“Đấu trường” thương hiệu quốc gia!

(PLVN) - Với cách chấm điểm mới của Hội đồng bình chọn thương hiệu quốc gia năm nay, không ít doanh nghiệp có thương hiệu mạnh đã bị “rớt”. Nhưng “sân chơi” này lại ghi nhận sự tham gia lần đầu của một số thương hiệu hoàn toàn mới thuộc nhiều lĩnh vực.  
Kỳ này, có 8 DN nằm ngoài danh sách bình chọn, dù đã được công nhận thương hiệu quốc gia các năm trước.
Kỳ này, có 8 DN nằm ngoài danh sách bình chọn, dù đã được công nhận thương hiệu quốc gia các năm trước.  

Tiêu chí chặt chẽ

Hội đồng Thương hiệu Quốc gia (THQG) vừa chính thức công bố kỳ xét chọn THQG năm 2020 có 124 doanh nghiệp (DN) với 283 sản phẩm đạt THQG. Theo số liệu công bố, 124 DN này có tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 471 nghìn lao động.

Đáng chú ý, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng DN nộp hồ sơ tham dự THQG vẫn tăng 27 đơn vị và số lượng sản phẩm đạt THQG tăng hơn 30 sản phẩm - số lượng tăng cao nhất trong 7 lần xét chọn. Đặc biệt, 17 DN  có 7 lần liên tục đạt THQG kể từ năm đầu tiên xét chọn.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những điểm sáng trong việc xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm nay là thu hút được một số thương hiệu có tiếng trên thị trường lần đầu đăng ký tham gia như VnPay, Xuân Hòa, Mobifone, BRG, Cholimex, Dược Nam Hà…

Ngoài ra có những dịch vụ còn mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm... cũng được đăng ký xét chọn, cho thấy nhận thức về xây dựng thương hiệu đã được nâng cao. 

Tuy nhiên, do năm nay có một số tiêu chí mới nên một số DN có thương hiệu mạnh đã “rớt” kỳ xét chọn lần này. Theo ông Phú, các thương hiệu lớn “rớt” là do không đạt đủ điểm 650 theo quy định. Trong đó, đáng chú ý có 8 DN đã được công nhận THQG các năm trước đây. 

Trong số những DN nộp hồ sơ tham gia THQG 2020, Công ty CP Thịnh Phát là một trường hợp đặc biệt. Bởi đây là DN đã 6 lần đạt THQG (năm 2020 là lần thứ bình xét thứ 7) thế nhưng năm nay, DN này đã trở thành công ty nước ngoài khi 100% cố phần do người Thái Lan nắm giữ. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau khi nhận được hồ sơ tham gia của Thịnh Phát, Hội đồng bình chọn THQG đã có văn bản xin ý kiến về trường hợp này. Các ý kiến hồi đáp đều cho rằng, do đây là chương trình tôn vinh thương hiệu Việt nên với những DN có sở hữu trên 50% vốn của nước ngoài sẽ không xét bình chọn trong thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, một số DN “rớt” còn do chưa đáp ứng được tiêu chí về sở hữu trí tuệ (SHTT). Ông Lê Ngọc Lâm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sản phẩm đăng ký xét chọn bắt buộc đăng ký quyền SHTT và phần lớn hồ sơ sau khi đã sàng lọc đều đã được đăng ký văn bằng bảo hộ, đang có hiệu lực. Tuy nhiên, các DN không chú trọng đăng ký SHTT cho những sáng kiến để giữ bí quyết kỹ thuật hoặc bí mật kinh doanh. 

Thương hiệu quốc gia không phải là giải thưởng

Cứ sau 2 năm sở hữu THQG, Ban Thư ký chương trình đều có khảo sát về doanh số, độ nhận biết thương hiệu của các sản phẩm đạt THQG. Ví dụ, đợt khảo sát kỳ THQG gần đây nhất (các sản phẩm, DN công bố năm 2018) cho thấy, 97 DN đạt THQG 2018 đã có nhiều chuyển biến.

Cụ thể, năm 2018, tổng doanh thu của 97 DN đạt 905 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 85 nghìn tỷ đồng, tạo công việc cho hơn 340 nghìn. Đến năm 2019, tổng doanh thu này tăng lên 975 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách Nhà nước 197 nghìn tỷ đồng, tạo công việc cho hơn 340 nghìn lao động. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, THQG không phải là một giải thưởng mà là chương trình khởi đầu để DN trở thành đối tác của chương trình, chính thức đánh dấu việc Chính phủ đứng ra bảo trợ cho DN, cùng DN xây dựng thương hiệu của chính mình. Bởi khi thương hiệu DN lớn mạnh cũng sẽ góp phần cho thương hiệu Việt Nam được nâng cao. 

Khi chính thức được công bố đạt THQG, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đồng hành cùng DN tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng, quảng bá thương hiệu. Ông Phú tin rằng, với mức độ hỗ trợ đồng hành và nhận thức ngày càng cao của DN, đến năm 2030 hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 1.000 DN đạt THQG. 

Ông Nguyễn Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty CP dinh dưỡng Nutricare cho rằng, Nhà nước chỉ giúp đỡ một phần nào đó trong chuỗi xây dựng thương hiệu và thực sự thì DN vẫn phải tự làm trong việc xây dựng thương hiệu cho mình nhưng để cạnh tranh trong thời đại hàng hóa vô cùng đa dạng như hiện nay thì DN cần một thủ lĩnh dẫn dắt trong quá trình xây dựng thương hiệu, đặc biệt khi mong muốn đưa thương hiệu vượt biên giới quốc gia.

Đọc thêm