Nguồn nhân lực cho sự phát triển
Từ trước đến nay, Thủ đô Hà Nội được xác định là “... Trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ…”. Đặc biệt, với vị thế và bề dày lịch sử, Hà Nội luôn tự hào là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, là nơi hội tụ và kết tinh những di sản văn hoá giàu giá trị của dân tộc.
Chính bởi những điểm sáng nổi bật đó mà thành phố đã và đang nỗ lực chuyển hóa sức mạnh “mềm” văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô. Năm 2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Không gian phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội rất rộng lớn với văn hoá là cốt lõi từ đó tạo thành các sản phẩm công nghiệp văn hoá không chỉ dừng lại ở sáng tạo tác phẩm. Mà khởi nguồn từ sáng tạo để hình thành nên một quy trình kinh doanh với các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, từ đó tạo nên nguồn thu và lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp cho các chủ thể trong quy trình đó.
Để làm được điều đó điều kiện tiên quyết nhất chính là văn hoá, nếu làm văn hoá tốt sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Trong đó, sức sáng tạo cá nhân là dấu ấn quan trọng trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô. Bởi lẽ mỗi cá nhân, mỗi con người không chỉ là chủ thể sáng tạo văn hoá mà còn là khách thể cảm thụ và tiêu dùng các giá trị, các sản phẩm văn hóa do chính mình sáng tạo ra. Cá nhân thông qua hoạt động, nhất là hoạt động lao động và sản xuất văn hóa, kết tinh thành các giá trị phản ánh diện mạo, bản sắc, cốt cách của một địa phương nói riêng và một dân tộc nói chung.
Ngành công nghiệp văn hoá ở Hà Nội cũng không ngoại lệ, bên cạnh sức sáng tạo của cộng đồng, doanh nghiệp thì sức sáng tạo của cá nhân cũng nổi bật và vượt trội không kém. Nếu như ngày trước dấu ấn sáng tạo của cá thể, cá nhân thường bị lu mờ, bị lấp khuất sau cộng đồng thì giờ đây dấu ấn ấy đã được chú trọng đến nhiều hơn.
Không thể phủ nhận cá nhân (cả chủ thể và khách thể) chính là điểm mạnh, ưu thế cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, sử dụng, tiêu thụ. Nhất là khi Hà Nội không chỉ là vùng đất sở hữu nhiều di tích lịch sử, di sản văn hoá vật thể mà còn tập trung nhiều cá nhân tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt trong số đó là các nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2022, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 11 nghệ nhân, Nghệ nhân Ưu tú cho 55 nghệ nhân của thành phố Hà Nội. Cho đến nay, qua ba lần phong tặng thành phố Hà Nội đã có 131 nghệ nhân với 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Đây không chỉ là niềm vinh dự và tự hào mà còn là minh chứng rõ nhất cho thấy ngành công nghiệp văn hoá ở Hà Nội có được chỗ dựa vững chắc với dấu ấn của các cá nhân sáng tạo mà cụ thể ở đây là các nghệ nhân. Là chủ thể sáng tạo của di sản, nghệ nhân vừa là những người thợ giỏi, vừa là người nắm bí quyết nghề lại vừa là người “giữ lửa” cho làng nghề.
Bao năm qua các nghệ nhân ngoài vai trò là người gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản; là kho tư liệu đồ sộ, “cơ sở dữ liệu” văn hóa vật thể và phi vật thể. Thì họ với khả năng thực hành nghệ thuật diễn xướng và cả nghề truyền thống, ngày ngày họ miệt mài cống hiến, sáng tạo, truyền dạy điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống,… cho lớp cháu con. Họ chính là nguồn nhân lực quan trọng trong công cuộc sáng tạo thêm nhiều dấu ấn cho nền văn hoá và quá trình phát triển công nghiệp văn hoá ở Thủ đô.
Ngày càng nhiều người trẻ ghi dấu ấn sáng tạo trong văn hoá. (Ảnh: tuoitrethudo.com.vn) |
Khơi dậy tiềm năng sáng tạo
Từ xưa đến nay công cuộc phát triển công nghiệp văn hoá nói riêng và văn hoá nói chung không chỉ được đầu tư dưới góc độ phần “cứng” mà đầu tư mạnh về phần “mềm” là các cá nhân. Bởi để phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của Việt thì tốt hơn hết chính là thông qua con người Việt Nam. Do đó việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo ở các lớp thế hệ tiếp theo là vô cùng cần thiết.
Nắm bắt được điều đó, Hà Nội đã bước đầu có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa - nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hóa. Cũng đã 2 năm, Hà Nội được công nhận là “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Cùng với vinh dự đó Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động văn hoá nhằm giới thiệu, quảng bá đồng thời khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo, nhất là với giới trẻ.
Trên thực tế, thời gian qua giới trẻ không hề đứng ngoài “vòng xoáy” phát triển của văn hoá mà còn tích cực tham gia vào các dấu ấn sáng tạo khi ngày càng có nhiều bạn trẻ được phong tặng nghệ nhân. Đơn cử như anh Nguyễn Tuấn Minh, người con của làng gốm Bát Tràng dù mới 26 tuổi nhưng đã được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành nghề gốm sứ cùng với nhiều chứng nhận, giấy khen trong quá trình làm nghề.
Dù quyết định đi theo nghề của gia đình nhưng với sức sáng tạo của tuổi trẻ Tuấn Minh đã chọn cho mình một lối đi riêng. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng qua bàn tay nhào nặn của anh mà những sản phẩm gốm mang đậm nét truyền thống xen lẫn nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc hiện đại đã được ra đời. Được biết, các tác phẩm đều nhận được sự đánh giá cao của các nghệ nhân gốm cũng như của khách hàng.
Quả thật, sự kết hợp hoàn hảo và hài hoà chính là khi những nét đẹp truyền thống và những nét đẹp hiện đại được giới trẻ sáng tạo qua những tác phẩm của mình. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy giới trẻ không hề lãng quên giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mà họ đã và đang duy trì, phát triển nó theo cách rất riêng, rất đặc biệt, mà cũng rất cụ thể.
Ngày nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ sẵn sàng dành trọn thời gian để theo học nghệ thuật truyền thống, ngành nghề truyền thống,… Không chỉ gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại mà nhờ sức trẻ, dám nghĩ dám làm, những làng nghề truyền thống từng bị mai một như đang được hồi sinh trở lại.
Có thể thấy, ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Biến văn hoá thành sản phẩm để có thể bán được cho nhiều người, bán được nhiều lần là một trong những cách phát triển kinh tế trong công nghiệp văn hoá đã và đang thực hiện.
Thế nhưng muốn làm được điều đó, trong câu chuyện phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội, cần phát huy thế mạnh, truyền cảm hứng cho giới trẻ về sáng tạo, đẩy mạnh giáo dục sáng tạo, từ đó tạo nên những cá nhân biết sáng tạo, đam mê, khao khát sáng tạo, đóng góp các góc nhìn mới, sản phẩm mới. Nhất là trong thời đại hội nhập quốc tế, để cạnh tranh được trên trường quốc tế, Việt Nam cần nuôi dưỡng và cho các quốc gia khác thấy tài năng sáng tạo của đất nước mình.