Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: Bảo đảm tính khả thi của quy định

(PLVN) - Đây là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện diễn ra chiều nay - 3/6.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.

Trình bày tờ trình dự án Luật tại phiên họp sáng 3/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển để làm rõ việc có thể đấu giá, thi tuyển đối với băng tần có giá trị thương mại cao; kênh tần số có giá trị thương mại cao nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện.

“Trong đó ưu tiên đấu giá, chỉ thi tuyển khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có yếu tố mới thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho hay, về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với việc dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định về ba phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, bao gồm cấp trực tiếp, đấu giá, thi tuyển của Luật hiện hành.

Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp.

Về phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình lý do trong 13 năm qua không thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành; đồng thời nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm tính khả thi của việc sửa đổi, bổ sung các quy định này trong dự thảo Luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện thời gian vừa qua…

Phát biểu tại phiên họp tổ về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị quy định rõ các trường hợp áp dụng phương thức đấu giá, các trường hợp áp dụng phương thức thi tuyển khi cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

Cùng với đó, Bộ trưởng Tư pháp cũng đề nghị bổ sung quy định về các tiêu chí, điều kiện của các băng tần hoặc tần số được đấu giá hoặc thi tuyển.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị rà soát lại quy định về cấp giấy phép sử dụng băng tần trong dự thảo luật để đảm bảo phù hợp với quy định về các hành vi vi phạm tại Điều 21 và Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

“Có 1 số hành vi và chế tài không khớp, sau này sẽ không tổ chức thực hiện được”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.

Liên quan đến quy định “Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện”, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, nội dung này chưa rõ, “có phần chưa phù hợp với Luật Đấu giá tài sản”.

“Đề nghị chỉnh lý điều khoản này theo hướng quy định: Chính phủ quy định chi tiết về việc xác định tổ chức đủ điều kiện được tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, xác định giá khởi điểm và xử lý tình huống đấu giá không thành”, Bộ trưởng Lê Thành Long kiến nghị.

Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cũng đề nghị rà soát, quy định rõ ràng, cụ thể về việc xác định băng tần có giá trị thương mại cao; làm rõ các trường hợp áp dụng đấu giá, trường hợp áp dụng thi tuyển khi cấp giấy phép sử dụng.

Theo đại biểu, qua khảo sát thực tế, đa số các doanh nghiệp đều đề xuất áp dụng hình thức thi tuyển, thay vì đấu giá. Bên cạnh đó, luật hiện hành đã thực thi được hơn 13 năm nhưng đến nay chưa có trường hợp nào thực hiện được đấu giá.

“Tuy nhiên, trong luật lại đề xuất chủ yếu áp dụng phương thức đấu giá. Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định đấu giá có phù hợp với thực tiễn hay không”, đại biểu nói. Đại biểu nhấn mạnh, dù lựa chọn phương thức nào cũng đều phải đảm bảo giảm lãng phí tài nguyên vì đây là tài nguyên quốc gia.

Đọc thêm