Đấu giá cấp tần số sẽ đảm bảo tính khả thi

(PLVN) - Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội (QH) nêu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, chiều 15/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, với quy định mới chi tiết hơn về đấu giá thi tuyển và cấp trực tiếp trong dự thảo Luật, việc cấp tần số sẽ đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình tại phiên họp.

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và Nhà nước; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả công khai, minh bạch tần số vô tuyến điện - tài sản công quốc gia có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh; đảm bảo yêu cầu hội nhập, lợi ích quốc gia, chủ quyền số quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia từng bước phát triển kinh tế số và xã hội số…

Các đại biểu đề nghị rà soát, quy định thêm về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, chế tài xử lý vi phạm trong quản lý, phân bổ, sử dụng các khối băng tần, giới hạn tổng độ rộng băng tần để tránh lãng phí hoặc tích tụ độc quyền tần số không hợp lý.

Về vấn đề cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang), đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai), đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) và một số đại biểu khác đề nghị quy định cụ thể, tách bạch giữa phương thức đấu giá, phương thức thi tuyển và phương thức cấp phép trực tiếp; điều kiện, thẩm quyền quyết định việc áp dụng đối với từng phương thức, làm rõ khái niệm băng tần có giá trị thương mại cao để có căn cứ thực hiện đấu giá, giải pháp để thực hiện việc đấu giá đối tượng, điều kiện tham gia đấu giá.

“Tôi cho rằng các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật này cần phải tạo được sự đột phá so với Luật hiện hành và cần phải quy định rõ ràng trong trường hợp nào áp dụng cấp phép thông qua đấu giá, trong trường hợp nào thông qua thi tuyển. Đồng thời cũng cần phải quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, điều kiện để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo sự cạnh tranh, sử dụng hiệu quả các băng tần quý hiếm và xây dựng thị trường viễn thông phát triển lành mạnh. Mặt khác cũng sẽ tránh được tình trạng luật mang tính luật khung và phụ thuộc nhiều vào nghị định quy định chi tiết do Chính phủ hay thông tư do Bộ chuyên ngành ban hành”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nêu quan điểm.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu tại phiên họp, về các phương thức cấp phép quyền sử dụng tần số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định đấu giá tần số có giá trị thương mại cao với mục tiêu chính là tài chính; thi tuyển khi Chính phủ có đa mục tiêu, như khuyến khích công nghệ mới, phủ sóng rộng, vùng sâu, vùng xa, phủ sóng nhanh hoặc khuyến khích cạnh tranh; cấp trực tiếp đối với các tần số không có giá trị thương mại cao hoặc khi cấp lại, cấp thử nghiệm hoặc khi đấu giá, thi tuyển không khả thi.

Giải trình về lý do 13 năm qua chưa tổ chức đấu giá tần số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện bắt đầu có hiệu lực, năm 2012 ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đấu giá, năm 2014 ban hành quyết định của Thủ tướng về các băng tần mang ra đấu giá, năm 2016 Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá để triển khai.

Tuy nhiên, năm 2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, theo đó quy định mức thu và phương thức thu phải là nghị định của Chính phủ.

Bởi vậy, tiến trình bị dừng lại để làm nghị định. Đến cuối năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định về đấu giá tần số và hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai các bước tiếp theo.

“Trong khi chưa đấu giá được tần số 4G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng tần số 2G sang làm 3G và tần số 3G để làm 4G và thử nghiệm thương mại 5G tại một số trung tâm lớn. Hiện nay, tốc độ di động của Việt Nam vẫn được xếp hạng ở mức khá cao là 53/193 quốc gia. Với quy định mới chi tiết hơn về đấu giá thi tuyển và cấp trực tiếp trong dự thảo luật thì việc cấp tần số sẽ đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Về điều kiện tham gia đấu giá, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Luật Viễn thông, Luật Đầu tư và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã quy định kinh doanh viễn thông là kinh doanh có điều kiện.

“Nhà đầu tư nước ngoài tham gia thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và giới hạn tỷ lệ góp vốn không vượt quá 49%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Đọc thêm