Đấu thầu vận hành xử lý nước thải ở TP HCM: Triệt tiêu lương “khủng” cho lãnh đạo

(PLO) - Thời gian qua, lãnh đạo TP HCM đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức đấu thầu quyền quản lý và vận hành các dịch vụ công ích trên địa bàn, trong đó mới nhất là đấu thầu quyền quản lý, vận hành nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng và Trạm bơm Đồng Diều (trực thuộc Công ty thoát nước đô thị TP HCM)
Quyền quản lý, vận hành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được đấu thầu không chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn triệt tiêu lương “khủng’ của lãnh đạo doanh nghiệp
Quyền quản lý, vận hành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được đấu thầu không chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn triệt tiêu lương “khủng’ của lãnh đạo doanh nghiệp

Việc làm này không những mang lại sự minh bạch, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước mà còn là biện pháp triệt tiêu chuyện lương “khủng” từng xảy ra ở doanh nghiệp này.

Lương “sếp” gấp 41 lần lương “lính”

Dư luận chưa quên chuyện lãnh đạo một số doanh nghiệp hoạt động công ích của TP. HCM có thu nhập khủng. Cụ thể, những tưởng doanh nghiệp công ích lấy phục vụ xã hội là chính, lợi nhuận là thứ yếu nên thu nhập cũng chưa từng được xếp vào diện “soi xét”.

Nhưng khi mức lương lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm của lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM (Cty Thoát nước đô thị, Cty Chiếu sáng công cộng TPHCM, Cty Công trình giao thông Sài Gòn, Cty Công viên cây xanh) được công khai đã khiến nhiều người giật mình bởi so với mức lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố (hơn 7,3 triệu đồng/tháng) thì lương bình quân của người lao động tại 4 doanh nghiệp công ích cao gấp 4 lần (hơn 22,2 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên, mức lương cao ngất ngưỡng đó chỉ dành cho những lao động thường xuyên của các doanh nghiệp trên, còn những lao động thời vụ, những người trực tiếp làm công việc nặng nhọc tại các doanh nghiệp công ích này như chặt cây, thông cống, bảo trì đường dây điện, đào đường… lại được trả mức lương vô cùng khiêm tốn.

Ví như lương của Giám đốc Cty thoát nước đô thị (đơn vị quản lý nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng và Trạm bơm Đồng Diều) lên đến 2,6 tỷ đồng/năm và cao gấp 41 lần so với những công nhân trực tiếp làm những công việc nặng nhọc. Cụ thể, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 tại công ty này là 5,4 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 20% lương lao động thường xuyên (25,6 triệu đồng/tháng), và chưa bằng 5% lương viên chức quản lý (111,2 triệu đồng/tháng).

Còn so sánh lương của lao động thời vụ với lương của giám đốc doanh nghiệp công ích này chỉ khiến người lao động ngậm ngùi, tủi phận. 

Liên quan đến chuyện lương khủng này, báo chí từng cho hay ông Lê Mạnh Hà khi còn là Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ ra rất rõ rằng: Cty Thoát nước đô thị bất chấp Luật Lao động mà ký hợp đồng lao động thời vụ đối với 163 người lao động thường xuyên và ký hợp đồng có thời hạn đối với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn. Nếu tính sơ sơ thì chỉ riêng hơn 500 trường hợp sai phạm này, với mức lương chênh lệch đến 20 triệu đồng/người/tháng giữa lao động thường xuyên và lao động thời vụ thì quỹ lương doanh nghiệp cũng “tiết kiệm” được 10 tỷ đồng/tháng để “bù” cho lương, thưởng của các viên chức quản lý.

Ông Hà cũng yêu cầu cty trên báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập cao bất thường của viên chức quản lý, mức lương bình quân cao hơn nhiều so với bình quân chung và trả lương bất bình đẳng trong nội bộ doanh nghiệp; không phân biệt đối xử đối với những người lao động trong công ty.

