Đó là suy nghĩ luôn thường trực của 3 sĩ quan Công an Việt Nam thuộc Tổ công tác số 2 đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Văn phòng Cảnh sát Malakal, bang Upper Nile, Cộng hòa Nam Sudan. Trong những ngày ngắn ngủi về Việt Nam nghỉ phép vừa qua, tổ công tác đã chia sẻ những trải nghiệm khắc nghiệt nhưng vô cùng quý giá khi thực hiện nhiệm vụ ở nơi xa đất nước.
Nỗ lực từng ngày
Tiếp nối những thành công của tổ công tác số 1, tháng 8/2023, các sĩ quan Công an Việt Nam thuộc tổ công tác số 2 gồm Trung tá Bùi Phương Lân, Trung tá Nguyễn Thu Hà và Thiếu tá Đinh Mạnh Cường đã lên đường tới Nam Sudan. Sau 2 tuần tập huấn các kiến thức cơ bản đầu vào, 3 sĩ quan được triển khai xuống Văn phòng Cảnh sát Malakal thuộc bang Upper Nile cách thủ đô Juba 650km về phía Bắc. Muốn đến được khu vực này, chỉ có thể di chuyển bằng máy bay do giao thông đường bộ khó khăn, chia cắt.
|
Các sĩ quan gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
“Malakal - thủ phủ của bang Upper Nile, nằm bên bờ Đông lưu vực sông Nile trắng, là nơi chứng kiến những xung đột sâu sắc giữa 3 tộc người Dinka, Nuer và Shilluk. Chính vì những hệ lụy của cuộc nội chiến mà giờ đây Malakal vẫn đầy bất ổn. Đây là nơi duy nhất trên thế giới có trại bảo vệ dân thường do Liên hợp quốc (LHQ) thành lập và chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn cho gần 40.000 người tị nạn trong trại. Chúng tôi được điều động về công tác tại Đội cảnh sát tuần tra và trực gác tại Trại để bảo vệ thường dân”, Trung tá Bùi Phương Lân chia sẻ.
Trong trại, những dãy lều phủ bạt san sát nhau trải dài hàng trăm mét. Dưới nền đất bụi mù vào mùa khô và nhầy nhụa bùn đất vào mùa mưa, người dân đầu trần, chân đất đi lại, sinh hoạt trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Trẻ con cả ngày chỉ biết chạy nhảy, chơi đùa ở ven kênh rạch, ruồi muỗi bay rào rào trong khoảng không. Tổ công tác thực hiện trực gác hàng ngày, mỗi ca trực 4 tiếng để kiểm soát tình hình người dân ra vào trại. Sáu giờ sáng là giờ mở cổng cho người dân đi bộ ra ngoài chăn thả dê bò, hái rau, nhặt củi, lấy nước, tắm rửa ở bờ sông. Bảy giờ tối đóng cổng trại để người dân trở về những căn lều ngủ nghỉ trong đó. Bốn tiếng trực gác căng thẳng ngoài trời trong cái nắng rát mặt, bụi bặm, các sĩ quan chỉ có chai nước mang theo. Chính nhờ có sự giám sát, bảo vệ sát sao của nhân viên LHQ mà tình hình an ninh trong trại ổn định hơn, hạn chế những xung đột, nạn hiếp dâm, trộm cắp xảy ra.
Sau gần hai tháng làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác ở trại bảo vệ thường dân, các sĩ quan Công an Việt Nam tiếp tục thi tuyển vào các vị trí làm việc theo năng lực và sở trường cá nhân. Trung tá Lân trúng tuyển vị trí Sĩ quan nhân sự, hậu cần và tổ chức tại Văn phòng Cảnh sát địa bàn Malakal, bang Thượng Nile. Trung tá Hà trúng tuyển vào phòng hậu cần của Cảnh sát phái bộ UNMISS. Thiếu tá Đinh Mạnh Cường vừa ứng tuyển thành công vào vị trí Chỉ huy trưởng Văn phòng Cảnh sát địa bàn Torit, bang East Equatorial. Điều đó chứng minh năng lực của các sĩ quan Cảnh sát Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công tác của Phái bộ.
