Đấu giá cổ phần Vietnam Airlines: 22.300 đồng/cổ phiếu - đắt hay rẻ?

(PLO) - Hôm nay (14/11), thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của “ông lớn” Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. 
Giá bình quân trúng đấu giá Vietnam Airlines hôm nay được cho là chỉ xoay quanh mức giá khởi điểm
Theo thông tin được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố, tổng số lượng cổ phần được các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá đã đạt 49,3 triệu cổ phần, tương đương 101% cổ phần mà Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) dự kiến chào bán. Mức giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phiếu của VNA sẽ được thị trường đánh giá như thế nào?
Góc độ hàng không: Hiệu quả kém
Dưới góc độ hàng không, trao đổi với PLVN, một chuyên gia cho biết hiện không nhiều hãng hàng không trong khu vực niêm yết trên thị trường chứng khoán và trong số các hãng niêm yết thì cũng không có hãng nào có quy mô tương tự VNA nên cũng rất khó để trả lời câu hỏi mức giá hơn 1 USD/cổ phiếu của VNA là cao hay thấp. Tuy nhiên, vị này lưu ý, thường thì cổ phiếu hàng không không tăng trưởng nóng như đối với một số lĩnh vực khác, do đó đầu tư vào hàng không đa phần là các cổ đông lớn với kỳ vọng trung và dài hạn. 
Đánh giá một cách tương đối, vị này cho rằng dù VNA có một số lợi thế, đặc biệt là việc chiếm thị phần chi phối trên thị trường hàng không Việt Nam, song so sánh với các hãng hàng không khác ở châu Á thì quy mô doanh thu cũng còn khá nhỏ và hiệu quả cũng ở mức thấp. 
Quả thực, ngay như năm 2014 này, VNA đặt kế hoạch khiêm tốn là doanh thu 55.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 335 tỷ, lần lượt tăng 6,4% và 127% so với 2013. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt khoảng 108 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận 335 tỷ đồng sẽ khó đạt được dù 6 tháng cuối năm VNA có thuận lợi khi giá nhiên liệu giảm. 
Mặc dù vậy, cũng cần nhìn nhận những điểm cộng của Hãng Hàng không quốc gia. Hiện thị trường hàng không nội địa đang được khai thác bởi 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific (Cty con của VNA) và Vietjet Air, số liệu gần nhất cho thấy năm 2013 VNA chiếm 63% thị phần. Ngoài ra, VNA cũng đang là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất đối với mạng đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam. Đặc biệt về triển vọng, trong kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2014 – 2018, VNA đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh, đến 83,8%/năm đến từ 2 yếu tố là doanh thu tăng bình quân 16,7%/năm và biên lợi nhuận sẽ cải thiện từ 10,93% năm 2014 lên mức 14,13% năm 2018.
Cơ sở để VNA đưa ra kế hoạch tăng trưởng khả quan này chủ yếu dựa trên kế hoạch đổi mới đội bay hiện nay sang máy bay thân rộng thế hệ mới A350-900 và B787- 9 để nâng cấp chất lượng dịch vụ và giúp giảm tiêu hao nhiên liệu khoảng 25%, chưa kể chi phí bảo trì, bảo dưỡng… Hiện so với các hãng hàng không trong khu vực, dù số lượng đội tàu bay của VNA ở mức trung bình (83 chiếc), tuy nhiên độ tuổi đội tàu bay lại khá trẻ (5,34), đây cũng là một lợi thế.  
Góc độ chứng khoán: Không hấp dẫn
Tại mức giá khởi điểm, chỉ số P/B (giá cổ phiếu/giá trị ghi sổ) của VNA được tính toán là 1,97; chỉ số P/E (thị giá cổ phiếu/thu nhập) là 78,52. Trong khi đó, hai chỉ số này tính trung bình của các hãng hàng không trong khu vực lần lượt là 8,75 và 68,61. Như vậy, chỉ số P/E của VNA khá cao, tuy nhiên P/B lại thấp hơn so với bình quân của khu vực. 
Theo công bố của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, tổng số lượng cổ phiếu đăng ký mua vào của toàn bộ 1.608 nhà đầu tư là 49,36 triệu cổ phiếu, chỉ nhỉnh hơn một chút so với số lượng cổ phần chào bán, trong đó có 2 nhà đầu tư trong nước đăng ký mua tới 48,32 triệu cổ phần, tương đương 98,6% số lượng cổ phần đấu giá. Trong khi đó, không có nhà đầu tư nước ngoài nào đăng ký mua cổ phần lần này của VNA.
Sau IPO, Nhà nước vẫn nắm giữ tới 75% cổ phần VNA, tỷ lệ chào bán công khai quá thấp, chỉ tương đương 3,5% vốn điều lệ, đồng thời chưa có khung thời gian cụ thể của việc niêm yết cổ phiếu cũng là lý do cần cân nhắc. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán tin rằng, giá bình quân trúng đấu giá ngày hôm nay cũng chỉ xoay quanh mức giá khởi điểm mà thôi.
Trò chuyện với PLVN, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Khối Phân tích, Cty Chứng khoán Bảo Việt nhận định: “Chúng tôi đánh giá cổ phiếu VNA sẽ là một khoản đầu tư phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn khoảng 3 – 5 năm. 
Một điểm cũng cần lưu ý với cổ phiếu của công ty là tỷ lệ sở hữu nhà nước sau cổ phần hóa vẫn còn khá cao (đến năm 2018,Nhà nước vẫn giữ 65%) và số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng cũng ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của cổ phiếu”. 

Đọc thêm