Dấu ấn Báo Pháp luật Việt Nam trên hành trình chia sẻ

(PLVN) -  Thế rồi Làng Nủ, Kho Vàng, Nậm Tông cũng đã dần hồi sinh, những bản làng đẹp như mơ được tái thiết đã góp phần xoa dịu vết thương của núi rừng Tây Bắc. Ngày người Làng Nủ, Kho Vàng, Nậm Tông nhận nhà mới không phải chỉ là ngày vui của người dân nơi đây mà là ngày vui của người dân cả nước.
Đại diện Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh trao số tiền 200 triệu đồng hỗ trợ công chức, viên chức ngành Tư pháp và Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai.
Đại diện Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh trao số tiền 200 triệu đồng hỗ trợ công chức, viên chức ngành Tư pháp và Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai.

Trước đó, những ngày Tây Bắc chống chọi với hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, đồng bào cả nước đã chung lòng, chung sức, từ miền Nam xa hàng ngàn cây số, từ Tây Nguyên, Đà Nẵng…. những dòng xe hướng về Tây Bắc. Trong dòng người nồng nàn tình nghĩa đồng bào ấy, có sắc áo của những người làm báo Pháp luật Việt Nam. Chúng tôi cũng đã có những ngày dành trọn tâm sức hướng về bà con vùng lũ…

Xoa dịu những vết thương của núi rừng Tây Bắc

Khi viết lại câu chuyện này vào ngày cuối năm, ngắm lại những bức ảnh đã ghi lại trên đường đi, đọc lại những trang báo, lòng vẫn thấy rưng rưng. Thứ quý nhất chúng tôi có được trong chuyến đi, không phải là hàng tấn hàng hóa thiết yếu, hàng ngàn món quà đã kịp thời mang tới cho bà con của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn… mà là những xúc cảm chúng tôi đã nhận về, những thông điệp mà chúng tôi đã truyền tới bạn đọc về sự sẻ chia, về nghĩa đồng bào, về trách nhiệm, về niềm tin của con người trong lúc hoạn nạn.

Sự trân quý ấy nó thể hiện ngay từ quyết định mang tính “hỏa tốc” của Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo về chương trình đến với bà con vùng lũ; thể hiện ở sự hưởng ứng mạnh mẽ của tập thể phóng viên, cán bộ, nhân viên trong Tòa soạn đang công tác ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Sự trân quý ấy còn thể hiện trong sự chỉ đạo, động viên, khích lệ kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Được sự phân công của Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đã trực tiếp cùng với Đoàn công tác của Bộ, Báo Pháp luật Việt Nam tới Lào Cai sau cơn bão số 3. Trong chuyến đi này, Thứ trưởng đã hoan nghênh Báo Pháp luật Việt Nam vì đã có những hành động ứng phó kịp thời, nhanh nhạy, thể hiện trách nhiệm với xã hội, sự quan tâm tới bà con nói chung và cán bộ của ngành Tư pháp nói riêng. Ông ghi nhận uy tín của Báo Pháp luật Việt Nam trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành, các bạn đọc hảo tâm chung sức hỗ trợ bà con bị bão lũ.

Đúng như sự ghi nhận của Thứ trưởng, chúng tôi đã may mắn nhận được sự ủng hộ không do dự của những thương hiệu lớn như: Nhà thuốc Long Châu với hàng ngàn phần quà là các loại thuốc thiết yếu không kê đơn, Canifa với những chiếc áo mới,… Không chỉ gửi quà, nhiều doanh nghiệp đã cử cả nhân viên đồng hành cùng Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam như Hãng xe Sao Việt, Bất động sản Thiên Khôi. Luật sư Diệp Năng Bình “dừng” cả chuyện tranh tụng để cùng phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam gói quà, bốc vác hàng hóa…

Tổng Biên tập Báo PLVN Vũ Hoài Nam chia sẻ khó khăn với bà con Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Tổng Biên tập Báo PLVN Vũ Hoài Nam chia sẻ khó khăn với bà con Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Phải khẳng định, nếu không có sự ủng hộ từ những tấm lòng gần xa này, chương trình đến với bà con vùng lũ của Báo Pháp luật Việt Nam sẽ không thể thành công. Thực lòng, chúng tôi biết ơn những nhà hảo tâm đã đồng hành, đã tin tưởng cùng chúng tôi thực hiện nghĩa cử với đồng bào!

