“Ngang bướng” chọn dòng nhạc riêng
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông con, tuổi thơ của Hồ Quang 8 là chuỗi ngày đói triền miên. Nhà ít ruộng, phải đi cấy thuê, thóc gạo không đủ ăn, nhất là những năm mất mùa, để tồn tại, gia đình anh phải ăn cả chuối xanh chát, thậm chí ăn cả cám dành để nuôi lợn.
Nhìn các con đang tuổi ăn, tuổi lớn mà hàng tháng trời không có nổi hạt cơm vào bụng, bố mẹ anh khóc thầm bao đêm. Nhìn bố mẹ như vậy, anh thương bố mẹ nên nói dối đã no bụng. Suốt quãng đời học sinh đến năm 18 tuổi, anh thường đi chân đất cuốc bộ đi học đến nỗi chân chai sần. Thấy bạn bè có dép đi, anh cũng tủi thân nhưng đều giấu nỗi buồn vào trong.
Ngay từ nhỏ, Hồ Quang 8 đã thích âm nhạc. Khi đi học, anh cũng tham gia các hội văn nghệ của trường lớp, mọi người đánh giá anh có năng khiếu về ca hát. Thời đó, rất hiếm gia đình có đài, càng hiếm các bản nhạc bolero.
Biết một gia đình giữa làng hay bật nhạc bolero vào buổi tối, cậu bé Hồ Quang 8 học bài thật nhanh rồi chạy một mạch tới nhà đó đứng ngoài hiên nghe nhờ rồi hát thuộc lúc nào không hay. Chính niềm yêu thích đó, Hồ Quang 8 quyết tâm thi đỗ vào trường Nghệ thuật tỉnh.
Dù kinh tế nhiều gia đình trong làng trở nên khá giả thì nghèo đói vẫn chưa buông tha gia đình anh. Anh học ở trường chỉ dám ăn một bữa. Thầy cô, bạn bè thấy thương thay nhau chia phần cơm cho anh.
Cứ cuối tuần, Hồ Quang 8 phải cuốc bộ 20 cây số từ trường nghệ thuật tỉnh về nhà. Học một thời gian, Hồ Quang 8 từ biệt quê nhà ra Nhạc viện âm nhạc tại thủ đô để học, hiện thực hóa giấc mơ ca sĩ của mình.
Tốt nghiệp trường nhạc, sự nghiệp của Hồ Quang 8 khá lận đận. Anh chia sẻ vì không được lòng cấp trên nên anh không được đi hát bất cứ tụ điểm, chương trình nào thời gian dài. Dù rất buồn nhưng anh luôn tâm niệm cứ cố gắng thì sẽ có ngày thành công và may mắn mỉm cười với mình.
Phải tìm cho mình lối đi riêng, Hồ Quang 8 quyết định một ngã rẽ mới. Đó là hát những bài nhạc bolero. Quyết định này khiến nhiều người ngăn cản. Bởi mọi người thường nghĩ, với tấm bằng Học viện âm nhạc thì các ca sĩ phải theo đuổi dòng nhạc thính phòng, dân gian hay nhạc nhẹ, ai đi hát nhạc xưa?
Mặc cho ngăn cản, Hồ Quang 8 vẫn quyết tâm theo đuổi hướng đi mình đã chọn. Ngã rẽ ấy khiến anh thành ca sĩ “hiếm”, làm phong phú bức tranh âm nhạc Hà Nội. “Trước “rừng” ca sĩ chọn nhạc trẻ, nhạc đỏ phát triển sự nghiệp, tôi quyết định chọn cho mình lối đi riêng - hát nhạc xưa - bolero chẳng lẫn vào ai. Lúc ấy, tôi là ca sĩ duy nhất ngoài Bắc hát dòng nhạc này.
Để làm theo lựa chọn riêng, tôi gặp biết bao chông ngai và sự ngăn cản. Nhiều người bảo tôi là “hâm quá”. Được đào tạo bài bản tại trường âm nhạc uy tín lại “đâm đầu” hát nhạc vàng”.
Thời điểm đó, dòng nhạc vàng bị cho là “thất sủng” nhưng Hồ Quang 8 vẫn trung thành, tự tin sẽ thành công. Anh chia sẻ: “Theo tôi, bất kỳ dòng nhạc nào cũng có khán thính giả riêng. Đơn giản, mộc mạc ở cả hình thức lẫn nội dung nhưng ca khúc xưa luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả yêu nhạc, bởi giai điệu đẹp, ca từ hay nhiều cảm xúc. Nhạc xưa đã ngấm vào máu tôi rồi”.
