“Đất Kẻ Chợ”: Nguồn lực dồi dào cho phát triển công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ đô Hà Nội với lịch sử ngàn năm văn hiến, được mệnh danh là "mảnh đất trăm nghề", với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% tổng số làng nghề và làng có nghề của cả nước). Tính chất “làng nghề - phố nghề”, đặc trưng đem lại sự phồn vinh cho Kinh kỳ - Kẻ Chợ năm xưa, cũng chính là nguồn lực dồi dào cho phát triển công nghiệp văn hóa.
 Điêu khắc mỹ nghệ tại làng nghề Sơn Đồng. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Điêu khắc mỹ nghệ tại làng nghề Sơn Đồng. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thế mạnh phát triển du lịch làng nghề

Nhiều làng nghề ở Hà Nội có lịch sử lâu đời nhất nước. Hiện nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội rất đa dạng, đặc biệt có những “thương hiệu” đặc trưng như gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức); lụa Vạn Phúc (Hà Đông), đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); tò he Xuân La (Phú Xuyên); sừng Thụy Ứng (Thường Tín)… Các làng nghề thủ công truyền thống Hà Nội đã thu hút lượng lớn khách du lịch như làng dệt lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Chái, nón Chuông…

Du khách đến với làng nghề Hà Nội không chỉ bởi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phong phú về chủng loại, mẫu mã, mang đậm tính dân tộc, mà còn vì có cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, thậm chí trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm...

Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống trở thành ngành “Công nghiệp sáng tạo” có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chuyên gia đánh giá, hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng nghề thủ công truyền thống Việt Nam là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch TP Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho hay: "Các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Đặc biệt, sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thì làng nghề Việt Nam càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á".

Theo thống kê, tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi không gian, cảnh quan, kiến trúc và thu hẹp hoạt động nghề truyền thống trên nhiều tuyến phố. Điều này thể hiện rõ nhất qua số cửa hàng kinh doanh kim hoàn ở phố Hàng Bạc hiện nay chỉ còn 40 cửa hàng; cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống trên phố Lãn Ông hiện còn 35, cửa hàng kinh doanh tơ lụa trên phố Hàng Gai chỉ còn 40, giảm một nửa so với thời điểm khảo sát năm 2013.

Thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó marketing và thị trường tiêu thụ bị hạn chế. Ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cho biết: “Do những khó khăn từ việc nguồn lực kế cận còn mỏng, chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động này còn thiếu tập trung… nên các hoạt động khôi phục, phát huy giá trị nghề truyền thống dừng lại ở tính chất quảng bá, chưa thực sự có hoạt động về bảo tồn, khôi phục di sản mang tính bền vững”.

Nâng tầm sản phẩm thủ công truyền thống

Để tìm giải pháp nâng tầm cho sản phẩm thủ công Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển” ngày 7/4/2023. Nhiều vấn đề được đưa ra như: Nâng cao vai trò của thiết kế và sáng tạo phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên vốn di sản; tìm cách liên kết giữa các bên liên quan trong quá trình sáng tạo sản phẩm; truyền thông marketing sản phẩm...

Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý chia sẻ tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản một cách khoa học, với phương thức quản lý thống nhất, có thể tiếp cận dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng sáng tạo thể nghiệm, thực hành những sáng tạo mới, mang lại những giá trị mới cho di sản.

“Khi tích hợp câu chuyện di sản vào sản phẩm thủ công truyền thống, chúng ta có thể tạo ra giá trị lớn hơn cho văn hóa dân tộc. Từ những món quà lưu niệm cho bạn bè quốc tế, đồ thủ công và câu chuyện về quá trình tạo ra nó sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn”, Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực.

Theo Giám đốc sáng tạo thương hiệu của một công ty, Việt Nam, cần đặt khách hàng làm trung tâm trong việc phát triển và gìn giữ sản phẩm thủ công truyền thống, từ đó quan tâm tới nhu cầu của khách hàng khi tiếp cận một sản phẩm văn hóa. Chẳng hạn như, sản phẩm dùng làm gì, dành tặng ai, có phù hợp không, mang về thế nào, sử dụng, bảo quản ra sao và đặc biệt là câu chuyện phía sau sản phẩm chứa đựng giá trị, niềm tự hào về văn hóa dân tộc.

Đề xuất giải pháp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đại diện Thương hiệu “Hanoia” Đinh Công Tài gợi ý xây dựng phố cổ Hà Nội trở thành “làng nghệ thuật truyền thống”, liên kết chuỗi các làng nghề, hộ kinh doanh..., tạo nên một không gian văn hóa và nghệ thuật làng nghề trải dài các mô hình trải nghiệm, từ “gallery” nghệ thuật, không gian cà phê, mua sắm đến thử nghiệm sáng tạo dựa trên những chất liệu truyền thống…

Đọc thêm