Giá vé cao hạn chế khán giả
Mới đây, đêm nhạc của Khánh Ly đã diễn ra tại TP HCM. Trước đây, đã nhiều lần khán giả Sài Gòn “hụt” nghe Khánh Ly hát vì live show không được cấp phép và không ít người mộ điệu bày tỏ nỗi tiếc nuối. Có thể nói, live show lần này đánh dấu sự trở lại TP HCM của danh ca Khánh Ly sau hơn 40 năm ròng. Nhiều người và ngay cả nhà tổ chức cũng cho rằng, live concert in SaiGon của Khánh Ly nhất định sẽ rất thành công và thu hút đông đảo khán giả hâm mộ nữ danh ca.
Tuy nhiên, trái với mong đợi, số ghế bỏ trống trong đêm diễn lên tới 1/3 hàng ghế ở Sân vận động quân khu 7 có sức chứa 4000 người. Nghĩa là, có hơn một nghìn vé không bán được, đây là con số khá lớn đủ khiến ban tổ chức phải lo lắng. Nhiều người cho rằng, bầu show đêm diễn Khánh Ly đã có tham vọng ngoài tầm với khi lựa chọn Sân vận động Quân khu 7, kì vọng số khách đến với đêm diễn sẽ trên 3500 người trở lên. Sân vận động quá rộng, khách quá nhiều, mà giá vé lại quá cao (từ 600.000 – 2,5 triệu/ vé, chưa tính giá bị đẩy lên bởi chợ đen), đã hạn chế một bộ phận khán giả thu nhập không cao đi xem nữ danh ca hát.
Trường hợp đêm diễn của Khánh Ly không phải là lần duy nhất bầu show bị “chưng hửng”. Hồi giữa năm 2016, live show Đời ca sĩ được hứa hẹn sẽ cực kì hoành tráng, hùng hậu với sự góp mặt của nhiều danh ca hải ngoại lẫn trong nước như Thu Phương, Lan Anh, Thanh Hà, Quang Lê, Bằng Kiều, Ý Lan, nhạc sĩ Đức Huy, Lệ Quyên… đành phải hủy chỉ hai ngày trước thời điểm diễn ra. Trước đó, đêm diễn được quảng bá rất rầm rộ, thậm chí nhiều phe vé chợ đen đã nhanh tay “gom vé”, hy vọng một đêm cháy vé.
Ngoài dàn danh ca, live show Đời ca sĩ còn hứa hẹn hấp dẫn ở nội dung thực hiện, bởi trong đêm nhạc, các nghệ sĩ sẽ tâm sự những bí mật về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Khi thông báo hủy đêm diễn, ca sĩ Thu Phương đã cho biết lý do là vì lịch tập của các ca sĩ hải ngoại không được nhiều, sợ không đảm bảo đêm diễn. Tuy nhiên, theo nhiều thành viên ban tổ chức thì lý do chính là vé bán không được. Hai ngày sát buổi diễn mà vé bán chưa được một nửa, nên ban tổ chức đành hủy để “bảo toàn lực lượng”. Giá vé của đêm diễn dao động từ 400 ngàn đồng – 3 triệu đồng/ vé.
Nhiều live show khác cũng được kì vọng đã diễn ra trong tình trạng ghế trống nhiều, chỉ vì giá vé. Các show của nhạc sĩ Việt Anh, ca sĩ Thu Phương, Bằng Kiều… cũng chật vật trong tìm kiếm người mua vé, thậm chí có show còn phải hạ giá vé trước giờ G để tăng lượng khách.
Sự dịch chuyển trong gu âm nhạc
Đã xa rồi cái thời mà mỗi danh ca hải ngoại, trong nước tổ chức live show là khán giả rầm rộ đi xem, bất chấp giá vé. Nhiều năm trước đây, ở lần đầu tiên về Việt Nam, ca sĩ Quang Lê đã tạo nên một “cơn sốt phòng vé”, với giá vé cao nhất, bị đẩy giá bởi chợ đen lên đến 50 triệu đồng. Chính cơn sốt này cùng nhiều “cơn sốt” của các danh ca hải ngoại khác đã đem lại nhiều kì vọng về một hướng làm ăn thênh thang của các bầu show. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm mà tất cả đã thay đổi. Với liên tục các show “khủng” nhưng ế vé, bị chê giá cao tại TP.HCM, nhiều bầu show đã phải ngập ngừng trước mảnh đất show danh ca không còn màu mỡ.
Thị trường live show âm nhạc Việt Nam cũng đang có một sự dịch chuyển đáng ngạc nhiên. Nếu như trước đây, “đất vàng” của live show khủng, đặc biệt là show ca nhạc của ca sĩ hải ngoại, nằm ở TP HCM thì nay, khán giả TP HCM dường như đã trở nên thờ ơ với loại hình thưởng thức âm nhạc này. Ngược lại, vài năm gần đây, live show lại trở nên “có giá” tại Hà Nội. Đơn cử là những live show mới đây của các danh ca hải ngoại về như Hà Trần, Thu Phương… khán giả đông kín khán phòng. Các đêm nhạc của Khánh Ly tại Hà Nội đều đông khách, cháy vé. Mới đây, “ông hoàng bolero” hải ngoại Chế Linh tổ chức live show tại Hà Nội, sân khấu 4000 khán giả vẫn đông kín.
Phải chăng, TP HCM sau nhiều năm bỡ ngỡ với phòng trà, live show lớn, với dập dìu danh ca hải ngoại trong nước, giờ đây đã hướng đến các xu hướng thưởng thức khác, bình dân, ít tốn kém hơn. Còn với giới mộ điệu Thủ đô, đây vẫn là một món ăn lạ, lịch lãm, đủ để họ chịu chơi, bỏ tiền nhiều mua vé cao để thưởng thức?.