Dấu ấn Điện Biên Phủ qua hồi ức của chứng nhân và kỷ vật nơi xứ Thanh

(PLVN) - Trong những ngày hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi vinh dự được gặp gỡ cựu chiến binh thông tin liên lạc Nguyễn Bá Viết, được chiêm ngưỡng nhiều kỷ vật lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, để thấy được sức mạnh của quân và dân ta trong những tháng ngày đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam bay phấp phới trên nắp hầm của tướng Đờ Cát.
Cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam bay phấp phới trên nắp hầm của tướng Đờ Cát.

Hồi ức về Điện Biên Phủ của một cựu binh thông tin, liên lạc

Nhắc đến những tháng ngày đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc với chiến thắng Điện Biên Phủ, người cựu chiến binh tuổi đã 90 - Nguyễn Bá Viết (phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hoá) vẫn hào sảng, say mê và nhiệt huyết trong từng lời kể. Khi ấy, ông Viết mới chỉ là chàng thanh niên 18 tuổi cùng hơn 10 thanh niên xã Đông Hải, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá lúc tình nguyện xung phong nhập ngũ, lên đường ra chiến trường chống giặc.

Sau đợt tuyển quân, dù lúc đó chưa ai biết mình sẽ nhận nhiệm vụ gì nhưng đoàn thanh niên xung phong luôn trong trạng thái sẵn sàng lên đường hành quân từ Thanh Hoá lên Tây Bắc.

Con đường hành quân dài hơn 600km đi từ Thanh Hóa lên Phú Thọ vượt sông Đà bằng bè mảng, xuyên rừng, lội suối, vượt các bãi vắt rừng già. Khi qua những nơi mà chưa từng ai đặt chân tới đoàn phải phá núi, mở đường để tiếp tục hành quân.

Ông Nguyễn Bá Viết (90 tuổi), phường Đông Hải (TP Thanh Hóa); nguyên phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388, Tiểu đoàn 89. Ảnh: Phạm Dương

Ông Nguyễn Bá Viết (90 tuổi), phường Đông Hải (TP Thanh Hóa); nguyên phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388, Tiểu đoàn 89. Ảnh: Phạm Dương

Sau khi đến Ngã ba Cò Nòi, chúng tôi bắt gặp những đoàn quân từ các tỉnh, thành khác cùng hành quân về Điện Biên Phủ. Đường hành quân ban đêm lúc này cũng trở nên đông và vui hơn... Tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng không hề làm nhạt đi ý chí của những người thanh niên quyết tâm giành chiến thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Lên đến Điện Biên Phủ, ông Viết được phân công vào Đại đội 388, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 phụ trách thông tin, liên lạc của Đại đội 388; sau đó lên làm thông tin liên lạc của Tiểu đoàn 89.

Trong hồi ức, ông Hoàng Bá Viết kể, khoảng 4 giờ 30 phút ngày 7/5, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Đồi A1. Lúc này, quân Pháp ở cứ điểm Điện Biên Phủ vô cùng hoảng hốt, mọi kháng cự của quân địch hầu như bị tê liệt.

Đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, quân ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa, bắt sống toàn bộ tướng lĩnh quân địch tại Điện Biên Phủ. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam bay phấp phới trên nắp hầm của tướng Đờ Cát, chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi.

Dấu ấn Điện Biên Phủ qua những kỷ vật tại Bảo tàng tỉnh Thanh hóa

Chia tay ông Viết, chúng tôi đến với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, nơi lưu giữ nhiều hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi dấu những đóng góp, hi sinh của quân và dân Thanh Hóa để làm nên một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng. Ký ức Điện Biên Phủ không chỉ sống động trong hồi tưởng của những nhân chứng lịch sử. Những kỷ vật hiện hữu nơi đây cũng kể cho chúng tôi câu chuyện về Điện Biên theo cách của riêng mình.

Chiếc xe thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ đạt kỷ lục vận chuyển 345,5 kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiếc xe thồ của ông Trịnh Ngọc, dân công xe đạp thồ đạt kỷ lục vận chuyển 345,5 kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Đó là câu chuyện về những người con xứ Thanh anh hùng, gác lại hoài bão thanh xuân, lên đường ra chiến trận, dù bom đạn, xương tan thịt nát, không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh, vì độc lập, tự do của tổ quốc; là câu chuyện về những chiến sĩ xe đạp thồ Trịnh Ngọc (quê thị xã Thanh Hóa), đạt kỷ lục vận chuyển trên 300kg mỗi chuyến; câu chuyện người nông dân Trịnh Đình Bầm (quê xã Định Liên, huyện Yên Định) đã không chút đắn đo tháo dỡ chiếc bàn thờ gia tiên để làm xe cút kít có thể tải đến 180kg, phục vụ vận chuyển hàng hóa; hay câu chuyện đồng chí Đới Sỹ Trầu (quê huyện Quảng Xương) liên tục gánh đôi bồ nặng 60 kg, dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch…

Hình ảnh xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm chế tạo từ gỗ bàn thờ, có thể chở 280 kg/chuyến

Hình ảnh xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm chế tạo từ gỗ bàn thờ, có thể chở 280 kg/chuyến

“Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp viện của Việt Minh không bao giờ bị đứt. Không phải viện trợ của Trung Quốc đã giúp Việt Minh thắng tướng Na-va mà chính là những chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơ-giô thồ từ 200 đến 300kg hàng được điều khiển bởi những dân công ăn không no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm nilông” Giuyn Roa - Cựu Đại tá không quân Pháp, trong cuốn sách "Trận Điện Biên Phủ", xuất bản năm 1964, đã thừa nhận.

Những hình ảnh tư liệu quý giá về hành trình tiếp lương, tải đạn, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những hình ảnh tư liệu quý giá về hành trình tiếp lương, tải đạn, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo thống kê, trong suốt 56 ngày đêm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến (dài hạn và ngắn hạn) với tổng số 178.924 lượt người và 27 triệu ngày công; cùng với 10.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền nan, thuyền ván; 47 xe ngựa thồ, 31 xe ô tô, 180 xe bò. Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên với hơn 9.000 nghìn tấn gạo chiếm 56% và 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại, chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.

Bộ sưu tập quân trang, quân dụng của chiến sĩ Thanh Hóa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các chiến dịch, giai đoạn 1950-1954

Bộ sưu tập quân trang, quân dụng của chiến sĩ Thanh Hóa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại các chiến dịch, giai đoạn 1950-1954

Ghi nhận sự đóng góp, hy sinh của quân và dân Thanh Hóa, nhân dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào tháng 6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam./.

Đọc thêm