Đau đầu “đánh thức” 7 triệu tấn than “ngủ trong kho”

Cuối tháng 12/2012, lượng than tồn kho của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 7 triệu tấn, dù đã giảm 2 triệu tấn so với kỷ lục lập ra trước đó, nhưng vẫn là con số quá “khủng”... Vinacomin cũng đang phải đối mặt với “vách đá tài chính” trong việc huy động vốn.

Cuối tháng 12/2012, lượng than tồn kho của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 7 triệu tấn, dù đã giảm 2 triệu tấn so với kỷ lục lập ra trước đó, nhưng vẫn là con số quá “khủng”.

Dự báo, năm 2013 ngành “vàng đen” sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vinacomin đang đau đầu với các giải pháp ổn định sản xuất và đặc biệt là tiêu thụ “núi vàng” này. Mặc dù vậy, ông Lê Minh Chuẩn - Tổng Giám đốc Vinacomin - cho hay, Tập đoàn  vẫn đặt ra mục tiêu tổng doanh thu 104.435 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2012); tiêu thụ 43 triệu tấn than, tăng 3,7 triệu tấn so với năm 2012. Nộp ngân sách 121,8 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận 2.500 tỷ đồng.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa.

“Không ký hợp đồng dài hạn, báo cáo Chính phủ”

Chung hoàn cảnh như các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác, Vinacomin đang phải đối mặt với “vách đá tài chính” trong việc huy động vốn.

“Để phát triển dự án mỏ, Tập đoàn sẽ cần khoảng 5 nghìn tỷ đồng/dự án, chu kỳ dài ít nhất 3-5 năm. Tuy nhiên, để huy động được số vốn trên không phải là điều dễ dàng”, ông Chuẩn thừa nhận. Chắt bóp kinh phí, năm này Vinacomin tiếp tục thực hiện sát sao “chương trình” cắt giảm chi phí. Trong năm 2012, Tập đoàn đã tiết kiệm 1,8 nghìn tỷ đồng. 

Nhưng tiết kiệm thôi không đủ. Rốt cuộc mọi chuyện vẫn quay về bài toán cung - cầu. “Hiện giá bán than cho điện đã được điều chỉnh tăng 10%, tuy nhiên giá này mới chỉ bằng khoảng 70% giá thành năm 2011. Do đó, Tập đoàn kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ theo lộ trình giá bán than cho điện”, ông Chuẩn nói.

Tới dự Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 của Vinacomin tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ: Tập đoàn cần có giải pháp quyết liệt giải quyết hàng tồn kho ngay từ đầu năm.

Trong điều kiện nền kinh tế tiếp tục khó khăn, sức ép cạnh tranh với doanh nghiệp ngày càng mạnh, đặc biệt đối với ngành than khi điều kiện hoạt động, khai thác ngày càng khó khăn hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Than cần tính toán, rà soát kế hoạch, kiên định mục tiêu duy trì sản xuất ổn định, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tiết kiệm chi phí và đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu suất khai thác, sản xuất. Đồng thời, yêu cầu Vinacomin siết chặt hơn nữa kỷ luật lao động; kiên quyết hơn cùng các địa phương trong các giải pháp chống than lậu, than thổ phỉ.

“Việc các hộ tiêu thụ  ký hợp đồng dài hạn với ngành Than là quan trọng, nếu không sẽ vỡ kế hoạch của ngành trong tương lai, do vậy Vinacomin cần kiên quyết làm, báo cáo Chính phủ những trường hợp không cam kết mua dài hạn theo quy định”, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Lợi nhuận chỉ còn 1/3

Dù Chính phủ đã kịp thời giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% nhằm giảm bớt khó khăn cho trên 10 vạn thợ mỏ, nhưng năm 2012, do sản xuất giảm sút nên các hộ tiêu thụ trong nước của ngành Than như điện, xi măng, phân bón, hóa chất… đều giảm mua rất nhiều so kế hoạch, than xuất khẩu phải cạnh tranh gay gắt vì cung vượt cầu nên sản lượng và giá cũng giảm mạnh so với năm 2011.

Theo báo cáo, tính chung cả năm, Vinacomin đạt sản lượng sản xuất 44,5 triệu tấn than nguyên khai (101% kế hoạch), 40,4 triệu tấn than sạch (102% kế hoạch), tiêu thụ 39,2 triệu tấn (103% kế hoạch); lượng than tồn kho khoảng 7,251 triệu tấn.

Đối với khoáng sản, Vinacomin sản xuất 44.500 tấn tinh quặng đồng, 7.740 tấn kẽm thỏi, 830 tấn thiếc. Lĩnh vực sản xuất điện, ngành sản xuất 6.300 triệu kWh, đạt 101% kế hoạch, sản xuất kinh doanh vật liệu nổ đạt 57,5 ngàn tấn, cung ứng 99 ngàn tấn thuốc nổ.

Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 95,4 ngàn tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch điều chỉnh và bằng 87% so với 2011, nhưng lợi nhuận đạt 2.500 tỷ đồng, chỉ bằng 30% so với thực hiện năm 2011.     

Mai Hoa

Đọc thêm