“Chung thủy” với nhạc xưa
Sự trải nghiệm cuộc sống càng làm cho cảm xúc trong giọng hát của Hồ Quang 8 thêm sắc màu. Cách rung ngân và cách xử lý các kỹ thuật thanh nhạc được anh áp dụng triệt để từ những kiến thức được học từ Nhạc viện Hà Nội. Phần rung ngân của anh cũng rất đẹp, vừa đủ độ mềm mại nhưng vẫn thấy sự khỏe khoắn, dứt khoát trong từng cái ngắt câu, lấy hơi, nhả chữ…
Anh phân tích: “Ca sỹ được học kỹ thuật càng tốt thì càng thuận lợi cho việc sử dụng vào việc trình bày các ca khúc, cho dù bất kỳ nó là dòng nhạc nào. Nhạc vàng dễ hát, nhưng để hát hay và ra cái chất riêng của mình thì không hề đơn giản.
Muốn bứt phá ra khỏi các nghệ sỹ từng “đóng đinh” trước đó, thì phải hát bằng cảm nhận của riêng mình, sử dụng kỹ thuật thanh nhạc và tạo ra cái mới, cái độc đáo mang dấu ấn cá nhân thì mới thành công được”.
Khi hát lại một ca khúc cũ, anh như được quay trở lại thời niên thiếu của mình. Sự thơ mộng, kỷ niệm buồn vui trong anh bỗng chốc tràn về. Anh được người nghe đồng cảm, đón nhận, ủng hộ ngày càng nhiều. Đó là sự động viên lớn nhất của người nghệ sĩ.
Năm 2007, anh đổi nghệ danh từ Quang Tám thành Hồ Quang 8 với một lí do đơn giản, anh muốn có họ của mình xuất hiện trong nghệ danh. Còn tên chữ đổi thành tên số thì anh muốn thay đổi một chút.
“Tên Tám là tên do bố mẹ tôi đặt cho. Tôi là con thứ tám nên cụ đặt là Tám. Bố tôi vốn là người miền Nam cho nên cụ rất thích đặt tên thứ. Trong gia đình tôi cũng có những người mang tên theo thứ tự này. Nghệ danh Hồ Quang 8, nghe “ngồ ngộ”, là lạ nhưng bình dị, mộc mạc, chân chất. Và số 8 cũng là số “phát”!, anh giải thích.
Trong khi các ca sĩ đồng môn trường Nhạc viện của Hồ Quang 8 liên tục nhận được các giải thưởng, huy chương, người là NSND, người là NSƯT, còn anh vẫn “trắng tay”. Anh chia sẻ: “Nhìn bạn bè thành danh, mừng cho bạn, bùi ngùi cho mình.
Nhưng những năm trước đây, đâu có cuộc thi dành cho nhạc bolero mà chỉ có các cuộc thi với thể loại thính phòng, nhạc trẻ, nhạc cách mạng, nhạc dân gian. Một hai năm gần đây mới có gameshow thi hát bolero nhưng tôi bước sang U50 rồi còn thi thố gì nữa. Cơ hội đó để dành cho các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo, thỏa sức đam mê”.
Anh chọn con đường “chậm mà chắc”, không bon chen. Dù “tay trắng” giải thưởng, nhưng anh thấy mình may mắn vì đã được hát phục vụ công chúng mọi miền tổ quốc. Hằng ngày, anh vẫn cần mẫn với ánh đèn sân khấu và được đón nhận những tràng pháo tay của hàng ngàn khán giả.
Điều anh cảm thấy tự hào là giờ đây, sau hàng chục năm hoạt động nghệ thuật, anh đã có trong tay những VCD, DVD với những bản bolero lãng mạn. Và từ chàng trai quê nghèo, anh đã sắm cho mình ngôi nhà mơ ước với chiếc cổng gắn hình số 8 như nghệ danh của anh.
Anh tâm sự, hiện nay dòng nhạc xưa được ưa chuộng khi có nhiều ca sĩ thành danh hay chập chững vào nghề theo dòng nhạc này. Điều này đã mang lại cho dòng nhạc xưa một sức sống mới, không ồn ào nhưng mạnh mẽ và da diết. Giá trị của những ca khúc nhạc xưa đã được minh chứng rõ nét và mọi người đều thừa nhận.
Trước điều này, Hồ Quang 8 vui mừng nhưng cũng đầy băn khoăn: “Tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ có khả năng, họ hát bằng sự say mê, nhiệt huyết, nhưng các bạn ấy vẫn chưa tạo được cái riêng cho âm nhạc của mình. Mỗi một ca sĩ cần có sự đặc thù riêng, để sao cho trong hàng trăm, hàng nghìn người, giọng hát của họ vẫn không bị lẫn.
Nếu chỉ bắt chước phong cách hát của ca sĩ đàn anh, đàn chị thì họ mãi mãi bị núp sau cái bóng. Chỉ cần các bạn ấy dùng năng khiếu có sẵn, kết hợp với những điểm độc đáo của bản thân mà người khác không có thì nhất định sẽ thành công”.