Cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch
Tự do trong việc tiếp cận thông tin không chỉ là công cụ, phương tiện thiết yếu để mọi người dân có thể bày tỏ chính kiến và tham gia quản lý, giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, mà còn giúp các cán bộ, cơ quan quản lý nâng cao tính trách nhiệm trước nhân dân.
Bởi vậy, một trong những điểm mới, nổi bật được đề cập tại Luật Báo chí năm 2016 là đưa ra các quy định để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.
Theo đó, ngoài quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, công dân còn có quyền phản hồi thông tin trên báo chí; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội...
Ngoài ra, để tạo cơ sở thuận lợi cho người dân trong tiếp cận thông tin, Luật Tiếp cận thông tin 2016 một lần nữa nhấn mạnh: việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng...
Với những đối tượng yếu thế, Đảng và Nhà nước ta cũng có những quy định riêng để họ không bị thiệt thòi trong việc tiếp cận thông tin.
Theo Nghị định 13/2018/NĐ-CP (ngày 23/1/2018) của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin: Các cơ quan chức năng phải có các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Đối với thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức cung cấp thông tin thuận lợi cho người khuyết tật; tạo điều kiện cho người yêu cầu cung cấp thông tin sử dụng các thiết bị nghe, nhìn, các thiết bị phụ trợ và các phương tiện kỹ thuật khác của cá nhân để tiếp cận thông tin theo yêu cầu…
Cùng với việc tiếp cận thông tin truyền thống, các loại hình truyền thông trên internet cũng đang phát triển một cách nhanh chóng tại Việt Nam. Sau hơn 20 năm Internet có mặt (từ năm 1997), với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới.
“Điều đó cho thấy sự cởi mở, năng động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập cùng thế giới số”- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã khẳng định như vậy.
Bên cạnh việc được đảm bảo quyền tự do tiếp cận thông tin, người dân còn được pháp luật bảo vệ trước những mặt trái từ mạng internet- đặc biệt là với trẻ em. Quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được đánh giá là một trong những quy định rất nhân văn.
Cụ thể, trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet…có trách nhiệm kiểm soát nội dung, ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em…(Điều 29 Luật An ninh mạng 2018).
Tự do trong khuôn khổ pháp luật
Bất chấp những thành tựu trên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch về tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Những thế lực chống phá cố tình lảng tránh một nguyên tắc hiển nhiên và bất di bất dịch: mọi công dân đều bình đẳng đối với quyền tự do ngôn luận và thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình trước xã hội, nhưng sự tự do đó phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, không được xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân khác.
“Theo tôi, người sử dụng mạng xã hội nếu tự cho rằng họ có quyền phản ánh, truyền tải bất kỳ thông tin gì với bất kỳ nội dung gì trên trang cá nhân của họ thì đó là quan niệm không đúng, cần phải xem xét lại”- Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Đa Phúc nhận định.
Đồng quan điểm này, TS. Ngọ Văn Nhân, Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa Lý luận- Chính trị, Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định: thông tin cho rằng Việt Nam không có tự do internet là hoàn toàn không đúng, nếu không muốn nói đây là luận điệu xuyên tạc. Bởi tất cả mọi người đều có thể tự do truy cập internet mà không bị cấm đoán, hạn chế bởi cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào.
Các thế lực thù địch dựa vào Luật An ninh mạng đã cố tình xuyên tạc Nhà nước ta ban hành Luật này là để cấm đoán, hạn chế quyền tự do tiếp cận internet của người dân. Thực tế, Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đồng thời quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật...
“Với những kết quả thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về bảo đảm nhân quyền nói chung, về tốc độ phát triển internet nói riêng thì không thể nói ở Việt Nam không có tự do internet”- TS Nhân nhấn mạnh.
Ông cũng kiến nghị, việc nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân vừa để định hướng hành vi pháp luật đúng đắn cho nhân dân, vừa là đòn đáp trả hùng hồn những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
“Cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch về nhân quyền nói chung, về tự do tiếp cận thông tin nói riêng không ở đâu xa, mà phải được thực hiện ngay trong từng cộng đồng phố phường, làng xã, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và bắt đầu từ cá nhân mỗi con người cụ thể. Yêu cầu đặt ra là phải có các giải pháp thiết thực, cụ thể, khả thi, gắn với trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...”- TS.Ngọ Văn Nhân nói.