Thực trạng đáng báo động
Xe đạp là phương tiện dễ điều khiển, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Gần đây, phong trào đạp xe tập thể dục để nâng cao sức khỏe càng được nhiều người dân ưa thích. Thế nhưng, đáng buồn là nhiều người đạp những chiếc xe thể thao đắt đỏ, trang bị đồ đạc, dụng cụ bảo vệ thân thể, đồng phục rất chuyên nghiệp nhưng địa điểm tập lại là trên đường cao tốc. Không hiếm cảnh dàn xe nối đuôi nhau đạp lao vun vút trên đường phố, mặc kệ đèn đỏ, đèn xanh vẫn cứ băng băng đi qua.
Ví dụ tại Hà Nội, các cung đường như đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, làn ô tô của đại lộ Võ Nguyên Giáp, cao tốc Hà Nội, Thái Nguyên… hiện cũng đã trở thành điểm đến của không ít “tay đua xe đạp” nghiệp dư. Những đoạn đường cao tốc này đều có hàng rào chắn, biển cấm nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm mà vác xe đạp thể thao qua hàng rào hộ lan để đạp xe trên tuyến đường cao tốc. Tại TP HCM, tình trạng này cũng xảy ra tương tự.
Trước tình trạng này, không ít người khi lưu thông trên các tuyến cao tốc, đặc biệt là cánh tài xế đường dài cảm thấy rất bức xúc và lo sợ không biết khi nào tai họa ập đến. Vì các phương tiện khi lưu thông trên đường cao tốc thường chạy với vận tốc rất lớn, do vậy, khi các phương tiện xe đạp lưu thông với tốc độ nhỏ hơn đi xen kẽ vào cùng trên tuyến đường với các phương tiện chạy tốc độ lớn thì nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ rất cao.
Anh Nguyễn Bình, lái xe tải, thường xuyên phải di chuyển trên các tuyến cao tốc chia sẻ: “Tình trạng người dân đi xe đạp, đi bộ trên cao tốc khiến cánh tài xế nhiều phen thót tim. Như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho phép các phương tiện di chuyển với tốc độ tối thiểu 60 km/h, tốc độ tối đa 120km/h, thử hỏi bây giờ tôi đang đi với tốc độ 100km/h mà bất ngờ có người đi xe đạp băng qua đường hay dừng đột ngột thì rất dễ xảy ra va chạm. Nhất là vào thời điểm chiều tối, tầm nhìn bị hạn chế, khó quan sát, trong khi các phương tiện xe đạp thường không có đèn cảnh báo như ô tô...”.
Cần tạo thêm không gian
Đề cập đến việc nhiều người bất chấp nguy hiểm đạp xe trên đường cao tốc, anh Tuấn Anh, một người thường xuyên tập thể dục bằng xe đạp cho biết: “Đường xá trung tâm thành phố luôn đông đúc, ùn tắc thường xuyên xảy ra. Tôi rất muốn tập luyện thể dục hàng ngày bằng cách đi xe đạp tới cơ quan của tôi ở khu vực Mỹ Đình nhưng cứ nghĩ đến việc mắc kẹt trong hàng trăm phương tiện với cảnh khói bụi là đã thấy nản rồi. Bây giờ phải có làn đường riêng cho xe đạp thì mới đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp”.
Đạp xe trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. |
TS Phan Lê Bình, giảng viên Chương trình kỹ thuật hạ tầng của Đại học Việt Nhật cũng cho rằng, việc xe đạp tham gia giao thông trên đường cao tốc là hành vi rất nguy hiểm, cần cấm triệt để. Để người dân không vi phạm thì phải tạo điều kiện cho việc lưu thông của xe đạp.
“Việc thành phố kêu gọi người dân đi làm bằng xe đạp, thế nhưng trên thực tế, chúng ta chưa làm gì để tạo điều kiện cho việc lưu thông của xe đạp, vì thế mà đến nay không có nhiều người nghĩ tới việc sẽ đi làm bằng xe đạp. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, họ tạo ra các làn đường dành riêng cho xe đạp và có những ưu tiên nhất định cho loại phương tiện này, vì thế mới có thể thu hút được người dân từ bỏ xe máy, ô tô để lựa chọn xe đạp” - TS Phan Lê Bình cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, Thạc sĩ, chuyên gia giao thông Đinh Quốc Thái cũng cho rằng, hiện nay công cụ quy hoạch của chúng ta đã rất đầy đủ, từ quy hoạch vùng đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… tuy nhiên, trong các thành phần quy hoạch ấy, chúng ta lại đang thiếu quy hoạch những làn đường chuyên biệt dành cho xe đạp. Vì thế, đây là vấn đề mà chúng ta cần nghiên cứu và bổ sung trong các loại quy hoạch trong thời gian tiếp theo.
“Chúng ta nên tham khảo những mô hình một số quốc gia, như Hà Lan có những làn đường đặc biệt cho xe đạp, hoặc như Trung Quốc có tuyến đường dành cho xe đạp trên cao, để định hướng quy hoạch những tuyến riêng dành cho xe đạp, từ đó mới thúc đẩy, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn, an toàn hơn”, Thạc sĩ Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.