Dang dở giấc mơ biển ở Thủy Đầm

(PLO) - Vì miếng cơm manh áo, những ngư dân Khánh Hòa vẫn bao đời mưu sinh ngoài biển khơi. Chuyến đi biển của ngư dân mang về những bữa cơm, kinh tế cho gia đình của họ nhưng những tai nạn biển cũng cướp đi ước mơ chinh phục biển. Đằng sau ánh mắt buồn nhìn biển ầm ào ngày đêm, tiếng thở dài vì bỗng nhiên trở thành gánh nặng cho chính vợ con, những ước mơ bỗng nhiên thành dang dở...
Chị Thu chăm sóc chồng bên võng.
Chị Thu chăm sóc chồng bên võng.

Những giọt nước mắt

Theo chân chị Nguyễn Thị Lanh (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Thủy Đầm, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi về địa phương này khi biết trong số gần 40 hộ ngư dân quanh năm bám biển thì hầu hết gia đình nào cũng có người đã đôi lần tai nạn khi đi biển. 

Chị Lanh nói: “Ở đây, các hộ gia đình có đàn ông con trai, có khi mới là thanh niên cũng đã theo cha chú đi biển đánh bắt hải sản dài ngày. Nếu không đi biển, thanh niên ở đây cũng chẳng có nghề nào khác để làm ra tiền nuôi bản thân và gia đình cả. Thế nhưng, cũng không ít trường hợp mới ra biển lần đầu nhưng đã bị tai nạn rồi chẳng bao giờ đi đâu, làm gì được nữa. Có trường hợp như gia đình anh Phong, cả hai cha con bị tai nạn khi lặn biển, giờ đều nằm một chỗ khiến người phụ nữ trong gia đình đã vất vả lại càng vất vả hơn”.

Gặp chị Nguyễn Thị Thu (SN 1965, ngụ thôn Thủy Đầm, phường Ninh Thủy) khi chị đang chăm sóc chồng là anh Nguyễn Phong (SN 1969), một trong những người bị tai nạn biển tại thôn Thủy Đầm.

Chị tâm sự: “Hai cha con đi biển vào cuối năm 2014. Anh Phong chuyên lặn mò những con ốc tai tượng đem bán lấy tiền vì giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, anh ấy lặn biển tìm hải sâm, tôm hùm vì đó là những hải sản không có mà bán. Khi tàu về đến vùng biển Bình Thuận thì bất ngờ gặp phải gió to làm thuyền chao đảo, anh ấy bị ngã xuống biển”. 

Dừng lại một lát, chị Thu mới bình tĩnh nói tiếp: “Cú ngã bất ngờ nên dù có đi biển lâu năm và lặn giỏi nhưng anh Phong bị nước biển ép làm cho khó thở rồi chìm nghỉm. Mấy người trên thuyền thấy vậy lao xuống cứu nhưng khi đưa lên ngực anh ấy bị phình to, gần như đột quỵ”. 

Do tình thế khẩn cấp, chủ tàu đánh điện cấp cứu cho Trung tâm cứu nạn cứu hộ tại Khánh Hòa. Một chiếc trực thăng khi đó đã được điều động đưa anh Phong vào cấp cứu tại bệnh viện Quân y 87. Dù đã được tận tình cứu chữa nhưng các bác sĩ xác định do sức ép của nước quá lớn, anh Phong bị liệt nửa người, phải chuyển xuống trung tâm phục hồi chức năng Hòn Chồng (TP Nha Trang) mới có hy vọng thêm.

Chưa đầy 1 ngày nghe tin chồng gặp nạn, đứa con trai đầu khi đi biển của hai vợ chồng chị cũng bị tai nạn ở chân. Liên tiếp đón nhận hai tin buồn, chị Thu nói mà như khóc: “Dù người vẫn còn sống là may mắn lắm nhưng cũng từ đó gia đình tôi khó khăn lại càng khó khăn hơn”.

Chị Thu kể, khi anh Phong thường xuyên đi biển, chị chỉ mong sau mỗi chuyến đi anh trở về bình an dù tiền có thể kiếm được ít. “Có lần anh ấy khoe mò được cả chục con ốc tai tượng, loại to bán cho khách được vài triệu đồng. Thế nhưng tôi cũng hiểu đi biển, lại còn làm nghề lặn nơi biển sâu ít có đồ bảo hộ thì rủi ro cao. Vậy nên mỗi lần anh ấy bảo chuẩn bị đi biển, tôi chỉ mong ngày về nhìn thấy anh ấy lành lặn”.

