Hiệu quả và sức lan tỏa của Đề án 1371

(PLVN) - Những mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Báo Quân đội nhân dân (QĐND) và Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy sự đa dạng, phong phú về hình thức, phương pháp, công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật; góp phần đưa công tác này trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, ngành và người dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu trao đổi bên lề buổi tọa đàm. (Ảnh trong bài: Duy Hoàn)
Các đại biểu trao đổi bên lề buổi tọa đàm. (Ảnh trong bài: Duy Hoàn)

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Hôm qua (21/10), Báo QĐND đã phối hợp Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Tọa đàm “Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật”. Đại tá Hoàng Nam Chung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh và Đại tá Ngô Anh Thu, Phó Tổng Biên tập Báo QĐND đồng chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự chương trình có Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo QĐND, Thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2 (QK2).

PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị. Tọa đàm là dịp để trao đổi kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Qua đây làm cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, cách làm mới trong thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” (Đề án 1371) trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội.

Đại tá Ngô Anh Thu cho biết, với vai trò là cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang (LLVT), thời gian qua, Báo QĐND duy trì thường xuyên chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, PBGDPL trên các ấn phẩm, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phản ánh hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trong toàn quân.

Báo cũng phối hợp Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật trên Báo QĐND”. Cuộc thi diễn ra hằng năm, kết thúc mỗi năm tiến hành tổng kết và trao giải. Với những nội dung rất thiết thực với cuộc sống và việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bảo đảm thuận tiện, dễ tham gia, cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ LLVT và Nhân dân cả nước tham gia, tạo hiệu ứng lan tỏa rất tích cực.

Cuộc thi góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ LLVT và Nhân dân tìm hiểu, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, từ đó điều chỉnh hành vi, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đại tá Hoàng Nam Chung thông tin, là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thời gian qua, cùng với các đơn vị Quân đội, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp quán triệt nghiêm túc và tích cực triển khai đề án sâu rộng với nhiều cách làm sáng tạo, nội dung phong phú.

Qua thực tiễn tiến hành, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả như: tuyên truyền, phổ biến qua mạng internet, cổng thông tin điện tử; giới thiệu bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn hóa - văn nghệ; “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, Tủ sách pháp luật,... đã phát huy tác dụng ở nhiều đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Tọa đàm do Báo QĐND phối hợp Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.

Tọa đàm do Báo QĐND phối hợp Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.

Thượng tá Trịnh Xuân Hùng, Phó Chánh án Toà án quân sự QK2 cho biết, song song công tác xét xử; là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL QK2, Toà án quân sự QK2 đã cùng các cơ quan tham mưu cho Thường vụ, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh QK2 và Ban Chỉ đạo Đề án 1371 (BCĐ) lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hình thức đa dạng, phong phú với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và đạt được nhiều kết quả nhằm nâng cao chất lượng thực hiện đề án tại 9 tỉnh QK2.

Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc có 16 quân nhân, do Chính ủy làm Chủ tịch Hội đồng. Trong đó, có 5 báo cáo viên (BCV) pháp luật cấp tỉnh, 5 BCV pháp luật cấp Bộ CHQS tỉnh; 26 BCV pháp luật cấp cơ sở. Tham luận tại buổi tọa đàm, Thượng tá Đặng Hữu Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết, để đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, Phòng Chính trị đã tham mưu Bộ CHQS tỉnh phối hợp điều tra, khảo sát thực tế tình hình công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật; nhu cầu học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và Nhân dân tại cơ sở.

Trong đó, tập trung khảo sát những địa bàn khó khăn như các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Sán Dìu, Cao Lan….

Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức phổ biến tập trung, trực tiếp, nói chuyện pháp luật, tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật 282 lần/136 xã, phường, thị trấn; cung cấp hơn 16.800 các loại tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật; tuyên truyền hơn 600 buổi trên hệ thống truyền thanh nội bộ cấp huyện, xã và cơ quan, đơn vị; thông qua hơn 5.600 bảng, biểu, biểu ngữ, tranh cổ động niêm yết tại cơ quan, đơn vị và khu dân cư.

Tại cơ sở, Thượng tá Trần Tú Anh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tam Đảo cho biết, huyện có 15 dân tộc anh em sinh sống. Qua nhiều kênh như tuyên truyền qua hệ thống tài liệu, hệ thống truyền thanh huyện và cơ sở, qua các đợt làm dân vận, qua pano, áp phích, tờ rơi, tuyên truyền lưu động…, thời gian qua, BCĐ huyện Tam Đảo đã tham mưu, phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dự bị bị động viên, Luật Dân quân tự vệ, Luật Đất đai, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Phòng cháy, chữa cháy, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường; hòa giải ở cơ sở; xử lý vi phạm hành chính; đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; phòng, chống tội phạm... Phối hợp Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức trên 10 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động.

Tọa đàm là dịp để tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong thời gian tới, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc về nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.

Đọc thêm