được quyền tham gia các cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh.

Bộ phận thường trực sẽ hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức triển khai các hoạt động giám sát, khoanh vùng ổ dịch, giám sát cách ly, xử lý ổ dịch tại cộng đồng, khu công nghiệp.

Trong công tác điều trị, Bộ phận sẽ hỗ trợ, hướng dẫn địa phương trong các lĩnh vực: thành lập các bệnh viện dã chiến; công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân; tổ chức khám, sàng lọc, phân loại, thu dung bệnh nhân; triển khai các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở điều trị; xử lý ổ dịch trong các cơ sở điều trị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác khám chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Về tổ chức thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế, Bộ phận thường trực hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các hoạt động cách ly; phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở cách ly; xử lý môi trường trong khu cách ly; phòng chống dịch, xử lý dịch trong khu cách ly, khu công nghiệp, công sở, trường học, khu vực công cộng…

Trưởng Bộ phận được dùng quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế để điều động, huy động về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bắc Ninh.

Trước đó, ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã quyết định thành lập một đơn vị tương tự để hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận.

Kêu gọi hỗ trợ nhân lực y tế cho Bắc Giang, Bắc Ninh

Sáng 27/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Thông điệp kêu gọi lãnh đạo 125 trường đại học và cao đẳng y, dược trên toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

Thông điệp của Bộ trưởng nêu rõ: “Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành y phải hết sức nỗ lực thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch nhanh và hiệu quả. Tôi đề nghị các trường tập huấn ngay cho cán bộ, sinh viên các nội dung: tiêm chủng và an toàn tiêm chủng; lấy mẫu và xét nghiệm; chăm sóc điều trị, phòng lây nhiễm chéo. Bộ Y tế sẽ điều động nhân lực từ các trường để hỗ trợ các địa phương chống dịch, trước mắt là Bắc Giang và Bắc Ninh”.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã điều động 375 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (gồm Trường Đại học Y Hà Nội; Đại học Y Dược Thái Nguyên; Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam; Trường Đại học Y Dược Hải Phòng; Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định).

Cũng trong sáng qua, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu công nghiệp.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tất cả địa phương trên cả nước  phải phân công rõ trách nhiệm từng người để trực tiếp phụ trách từng doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Các địa phương phải kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch với khu công nghiệp.

Với các doanh nghiệp chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 phải chủ động kiểm tra, có phương án phòng, chống dịch cụ thể như phân luồng với ca làm việc; Kiện toàn thành lập tổ phòng, chống dịch trong từng bộ phận; Yêu cầu công nhân đi làm phải khai báo y tế. Những trường hợp cán bộ phục vụ phải được lấy mẫu thường xuyên theo khuyến cáo 7 ngày/lần.

“Chính quyền địa phương phải chỉ đạo ngành Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khám sàng lọc, ít nhất khám cho 20% số công nhân lao động có nghi ngờ. Thực hiện nghiêm giãn cách trong sản xuất, giờ ăn trưa và tan ca, bảo đảm công tác phòng, chống dịch” - Thứ trưởng đề nghị.

Với doanh nghiệp đã có ca bệnh, phải làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly và truy vết triệt để các ca nhiễm, giảm tối đa ca bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. Phải điều tra nắm chắc dịch tễ tại nơi cư trú. Việc vận chuyển công nhân cũng phải thực hiện xe thông thoáng, mở cửa, giảm 50% lượng người trên xe, thực hiện ngồi giãn cách, phun khử khuẩn xe hàng ngày.

Với những nơi vừa xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng và trong doanh nghiệp, Bộ Y tế đề nghị địa phương phải thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại cả hai nơi, tránh việc lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại.

Trong diễn biến liên quan, sáng 27/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Bắc Giang đã cùng các thành viên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số doanh nghiệp tại khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang - nơi có một số doanh nghiệp đang đề xuất hoạt động trở lại. Lưu ý công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tất cả lao động khi quay trở lại làm việc cần cài đặt ứng dụng Bluezone.

Hôm qua, Bắc Giang cũng đã tiếp tục nhận 150.000 liều vaccine và bắt đầu đợt tiêm chủng thứ 2. Đợt tiêm này có 3 đối tượng: Thứ nhất là đối tượng tuyến đầu đã được tiêm lần 1 (nay sẽ tiêm lần 2). Thứ hai là đối tượng tuyến đầu như công an, quân đội chưa được tiêm đợt trước. Thứ ba là các công nhân để đảm bảo vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất. Trong đợt này, khoảng 300 công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component, Khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang đã được tiêm            vaccine. 

Đọc thêm