Theo Trung tá Bùi Phương Lân, hiện tại ba cán bộ đang đảm nhận các vị trí công tác khác nhau, có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp quốc tế. Do ở xa nhau và thường xuyên tác chiến độc lập nên sự hỗ trợ lẫn nhau là rất khó, họ phải tự đối mặt và giải quyết các khó khăn. Tổ công tác luôn được lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Thường trực về gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc quan tâm, chỉ đạo sát sao; được các đồng nghiệp quốc tế hỗ trợ về mọi mặt. Từng ngày trôi qua, các sĩ quan đang phối hợp một cách hiệu quả với các đồng nghiệp quốc tế để thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời liên tục cập nhật và nâng cao về ngoại ngữ, kĩ năng, nghiệp vụ GGHB. Họ cũng tích cực chia sẻ, quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nếm trải những “đặc sản” của Malakal
Thời gian đầu đến xuống Malakal, tổ công tác lạ lẫm, bỡ ngỡ về mọi thứ. Sau những giờ đi làm nhiệm vụ, họ trở về khu ở là căn phòng container ăn bữa cơm chớp nhoáng giữa những ca trực gác. Thời gian đầu, trong khi chờ vận chuyển hành lý từ thủ đô Juba xuống địa bàn bằng đường hàng không, việc ăn, nghỉ của các sĩ quan Việt Nam phải trong tư thế khắc phục mọi khó khăn. Chiếc nồi cơm điện bé xíu của Trung tá Hà mang từ Việt Nam sang đã phát huy tác dụng, nấu cơm cho cả ba anh em. Chị chia sẻ rằng khó khăn nhất là những bữa cơm thiếu rau xanh.
|
Trung tá Nguyễn Thu Hà với trẻ em tại trại bảo vệ thường dân ở Nam Sudan.
Người dân Nam Sudan không có truyền thống canh tác, trồng trọt nên không trồng được rau, củ quả mang bán như ở Việt Nam. Rau củ quả khô mang ở Việt Nam sang được dịp mang ra chế biến. “Bù lại, ở đây chúng tôi được ăn cá đánh bắt từ sông Nile. Đây là nguồn thực phẩm duy nhất dồi dào, sẵn có ở địa phương. Còn thịt, rau củ quả và các nhu yếu phẩm khác chờ hàng vận chuyển của LHQ từ thủ đô xuống, mất cả tháng trời mới đến nơi. Bữa ăn với thực đơn là cơm và cá đã trở nên đều đặn và không thể… ổn định hơn”, chị Hà dí dỏm kể.
Bang Upper Nile có địa hình trũng, hoang sơ, bãi bồi của sông Nile, nhiều lưu vực sông chảy qua. Tổ công tác xuống nhận nhiệm vụ tại Malakal vào đúng mùa mưa nên những con đường đất ở đây trở nên lầy lội, đặc quánh bùn đất. Nơi đây có những đàn gia súc lớn, nhiều bụi rậm nên “đặc sản” là ruồi vàng, muỗi, châu chấu và…rắn. Côn trùng ở Nam Sudan là nỗi ám ảnh với anh em chúng tôi. Cứ ra khỏi phòng ở là phải sẵn sàng trang phục “kín cổng cao tường”. Tuy thế, côn trùng vẫn lao đến “tấn công”. Dù mặc quân phục GGHB mà anh chị em vẫn bị ruồi vàng đốt. Mấy tháng trôi qua mà vết đốt vẫn chưa lành. Rắn ở khắp mọi nơi, thậm chí rắn “ghé thăm” trụ sở làm việc của cảnh sát LHQ, bò vào nằm ngủ trong… máy photo copy.
