Đấu tranh những luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam: (Kỳ 1) Quyền con người là động lực của sự phát triển

(PLVN) - Kể từ khi thành lập cho đến nay, các quan điểm, chủ trương của Đảng luôn nhất quán trong việc bảo đảm quyền con người, xem quyền con người là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN); là lý tưởng, mục tiêu, động lực của sự phát triển. Thế nhưng, không ít đối tượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam luôn tìm mọi cách xuyên tạc, tung ra những thông tin phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại nước ta.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một trong những mục tiêu kiên định của Đảng và Chính phủ ta là thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, qua đó tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm tốt hơn những giá trị quyền con người, quyền công dân.

 Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người

Từ khi bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (1946), Đảng và Nhà nước ta đã đặt quyền con người ở vị trí trang trọng, đó là bình đẳng giới; xóa bỏ nạn bạo hành gia đình; xóa đói giảm nghèo cùng cực; cung cấp nước sạch; bảo vệ môi trường…

Các bản Hiến pháp tiếp theo cũng không ngừng mở rộng thêm các quyền con người. Điều 141 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật”. 

Trước đó, Văn kiện về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 do Đại hội XI của Đảng ta ban hành cũng nhấn mạnh: Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện.

Như vậy, suốt thời kỳ cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc XHCN, cho đến thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế, Đảng luôn nhất quán và kiên định với chính sách vì sự giải phóng toàn diện con người, hiện thực hóa đầy đủ các quyền con người cho tất cả mọi người, mà trước hết là giai cấp công nông.

Đảng đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện chính sách ấy trong các văn kiện Đại hội Đảng. Đồng thời, Nhà nước ta luôn ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ, trách nhiệm và tận tâm đối với các cam kết, nghĩa vụ quốc tế về quyền con người được thể hiện trong các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. 

Tuy nhiên, với âm mưu và thủ đoạn thâm độc, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, vấn đề nhân quyền luôn được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội hòng làm lung lạc niềm tin của người dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng.

Chúng rêu rao “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để từ đó kêu gọi cộng đồng quốc tế “có quyền tiến công vào bên trong lãnh thổ một quốc gia dân tộc để bảo vệ nhân quyền”. Việc làm này không những vi phạm một cách trắng trợn độc lập, chủ quyền của các quốc gia, dân tộc có chủ quyền mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền sống và quyền tự do của con người.  

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch cũng luôn tìm mọi cách nhằm truyền bá tư tưởng cực đoan, xuyên tạc, cho rằng “quyền con người là tuyệt đối”, không bị giới hạn bởi bất kỳ quy định nào của pháp luật, rồi nhân cớ đó nhằm kích động những hành vi gây rối và vi phạm pháp luật ở nước ta. 

Xử nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật 

Đầu năm nay (17/1/2019), Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đã ra “Phúc trình năm 2019”; trong phần về Việt Nam, báo cáo này vu khống: “Tình hình nhân quyền Việt Nam xuống cấp nghiêm trọng”, “Chính phủ Việt Nam đã đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền một cách hệ thống…”.

Đặc biệt, mỗi khi Việt Nam đưa ra xét xử công khai những phần tử cực đoan, chống đối Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch thường dựa vào đây để vu cáo Việt Nam “đang đối xử vô nhân đạo với các tù nhân lương tâm”. 

Điển hình là vào ngày 5/4/2018, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 6 bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Các bị cáo này đã lợi dụng việc đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền” để che giấu mục đích hoạt động của “Hội anh em dân chủ”; liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước, tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính từ nước ngoài, tuyên truyền chống Nhà nước…Trong khi Tòa án đang xét xử thì nhiều tổ chức, cá nhân có tư tưởng cực đoan ở trong nước và nước ngoài đã ký tên đòi “trả tự do cho các tù nhân lương tâm”.

Phản bác những luận điệu xuyên tạc này, ngay tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 5/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, càng không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ.

Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật. “Tôi xin khẳng định, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi”- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Quan điểm này một lần nữa khẳng định rằng, việc đảm bảo tối đa quyền con người thuộc về bản chất chế độ XHCN, là mục tiêu hướng tới của Nhà nước của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, việc đảm bảo quyền con người ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Nền độc lập dân tộc được giữ vững, người dân ngày càng hạnh phúc.

Trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc bảo đảm quyền con người ở nước ta không ngừng được nâng cao, thể hiện ở những chỉ số quan trọng như: chỉ số phát triển con người, chỉ số phát triển giới, chỉ số bất bình đẳng phân phối thu nhập giữa cá nhân trong một nền kinh tế… không ngừng được cải thiện.

Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm đến việc đổi mới công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh cải cách tư pháp; kiến tạo môi trường thuận lợi để mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên...

(còn nữa)

Đọc thêm