(PLO) - Hàng năm, các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp hơn hàng ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp hàng ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải học tập… Trong đổi thay mỗi ngày trên quê hương Bình Phước kiên cường, có dấu ấn đậm nét của đồng vốn chính sách.
Bình Phước là tỉnh được thành lập từ năm 1972, là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Bình Phước có địa hình đa dạng, gồm cao nguyên, đồi núi và đồng bằng. Nơi đây có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn với đa số là đồng bào S’Tiêng, một số ít là đồng bào dân tộc Hoa, Khơ me, Nùng, Tày…
|
Được vay 40 triệu chương trình hộ mới thoát nghèo, gia đình ông Lê Trung Huỳnh (ấp 8, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước) đã đầu tư trồng hồ tiêu, chăn nuôi lợn, gà, gia đình có cơ hội thoát nghèo bền vững |
Là tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, Bình Phước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi đa phần đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn hạn chế về kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất. Trong những năm gần đây, diện mạo kinh tế - xã hội của Bình Phước đang từng ngày đổi mới bởi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, trong đó có sự đóng góp của vốn tín dụng chính sách.
|
Gia đình ông Điểu Ly De (dân tộc S’Tiêng, ở thôn 7, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, Bình Phước) được vay vốn ưu đãi chương trình hộ nghèo đầu tư chăm sóc 6.000 m2 điều và chính quyền hỗ trợ bò, cuộc sống gia đình từng bước được nâng cao |
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCXH) kịp thời chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Không ít người, từ “đòn bẩy” tín dụng chính sách, đã vươn lên làm giàu, góp phần đáng kể cho sự nghiệp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
|
Gia đình ông Tống Văn Lỡ (dân tộc Hoa, ở thôn 7, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, Bình Phước) gia đình di cư từ vùng khác đến sinh sống, đất canh tác không có nhiều, quanh năm chỉ làm mướn, cuộc sống gia đình khó khăn. Năm 2016, gia đình được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo đầu tư chuồng trại nuôi dê cho hiệu quả kinh tế |
Hàng năm, các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp hơn hàng ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho nhiều lao động; hàng ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải học tập… Tính đến cuối tháng 3/2018, trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn 80.877 hộ còn dư nợ từ các chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… với tổng dư nợ gần 2 ngàn tỷ đồng.
|
Từ 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi, gia đình ông bà Lâm Lon - Lâm Thị Hinh (dân tộc Khơ-me, ở ấp 5, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, Bình Phước) có điều kiện mua bò sinh sản, gia đình có việc làm, có cơ hội thoát nghèo |
|
Là hộ nghèo, gia đình khó khăn, vợ bị bệnh lâu năm, gia đình ông Trịnh Ngọc Khẩn (thôn 1, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, Bình Phước) được NHCSXH cho vay chương trình hộ nghèo đã đầu tư cải tạo vườn trồng rau sạch, cuộc sống gia đình từng bước bớt khó khăn. Ngoài ra, gia đình còn vay chương trình HSSV cho 2 con đi học, đến nay các con đã học xong, có việc làm, trả hết nợ vay |
|
Một buổi giao dịch tại điểm giao dịch xã Long Bình, huyện Phú Riềng, Bình Phước |