Không chỉ làm nhiệm vụ ở Malakal, do yêu cầu nghiệp vụ của phái bộ, Thiếu tá Cường còn tác nghiệp ở Đồn Cảnh sát Kodok – một địa bàn thuộc vùng sâu vùng xa cách đó 80km. Dù đã hình dung trước những khó khăn sẽ gặp phải, nhưng anh không thể lường hết được những nguy hiểm rình rập. Vùng đất đó vẫn còn tàn dư của những cuộc nội chiến kéo dài, giao thông bị cô lập, bom mìn còn nhiều. Trước yêu cầu của LHQ đặt ra là phải đảm bảo an ninh, an toàn khi tác nghiệp, Thiếu tá Cường đã học được kinh nghiệm của người dân địa phương để di chuyển được ở đây, là đi theo… vết chân của những đàn bò, đàn dê để tránh dẫm phải mìn. Có ngày trời mưa, nước ngập trắng xóa không còn đường nữa, đành phải dừng lại đợi hết mưa, những con đường đất lộ ra, lại theo vết chân gia súc để tiếp tục công việc.
Dưới cái nắng hầm hập ở Nam Sudan, họ vẫn giữ nhịp luyện tập thể thao để có thể lực tốt đảm đương công việc. Trung tá Hà vẫn giữ thói quen tập yoga vào mỗi sáng sớm. Chị còn truyền được niềm yêu thích và tạo thói quen tập yoga cho các nữ đồng nghiệp quốc tế. Tổ công tác đã quen với việc mạng Internet chập chờn, những cuộc gọi về Việt Nam cho gia đình, đồng đội thường bị ngắt quãng. Họ chia sẻ rằng, thời gian đầu đi làm nhiệm vụ, nỗi nhớ nhà, nỗi lo lắng cho những đứa con bé bỏng cứ dấy lên, cồn cào trong lòng họ. Nhưng công việc bận bịu cuốn đi khiến họ phải nén lòng để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nam Sudan và Việt Nam lệch múi giờ, khi các con tan trường thì họ đang làm việc, khi họ tan làm thì các con đã đi ngủ. Bởi thế, các anh chị thường chỉ gọi về cho gia đình vào dịp cuối tuần.
Trung tá Nguyễn Thu Hà là nữ sĩ quan duy nhất của tổ công tác số 2. Để sắp xếp việc gia đình, con cái đi làm nhiệm vụ trong thời gian dài với chị là một sự cố gắng, quyết tâm và bản lĩnh gấp nhiều lần. Trước khi đi cả năm trời, chị đã làm công tác tư tưởng cho cô con gái nhỏ mới 8 tuổi để con quen dần với việc mẹ vắng nhà.
“Việc khó khăn nhất là thuyết phục con cắt đi mái tóc dài để con có thể tự gội đầu. Những ngày đầu tôi đi xa, con nhớ mẹ nên khóc suốt. Trong những cuộc gọi, tôi nén sự xúc động, khơi lên chuyện vui để nói với con. Nhưng tắt điện thoại là nước mắt trào ra. Bây giờ thì con đã quen dần, tự lập trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Tôi muốn mình là tấm gương cho con, luôn cố gắng vượt khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ”, chị xúc động chia sẻ.
Nửa năm qua, các sĩ quan tổ công tác số 2 đã quen dần với nhịp sống ở Nam Sudan. Với lỉnh kỉnh xô, thùng, túi nước, hàng ngày họ kiên nhẫn hứng nước ở bể nước chung cách nơi ở vài trăm mét và gùi nước về khu ở. Dù những giọt nước chưa thật trong, nhưng nghĩ đến những người dân ngoài kia đang thiếu ăn và khát nước sạch, các anh chị luôn chắt chiu, tiết kiệm. Lật lớp đất mỏng là chạm sỏi đá, việc trồng trọt ở nơi này chẳng phải là điều dễ dàng. Tuy thế, họ vẫn tranh thủ cải tạo đất trồng rau để cải thiện bữa ăn. Những gói hạt giống rau muống, rau cải, mồng tơi mang từ Việt Nam sang được gieo trồng, tưới tắm cũng nảy mầm, xanh lá ở vùng đất sỏi đá châu Phi, như những con người Việt Nam kiên cường đang bám trụ nơi đây để gìn giữ hòa bình.