Dấu hiệu ung thư tuyến nước bọt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ung thư tuyến nước bọt là loại khối u hiếm gặp có trong tuyến nước bọt tại khoang miệng, bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Trên thực tế, nhiều người bệnh chủ quan không điều trị đến khi khối u to lên mới đi khám thì đã muộn.
Hình ảnh giải phẫu tuyến nước bọt. Ảnh: BVCC
Hình ảnh giải phẫu tuyến nước bọt. Ảnh: BVCC

Theo BS Đinh Hữu Tâm - Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện TWQĐ 108, ung thư tuyến nước bọt không giống như các ung thư của vùng đầu mặt cổ khác gây ra bởi các tác nhân ung thư đã biết như: thuốc lá, rượu và HPV.

Nguyên nhân của ung thư tuyến nước bọt hầu như không rõ ràng, tiếp xúc với bức xạ, chẳng hạn như xạ trị liều thấp, nhiều lần chụp Xquang nha khoa… là yếu tố thường được nghi ngờ nhất đến sự phát triển của khối u tuyến nước bọt.

Virus Epstein Barr liên quan đến ung thư biểu mô dạng lympho biểu mô. Các yếu tố khác có thể có liên quan bao gồm có phơi nhiễm tại nơi làm việc (niken, cao su, silica), chế độ ăn uống, tuổi tác, di truyền. Ngoài ra, khoảng 2% các khối u tuyến đa hình lành tính có thể chuyển dạng thành ác tính.

Theo bác sĩ Tâm, phần lớn ung thư tuyến nước bọt phát sinh từ tuyến nước bọt mang tai và dưới hàm, biểu hiện bằng khối sưng phồng trong tuyến nước bọt.

Ung thư tuyến mang tai, thường đau, mất cảm giác hoặc khó mở hàm.

Triệu chứng nghi ngờ ung thư gồm u phát triển nhanh, liệt thần kinh mặt, u di động kém, hach bạch huyết sưng to.

Ung thư tuyến nước bọt dưới hàm: Thường biểu hiện một khối ở trước cổ không đau, nếu đau thường là tổn thương viêm. Các dấu hiệu ít phổ biến hơn như: ít di động, xâm lấn da, liệt thần kinh mặt, hạch sưng to.

Ung thư tuyến nước bọt dưới lưỡi, thường biểu hiện bằng một khối ở sàn miệng.

Các khối u tuyến nước bọt phụ thường biểu hiện dưới dạng một khối u dưới niêm mạc không loét, không đau của khoang miệng, điển hình ở khẩu cái cứng hoặc mềm.

Chia sẻ thêm về phương pháp điều trị, bác sĩ Tâm cho biết: “Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u hiện nay là phương pháp điều trị chính của ung thư tuyến nước bọt. Phẫu thuật tái tạo bao gồm: thần kinh, da, xương, mô mềm… có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật nhằm đảm bảo chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân. Xạ trị bổ trợ được chỉ định cho các bênh nhân giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn cuối. Một số bệnh nhân mắc ung thư tuyến nước bọt phụ, xạ trị có thể được cân nhắc là phương pháp điều trị ban đầu”.

Đọc thêm