Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, pháp chế….; đồng thời với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh về cải cách thể chế trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Hàng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ này trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số PAR INDEX đạt 83,72 điểm, xếp vị trí thứ 38/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 hạng so với năm 2019. Chỉ số SIPAS đạt 84,34% xếp vị trí 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 hạng so với năm 2019.
Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hàng năm Sở Tư pháp ban hành kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể, trong đó tập trung trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện các giải pháp, sáng kiến mới về CCHC…
|
Ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác cải cách hành chính. |
Cụ thể, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đã Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố mới, bãi bỏ, sửa đổi bổ sung danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp đảm bảo kịp thời và đúng quy định như: Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 18/6/2020 về việc công bố danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; danh mục thủ tục hành chính bị bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu; Quyết định số 1092/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 v/v công bố danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu; Quyết định số 1136/QĐ-UBND ngày 18/8/2020 v/v Công bố kèm theo Quyết định này Danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực đấu giá tài sản, quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu.
Đồng thời, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1234/QĐ-UBND ngày 03/9/2020 về việc phê duyệt phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính lĩnh vực Tư vấn pháp luật thuộc chức năng quản lý của Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu, qua đó đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết của 02 thủ tục thuộc lĩnh vực Tư vấn pháp luật; Quyết định số 1316/QĐ-UBND ngày 11/9/2020 về việc Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết từng thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý, giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu; Tham mưu UBND tỉnh phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính qua đó cắt giảm 73/158 thủ tục, thời gian cắt giảm từ 30-70% thời gian; tham mưu trình UBND tỉnh quyết định 46 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và đăng ký lên cổng dịch vụ công quốc gia 15 thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tỉnh đã niêm yết công khai thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, trụ sở làm việc của đơn vị thuộc Sở và trên trang thông tin điện tử của Sở. Tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Sở là 147 TTHC (9 thủ tục do Sở Tài nguyên & Môi trường thực hiện), 20 thủ tục giải quyết trực tiếp tại Phòng Công chứng số 1 và Trung tâm Trợ giúp pháp Nhà nước thuộc Sở Tư pháp), số thủ tục hành chính giải quyết tại bộ phận một cửa, một của liên thông (Trung tâm Phục vụ hành chính công) là 127 TTHC.
Bà Lê Thị Na – Chánh Văn phòng Sở Tư pháp chia sẻ: “Những năm gần đây, để nâng cao chỉ số CCHC, Văn phòng Sở tích cực tham mưu cho Giám đốc sở ban hành các văn bản như: Kế hoạch triển khai công tác cải cách hành chính hằng năm; Kế hoạch về tuyên truyền về công tác CCHC ; Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp… Hàng tháng, trong cuộc họp giao ban chuyên môn giữa Ban giám đốc và trưởng các phòng, đơn vị thuộc Sở đều có nội dung đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính tháng trước và đề ra nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính cho tháng sau”.
Ngoài ra, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở chú trọng đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân khi đến giao dịch công việc, giảm bớt sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc và đảm bảo đúng pháp luật; thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đáp ứng yêu cầu mọi nhiệm vụ được giao”. Với những cách làm hay, sáng tạo đó Sở Tư pháp 3 năm liên tục đều đứng trong top 3 cải cách hành chính của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo chuyển biến tích cực, góp phần từng bước tiến tới xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, phục vụ”.
Để tiếp tục nâng cao cải cách thủ tục hành chính, thời gian tới Sở Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai, áp dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp cho các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch của tỉnh Lai Châu; đẩy mạnh xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; sử dụng hòm thư công vụ để trao đổi công việc; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Phần mềm quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu; tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số cá nhân, đảm bảo tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng đạt 100%; tích cực sử dụng các nhóm Zalo, ...để điều hành công việc nhằm rút ngắn thời gian hội họp, giảm giấy tờ hành chính và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu.
Cùng với đó, đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công; rà soát các TTHC và xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, bảo đảm năm 2021 đạt 35% số lượng đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hình thành “văn hóa số” nhằm tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, sử dụng các dịch vụ công. Chú trọng công tác chỉnh đốn tác phong, lề lối làm việc đối với công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tổ chức và công dân, đẩy nhanhtiến độ giải quyết công việc và đảm bảo đúng pháp luật. Niêm yết chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức ngành Tư pháp để công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 tiếp tục được duy trì, áp dụng và cải tiến vào công việc chuyên môn tại cơ quan, đơn vị. Thông qua áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của cơ quan.
Với những định hướng đúng đắn, cách làm khoa học, hiệu quả, tin chắc rằng công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp tỉnh sẽ duy trì và giữ vững tốp 3 cải cách hành chính của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.