Triệt tiêu lương “khủng” thông qua đấu thầu

Phải thừa nhận rằng, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP HCM đã có sự chỉ đạo quyết liệt vấn đề liên quan đến lương “khủng” của các lãnh đạo doanh nghiệp công ích thành phố với nhiều biện pháp được đưa ra, trong đó phải kể đến quyết định đưa ra đấu thầu quyền quản lý, vận hành một số công trình, công việc như tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ quét, thu gom chất thải rắn trên đường phố và thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các điểm hẹn về trạm trung chuyển, nhà máy xử lý và từ trạm trung chuyển về nhà máy xử lý; ưu tiên triển khai đấu thầu trong năm 2017 đối với các quận, huyện đã được phân cấp quản lý công tác này và mới đây nhất là đấu thầu quyền quản lý, vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng và trạm bơm Đồng Diều do Xí nghiệp Xử lý nước thải Bình Hưng (thuộc Cty Thoát nước đô thị TP HCM) quản lý.

Được biết nhà máy này có công suất giai đoạn 1 là 141.000 m3/ngày đêm, được UBND TP HCM giao cho Xí nghiệp Xử lý nước thải Bình Hưng quản lý, vận hành, bảo dưỡng từ năm 2009. Với mục tiêu xã hội hóa nhằm tiết kiệm ngân sách thông qua giảm chi phí trong quản lý, vận hành nhà máy, tháng 12/2016, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập được giao phát hành hồ sơ mời thầu và Cty Thoát nước đô thị TP HCM cũng tham dự thầu.

Phải nói rằng, việc đưa ra đấu thầu quyền quản lý, vận hành nhà máy là quyết định đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ cũng như TP Hồ Chí Minh và hợp lòng dân. Bởi lẽ, chỉ có đấu thầu mới công khai và minh bạch được phí quản lý, vận hành và đặc biệt là tiết giảm được ngân sách nhà nước bỏ ra cho dịch vụ công ích.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Ban Chính sách dịch vụ công (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), tính đến thời điểm hiện tại tổng chi phí của nhà nước cho các dịch vụ công là rất lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như Hà Nội năm 2016 chi 4.529 tỷ đồng; Đà Nẵng chi 457 tỷ đồng; Bắc Ninh chi 143 tỷ đồng…Theo TS Hải, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 130/NĐ-CP nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả, tính minh bạch, cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ công ích nhưng cho đến nay hiệu quả còn nhiều hạn chế. 

Còn TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia từng nhiều năm công tác tại Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội từng thẳng thắn, chủ trương đấu thầu dịch vụ công ích là đúng đắn. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệp công ích đang cung cấp dịch vụ này với giá quá đắt. Nguyên nhân có thể là do họ làm thủ công, chưa ứng dụng máy móc công nghệ nhằm tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất. Thêm vào đó, do được đặt hàng theo phương thức giao kế hoạch và chỉ giao trong một nhóm nhỏ doanh nghiệp nên chưa có cạnh tranh để giảm chi phí.  

Về vấn đề này, TS Hải khẳng định, thực tế đã chứng minh, việc tăng cường đấu thầu, minh bạch trong cung cấp dịch vụ công ích sẽ vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ. Ví dụ như tại huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), tỷ lệ tiết kiệm từ đấu thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ công ích của đơn vị này luôn đạt trên 60% trong năm 2016.

Tại quận Tân Phú, Bình Tân (TPHCM), công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện qua đấu thầu mang lại hiệu quả tích cực. Tại quận Bình Tân, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 48%; tại Tân Phú tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 11%… Tại Hà Nội, những dịch vụ được triển khai qua đấu thầu cũng tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách…

Thẳng thắn hơn, một chuyên gia kinh tế cho rằng hiệu quả của dịch vụ công ích do doanh nghiệp nhà nước quản lý, vận hành thời gian qua là “không đáng đồng tiền bát gạo” bởi thiết bị lạc hậu, công tác quản lý thiếu khoa học và đặc biệt là tâm lý ỷ lại đơn đặt hàng theo kế hoạch của nhà nước.

Có thể thấy, mặc dù còn nhiều ý kiến nhưng trong việc đấu thầu các dịch vụ, quản lý liên quan đến hoạt động công ích là điều cần phải làm nhằm minh bạch các nguồn thu chi, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. 

Tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nhấn mạnh: Đẩy mạnh xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; khắc phục tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức. 

Đọc thêm