Đâu chỉ là chuyện cái sân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những ngày AFF Cup khởi tranh, điều người hâm mộ quan tâm nhiều không chỉ là phong độ thi đấu của đội tuyển Việt Nam mà còn là chuyện sân vận động Mỹ Đình.
Đâu chỉ là chuyện cái sân

Lý do vì sân Mỹ Đình đã quá xuống cấp, từ mặt cỏ, khung thành bung ra, ghế ngồi, khu vệ sinh, hệ thống thoát nước… Khi hình ảnh đó xuất hiện trên truyền thông trong nước và thế giới khiến cho cổ động viên vừa giận dữ, vừa xấu hổ cho một sân vận động mang tên quốc gia.

Ngược dòng thời gian, còn nhớ khi giành quyền đăng cai SEA Games 22 vào năm 2003, một quy hoạch khổng lồ và tốn không ít ngân sách Nhà nước được triển khai. Khu liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình xuất hiện tại một vùng quê ngoại ô nghèo khó ở khu vực xã Mỹ Đình thật hoành tráng và bỡ ngỡ. Và trái tim của khu đó, dĩ nhiên là sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Người dân xung quanh Khu liên hợp thể thao bắt đầu đổi đời. Vùng quê trồng lúa biến mất, những con đường lớn như Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Hàm Nghi, Phạm Hùng xuất hiện thế chỗ. Dần dà khu Mỹ Đình được coi là khu phố sang trọng, giàu có, hạ tầng tốt bậc nhất ở Hà Nội. Sân Mỹ Đình xuất hiện trở thành điểm hẹn lý tưởng cho mọi trận đấu đỉnh cao của bóng đá Việt Nam.

Nơi chứng kiến hàng loạt dấu mốc lịch sử của bóng đá nước nhà sau gần 20 năm được đưa vào hoạt động. Tại đây, đội tuyển Việt Nam đã 2 lần vô địch AFF Cup và năm trước vô địch SEA Games. Rồi chứng kiến sự trưởng thành của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.

Thể thao Việt Nam mang nhiều dấu ấn của sân Mỹ Đình, của cả khu Liên hiệp thể thao này. Điều trớ trêu, là khi thể thao chúng ta đi lên, thì chất lượng bảo quản cơ sở vật chất lại đi xuống thậm tệ. Thậm chí sân Mỹ Đình được cộng đồng ví là “bãi cỏ chăn bò”.

Hiện tại, Khu liên hiệp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đang nợ hàng trăm tỷ tiền thuế.

Nó đang trở nên lạc hậu với hệ thống chăm sóc cỏ cũng như cơ sở vật chất.

Và đang trở nên đáng xấu hổ với sự kiện bung xà ngang trong ngày đón tiếp đội tuyển Dortmund. Một hình ảnh đáng xấu hổ được cả thế giới biết đến của một sân vận động quốc gia.

Chúng ta bây giờ có giải bóng đá chuyên nghiệp, nhiều câu lạc bộ có những sân bóng tốt hơn sân Mỹ Đình rất nhiều như: Bình Định, Nam Định, TP HCM, Hải Phòng, hay thậm chí cả Việt Trì, Cẩm Phả… Qua đó để thấy, đã đến lúc thay đổi về nhận thức trong việc quản lý sân Mỹ Đình. Mỹ Đình không đơn thuần là sân vận động, nó còn đại diện cho bộ mặt của nền bóng đá khi những hình ảnh của nó được lan toả khắp khu vực và cả thế giới.

Và khi suốt 2 thập kỷ, lợi ích kinh tế duy nhất nó mang lại là nợ nần, thì cách quản lý, vận hành cũ nên được thay thế bởi những bộ óc nhạy bén với kinh doanh. Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT cần phải nhìn thấy thực trạng sân bãi. Một khu liên hiệp thể thao từng rất hiện đại bây giờ xuống cấp trầm trọng. Ghế ngồi, nhà vệ sinh bẩn thỉu không lau dọn, trong khi đó lãnh đạo lại đổ thừa “cỏ không phát triển do thiếu nắng và rét”. Tư duy lãnh đạo như vậy thì rất khó để Ban quản lý sân làm việc tốt hơn, dù giá thuê sân vẫn rất cao, 800 triệu đồng cho một trận đấu.