Tổng Biên tập của chúng tôi đã đúng, khi ông phát lệnh thực hiện chương trình và trực tiếp cùng Đoàn công tác tới hiện trường Làng Nủ. Dù cho vào thời điểm đó, việc tới Làng Nủ rất nhiều khó khăn, nguy hiểm trên chặng đường đầy những dấu tích sạt lở. Bởi có tận mắt chứng kiến sự đổ nát và nỗi đau của những người bỗng chốc mất đi ngôi nhà cơ nghiệp, mất đi những người thân yêu, quả thực, là những trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời người làm báo.

Tận thấy những ruộng đồng úa tàn chìm sâu trong hàng mét đất bùn non, chứng kiến những người già, em bé nhiều ngày chỉ ăn bánh mì hoặc đồ ăn cứu trợ vì điện nước chưa khôi phục, đồ dùng trong nhà bị hỏng do ngập ở Trấn Yên (Yên Bái); chứng kiến những khuôn mặt thất thần của người bị mất nhà, những nỗi buồn thương đau đớn như quánh đặc cả không gian ở Làng Nủ, chúng tôi tự nhận thấy mình phải cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn.

Trăn trở ở Lệ Thủy

Khi đồng bào miền núi Tây Bắc còn đang chật vật tái thiết cuộc sống, lũ lại đổ về miền Trung. Và chúng tôi - những người làm báo Pháp luật Việt Nam lại lên đường, trao những món quà ý nghĩa cho người dân Quảng Bình. Hơn 300 suất quà đã được trao tận tay các gia đình bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 6 gây ra tại 3 xã Mai Thủy, Trường Thủy và Thái Thủy (huyện Lệ Thủy). Nhìn những cụ già tay run run nhận quà, sao mà xúc động!

Lệ Thủy cũng là quê hương của một đồng nghiệp trong cơ quan chúng tôi. Tôi từng nhớ hơn 10 năm trước, khi cùng anh và Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam trong chuyến công tác thường niên tri ân miền Trung, anh trầm ngâm kể: Mùa lũ là nơi đây ngập, đường cứ làm rồi lại bị cuốn trôi, chả nhà ai dám làm kiên cố vì không biết nước cuốn trôi nhà khi nào.

Lần này về thăm bà con, tôi có hỏi một vị lãnh đạo xã: Mình có kế hoạch lâu dài gì để đời sống của bà con không bị ảnh hưởng bởi lũ? Ông ngập ngừng: “Chúng tôi cũng muốn lắm. Chúng tôi mong có khu công nghiệp, có hướng chuyển đổi việc làm để bà con không phải phụ thuộc vào cây trồng. Nhưng để làm được điều đó thì không phải chúng tôi muốn là được”.

Gieo những hạt giống lành

Không phải khi lũ về gây nhiều tang thương mất mát, những người làm báo Pháp luật Việt Nam mới hướng tới sự sẻ chia. Song hành cùng vai trò truyền thông Tư pháp, những người làm báo Pháp luật Việt Nam còn thực hiện nhiều hoạt động xã hội thiết thực như “Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn” - Tri ân tháng 7 miền Trung; các chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật hướng về biên giới, biển đảo”, cấp phát miễn phí hàng triệu tờ báo, sách pháp luật và các đồ dùng thiết yếu đến cán bộ, đảng viên, người dân vùng sâu, vùng xa, biển đảo; xây dựng hàng trăm ngôi nhà “Mái ấm Tư pháp”, nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách, cán bộ Tư pháp có hoàn cảnh khó khăn… Những mái ấm được trao là sự quan tâm, khích lệ, động viên của Báo, góp phần chia sẻ những khó khăn, để cán bộ làm công tác tư pháp ở cơ sở yên tâm công tác.

Tác nghiệp của phóng viên Báo PLVN tại vùng lũ.

Tác nghiệp của phóng viên Báo PLVN tại vùng lũ.

Trong hành trình lên Tây Bắc, chúng tôi đã gửi niềm tin rằng, câu chuyện về cơn bão số 3 không chỉ là câu chuyện của sự tàn phá. Nó còn là câu chuyện của tình người, của sự đồng lòng và tinh thần kiên cường không khuất phục. Vết thương của núi rừng rồi sẽ lành lại, tình người, tinh thần đoàn kết sẽ mãi là lớp phù sa để nảy nở những mầm sống tươi tốt hơn.

Làng Nủ đã tái sinh, chúng tôi tiếp tục gửi niềm tin vào tình người, tinh thần đoàn kết để cuộc sống nảy nở thêm những điều đẹp đẽ diệu kỳ… Khi những hạt giống lành được gieo trồng và chăm sóc bằng những sự lương thiện sẻ chia, chúng ta có quyền hy vọng những chồi non của sự dâng hiến sẽ tươi xanh cuộc đời!

Đọc thêm