Theo lời chị Thu, điều anh Phong muốn mỗi sáng dậy, ấy là đưa mình ra võng nằm hướng về phía biển để anh ấy nghe được tiếng sóng ầm ào. Với ngư dân chúng tôi, không được đi biển nữa chẳng khác gì đi ra chợ không mang theo tiền”. Cách ví von rất thực của chị Thu khiến người đối diện không khỏi xót xa. Nhìn về phía anh Phong, đôi mắt người đàn ông thẫn thờ nhìn về phía biển, niềm khao khát đi biển nay đã đành bất động một chỗ.

Thôn Thủy Đầm chỉ vẻn vẹn 38 hộ dân nhưng cũng giống như nhiều thôn ngư dân khác, ở nhà chỉ toàn phụ nữ và trẻ em. Đàn ông trai tráng đi biển, chỉ có những người như anh Phong, bị tai nạn hoặc không còn khả năng ra biển mới ở nhà. Chị Lanh nói: “Nhiều hộ gia đình còn khó khăn hơn gia đình anh Phong chị Thu nữa, khi người thân gặp tai nạn biển, gia đình khốn khó, trẻ em phải nghỉ học mà không có cách nào khác”.

Nỗi niềm người mẹ

Đến gia đình bà Trần Thị Liềng (56 tuổi) khi người phụ nữ mái tóc đã bạc quá nửa đang chuẩn bị đi khâu lưới thuê với mức tiền công là 60.000 đồng/ngày. Số tiền ít ỏi có được, đủ cho 4 bà cháu nuôi nhau qua ngày. Thấy có khách lạ vào nhà, cháu Trần Tuyết Ngân (7 tuổi) đứng nép vào bà nội. Nếu không có sự xuất hiện đường đột của chúng tôi, hai bà cháu Ngân đang chuẩn bị đi vá lưới thuê. 

“Lát chị nó về sẽ trông em, chứ tôi không đi làm thì bốn bà cháu chỉ có nhịn đói thôi”, bà Liềng nói. Đoạn, bà Liềng bỏ chiếc áo tơi ngoài bạc màu đắp thêm cho đứa cháu nội khác đang nằm ngủ ngon lành. 

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, con trai bà, anh Trần Văn Xương (SN 1982) bị tai nạn khi đi biển vào ngày 27/1/2015 khi cái Tết Nguyên đán cận kề. 

Bà Liềng kể: “Nó theo tàu ra biển cùng với đám trai làng kiếm ăn. Khi nó lặn quá sâu mò tôm hùm, mấy anh em trên bờ thấy nó giật dây liên tục liền kéo lên thì tay chân co quắp, miệng nói chẳng lên lời vội vàng đưa vào bờ cấp cứu. Bác sĩ bảo do sức ép nước nên cả hai tay hai chân bị liệt. Trước nó là người kiếm tiền chủ yếu của gia đình, lo cho ba đứa con thì bây giờ nằm một chỗ để phục hồi chức năng, tiền thuốc thang vợ nó phải đi vay mượn lo chạy chữa”.

Sau ngày chồng bị tai nạn phải đưa về Trung tâm phục hồi chức năng Hòn Chồng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chạy chữa, chị Thảo vợ anh Xương đành phải để lại 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn và cũng chẳng thể tự kiếm miếng cơm cho mẹ chồng chăm nuôi. Đứa con gái lớn đang học lớp 6 cũng phải cùng bà nội đi vá lưới, làm thuê để phụ giúp gia đình. 

Bà Liềng nói trong nước mắt: “Có lúc còn có việc để làm, chứ vào ngày biển lặng, không có cá, thuyền cũng chẳng ra khơi, chẳng có ai mướn mà làm cả. Những lúc ấy, mấy bà cháu ngồi ôm nhau khóc. Nghĩ các cháu vẫn phải ăn uống, bà Liềng lại đi chạy vạy khắp nơi, ra UBND phường Ninh Thủy xin cứu trợ, sang xã bên cạnh xin thêm việc làm. “Tuổi cao sức yếu, chả làm được bao nhiêu và người ta cũng chẳng muốn thuê nhưng khi biết gia đình hoàn cảnh khó khăn như thế, người ta lại chiếu cố, có khi chẳng muốn tôi làm, biếu tôi vài ba chục về mua gạo nấu cơm cho ba đứa cháu ăn”, bà Liềng nói trong nước mắt.

Hỏi về hỗ trợ của địa phương, chị Lanh cho biết: “Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm hộ gia đình anh Xương bởi đây là hộ nghèo. Nhà trường nơi các cháu theo học tạo điều kiện hết mức, các cháu không phải đóng bất cứ khoản tiền nào cả nhưng việc nghỉ học của hai cháu nhà anh Xương cũng khó tránh được”.

Đọc thêm