Dấu ấn Chính phủ “hành động - tâm huyết”

(PLO) - Thước đo về một Chính phủ do dân và vì dân phụ thuộc phần lớn vào niềm tin và mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN). Trong năm qua, không chỉ quyết liệt yêu cầu cắt giảm các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh để “cởi trói” cho DN, người đứng đầu Chính phủ còn nhiều lần tới các địa phương để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Thủ tướng trao giấy chứng nhận đầu tư cho các DN tại Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội, tháng 6/2018
Thủ tướng trao giấy chứng nhận đầu tư cho các DN tại Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội, tháng 6/2018

Điểm đặc biệt “Tổ công tác của Thủ tướng”

Trăn trở với những lo lắng, bức xúc của các DN khi phải chịu cảnh “một cổ nhiều tròng” do những bất cập của thủ tục hành chính, trong hơn chục phiên họp thường kỳ của Chính phủ năm 2018, hầu như phiên họp nào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành phải tích cực đẩy mạnh công tác rà soát, cắt giảm những điều kiện kinh doanh không cần thiết cũng như những “giấy phép con” gây khó cho DN.

Bởi theo ông, thủ tục hành chính bất hợp lý, thiếu minh bạch là một trong những con đường dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt sẽ làm cho môi trường đầu tư thiếu sự cạnh tranh lành mạnh. 

“Cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính là vấn đề rất quan trọng. Thủ tướng không phiên họp nào không nhắc, với rất nhiều văn bản đôn đốc, với yêu cầu đi vào hiệu quả và thực chất để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, coi đây là dư địa rất quan trọng cho tăng trưởng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng đã ký quyết định về việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số hơn 1.200 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương.

Sáu tháng sau, Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg với nội dung nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật, không làm phát sinh chi phí cho DN. 

Thủ tướng đối thoại với công nhân khu công nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, tháng 5/2018
Thủ tướng đối thoại với công nhân khu công nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, tháng 5/2018

Nhiều ý kiến đánh giá, các quyết định và chỉ thị trên là minh chứng cho thấy quyết tâm của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và tiếp nhận phản ánh từ địa phương, Thủ tướng nhận thấy kết quả đạt được chưa đều, các bộ, ngành tuyên bố cắt giảm thủ tục nhưng vẫn còn hình thức, chưa đi vào thực chất; thậm chí có nơi “nói là cắt giảm nhưng thực ra lại gộp 2-3 thủ tục làm một”... 

Đã đến lúc phải lấy thực tiễn làm trọng tâm. Trên tinh thần này, Tổ công tác của Thủ tướng đã ra đời, nhận trọng trách kiểm tra, truy tìm các thủ tục, giấy phép còn “núp bóng” ở mọi “ngóc ngách” để đốc thúc cắt giảm, bãi bỏ.

Và không chỉ kiểm tra ở Trung ương, Tổ công tác còn xuống tận địa phương với mục tiêu: việc cắt giảm phải thực chất, tránh tình trạng gom nhiều điều kiện kinh doanh lại làm một, bỏ cái này mọc cái khác....

Phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam cuối kỳ năm 2018 diễn ra mới đây, Thủ tướng một lần nữa nêu quyết tâm cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ông đề nghị các bộ, ngành và địa phương “ưu tiên đưa các quan tâm của DN vào trong các chương trình nghị sự của mình.

Phải đưa vấn đề của DN lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo. Thực hiện một cách thực chất và hiệu quả mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong năm 2019”.

Không phân biệt chuyện lớn – chuyện nhỏ

Ưu tiên cao của Chính phủ là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng không vì thế mà người đứng đầu Chính phủ không quan tâm đến những lo lắng, bức xúc của người dân. Đã không ít lần, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương phải giải quyết bức xúc của người dân, không để hình thành các “điểm nóng”. 

Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, khi đề cập đến nạn “tín dụng đen” đang làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, gây nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công an xử lý nghiêm tình trạng này, nhất là vào dịp Tết, tiến tới loại trừ “tín dụng đen” trên địa bàn cả nước để giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Tương tự, trước thực trạng khiếu kiện kéo dài ở một số địa phương không được giải quyết dứt điểm, Thủ tướng đã rất quyết liệt: “Vấn đề này cơ bản của địa phương nhưng chúng ta phải giải quyết, không để tình hình nghiêm trọng, phải kiểm điểm làm rõ, xử lý dứt điểm vấn đề đó”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình thăm Trung tâm Hành chính công TP. Tam Kỳ
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình thăm Trung tâm Hành chính công TP. Tam Kỳ

Đồng thời, ông yêu cầu Bí thư các địa phương phải có trách nhiệm tham gia nhiệm vụ này. Địa phương nào để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện thì Bí thư, Chủ tịch phải trực tiếp chỉ đạo, xử lý, đối thoại với dân, tạo đồng thuận; phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. 

Tại Phiên giải trình và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những mục tiêu kiên định của Chính phủ là thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và DN, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân...

Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên.

Vừa đúng pháp luật, vừa hài hòa, linh hoạt

“Mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên”- chỉ một điều giản dị vậy thôi nhưng để thực hiện được thì không hề đơn giản. Cũng bởi vậy, tại hội nghị bàn về giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước diễn ra vào đầu tháng 12/2018 tại Đắk Lắk, mặc dù nêu rõ quan điểm không khuyến khích di dân tự do nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu “không được để đồng bào di cư tự do bị bỏ lại phía sau”. Mục đích cuối cùng là làm sao người dân di cư có cuộc sống ổn định và phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh... 

Thủ tướng cho rằng phần lớn dân di cư tự do là dân tộc thiểu số, đều xuất thân từ các vùng do điều kiện khó khăn, vì kế sinh nhai, phải rời bỏ quê hương, tìm vùng đất mới để cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên không chỉ cần đúng pháp luật mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành.

Nơi nào bà con đã đến rồi thì phải chủ động, tập trung nguồn lực, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị ở nơi dân đến, tạo mọi thuận lợi cho người dân có nơi cư trú hợp pháp, ổn định đời sống, sinh kế, có đất sản xuất, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm an ninh.

“Họ đã đi rồi, đã lỡ đến đây rồi, nhất là hiện tại có 20.000 hộ thì chúng ta phải quan tâm, giải quyết những chính sách cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội, đừng để đồng bào lâm cảnh “màn trời chiếu đất”, mất an ninh trật tự, phá rừng”, Thủ tướng trăn trở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII

Không chỉ cùng “xắn tay áo” để chỉ đạo giải quyết các bất cập trong môi trường đầu tư kinh doanh; không chỉ lo lắng với những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân di cư tự do, Thủ tướng còn luôn dành sự quan tâm đến những “chiến sĩ cầm bút” trên mặt trận truyền thông không ít nóng bỏng.

Điển hình là trước việc nhóm phóng viên của các cơ quan thông tấn trong quá trình điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên (Hà Nội) bị đe doạ qua tin nhắn điện thoại, Thủ tướng đã giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa và có các biện pháp cần thiết, phù hợp, bảo vệ an toàn cho phóng viên, người tố giác tội phạm và những người liên quan.

Các nhà báo, phóng viên như được tiếp thêm động lực và sự sẻ chia để càng vững tâm và nhiệt huyết với nghề; tiếp tục dấn thân vào nơi “nước sôi lửa bỏng”, đấu tranh tìm lại lẽ phải, sự công bằng trong xã hội, vì một Nhà nước Pháp quyền XHCN.

Dấu ấn của một Chính phủ hành động – tâm huyết còn còn thể hiện qua những lời phát biểu nặng lòng của Thủ tướng như: “Dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019. Tôi nói con số lẻ thế có nghĩa gì? Là để chúng ta hiểu và đặt sự lưu tâm của chúng ta đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển.

Trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự cũng lớn lao. Được sự tín nhiệm của các Đại biểu Quốc hội, đặc biệt là niềm tin mà nhân dân dành cho, các thành viên Chính phủ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. 

Đọc thêm