Giai đoạn hiện nay là thời cơ?
Thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua 10 năm thăng trầm với nhiều khó khăn và cũng không ít thành tựu, từ giai đoạn đóng băng năm 2012-2013 đến phục hồi và thăng hoa trong giai đoạn 2017-2019 và chững lại trong 2019 - 2020 với những ảnh hưởng khó lường từ Covid-19.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, thị trường cũng chứng kiến những điểm sáng tích cực đến từ nỗ lực thúc đẩy đầu tư công, các chính sách tháo gỡ pháp lý, tình hình kiểm soát dịch tích cực và trên hết là nguồn cầu dồi dào đến từ một trong những thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất trong khu vực.
Theo khảo sát do một đơn vị truyền thông uy tín thực hiện trung tuần tháng 8, bất chấp thách thức từ Covid-19, bất động sản vẫn là kênh đầu tư dẫn đầu với 38% lượt bình chọn (tương đương gần 42.900 phiếu bầu tính đến 17/8). Các kênh đầu tư được ưu tiên sau đó lần lượt là gửi tiết kiệm (27%), chứng khoán (12%), vàng (17%) và cuối cùng là USD (6%).
Trong các giai đoạn trước, giá bất động sản có thể tăng giảm đan xen trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn luôn tăng mạnh theo thời gian, đặc biệt tại các mốc “lập đỉnh” như 1994, 2001, 2008, 2014.
Chu kỳ mới của thị trường (2021- 2030) không nằm ngoài xu hướng này, nhưng câu hỏi đặt ra là sự tăng giảm sẽ diễn ra ra sao, tại những khu vực nào, và những phân khúc nào?
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big Group và Lộc Sơn Hà cho rằng, thực tế những con số thống kê về hoạt động của thị trường bất động sản hiện nay chủ yếu từ chủ đầu tư, tức là nguồn sơ cấp, trong khi thị trường thứ cấp với mua đi bán lại vẫn sôi động.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big Group - Lộc Sơn Hà Land |
Cho nên khủng hoảng của thị trường bất động sản ở đây vẫn là do nguồn cung, không phải chủ đầu tư nào cũng có dự án tốt để bán ra thị trường, nhưng nếu có dự án tốt, pháp lý rõ ràng khả năng hấp thụ vẫn cao. Theo đó phải điều chỉnh nguồn cung trên thị trường.
Còn về câu hỏi những nhà đầu tư cá nhân có nên đầu tư vào thời điểm này hay không, ông Hà cho hay, dịch bệnh có thể gây ra tâm lý lo ngại, khiến nhiều người lo sợ không dám ra khỏi nhà, nhưng nếu đặt giả thiết cuối năm hoặc sang năm có vắc xin thì sao? Khủng hoảng ở đây là khủng hoảng y tế không phải kinh tế nhưng hiện nay nó đã ảnh hưởng đến kinh tế rồi và BĐS cũng bị tác động.
Dù vậy ông Hà cũng cho rằng, giai đoạn hiện nay là thời cơ. Theo ông Hà, chu kỳ 10 năm tới khác hoàn toàn với chu kỳ trước. Chúng ta đã có gói hỗ trợ vay mua nhà 6-7%, trước chúng ta không thể tìm được gói hỗ trợ như thế này. Lãi suất cho vay mua bất động sản đang thấp là một lợi thế lớn, chính sách như vậy rất tốt cho người vay mua nhà. Thứ nữa là hiện nay giá bất động sản cũng khá hợp lý chứ không phải quá cao nên phù hợp để mua nhà.
Ở giai đoạn bứt phá trở lại, bất động sản có sức lan toả lớn
Cùng đánh giá về tình hình vĩ mô hiện nay, TS. Cấn Văn Lực gắn với thời điểm hiện tại khi Việt Nam đã xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ 2. Theo đó ông thiên về tình huống xấu nhất, với dự báo tăng trưởng GDP sẽ chỉ đạt 1,5%-2%.
“Thủ Tướng trong cuộc họp ngày hôm qua (28/8) cũng nói phấn đấu năm nay tăng trưởng dương. Chúng tôi cho rằng điều này là hoàn toàn khả thi trong bối cảnh chúng ta có thể kiểm soát lạm phát tương đối tốt, từ 3,5-3,8%”, ông Lực cho biết.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng |
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch 2020-2025. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2021, chúng ta chủ yếu tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch. Giai đoạn 2022- 2025 sẽ là giai đoạn bứt phát để phát triển mạnh mẽ hơn.
Về thị trường bất động sản (BĐS), riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS năm ngoái đóng góp 4,5% GDP, thêm lưu trú thì cộng thêm 3,8% GDP, cộng xây dựng thêm 5,84% GDP. Tính chung lại, BĐS và các ngành nghề liên quan đóng góp khoảng 17% GDP.
Đặc biệt, BĐS có tính lan tỏa rất lớn, có liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, bao gồm du lịch, xây dựng, lưu trú và tài chính ngân hàng.
Về BĐS, hiện có một số phân khúc được quan tâm là “Second home” và BĐS nhà ở. Hiện tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 39% cuối năm ngoái, Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 50-52% vào năm 2030 nên nhu cầu nhà ở ở Việt Nam còn rất lớn.
BĐS du lịch là một câu chuyện đầu tư lâu dài. Nếu quyết định đầu tư lâu dài thì BĐS du lịch là một kênh đáng lưu ý.
Liên quan đến lãi suất và vay vốn đầu tư, tiêu dùng BĐS, là người đang trực tiếp trong ban điều hành ngân hàng lớn, TS. Cấn Văn Lực cho biết, lãi suất hiện nay đã và đang giảm.
Lãi suất cho vay mới đã giảm từ 0,5 - 2%/năm so với đầu năm, tuy nhiên, tín dụng đầu ra vẫn đang rất thấp. Theo số liệu của NHNN, tính đến hết 7 tháng, tín dụng toàn hệ thống mới tăng khoảng 3,5%, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu.
Mặc dù vậy, tín dụng BĐS hết quý II vẫn tăng khoảng 1,5%, tín dụng BĐS bao gồm cả cho vay nhà ở tương đương 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Nếu chỉ tính tín dụng cho vay kinh doanh BĐS thì khoảng 600 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất đi vay để mua nhà hiện nay tương đối hấp dẫn. Nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay hấp dẫn với kỳ hạn 9 năm đổ xuống với lãi suất chỉ từ 7-9%/năm. Đây là mức lãi suất khá hấp dẫn.
Về đòn bẩy tài chính, chúng ta có thể chấp nhận đòn bẩy tài chính nhưng không nên quá cao, khoản vay chỉ nên chiếm 30-35% giá trị khoản đầu tư là hợp lý. "Thời điểm hiện nay có tiền mặt là vua, nhưng cũng là thời điểm xuống tiền cho BĐS tương đối hấp dẫn", ông Lực đánh giá.
“Còn về đầu tư, tôi cũng đồng ý với TS. Cấn Văn Lực về xu hướng mua ngôi nhà thứ hai đang rất sôi động. Tại Thái Lan có quan niệm như thế này, những bất động sản ở cách khu đô thị lớn khoảng 2 giờ đi xe đều có thể gọi là ngôi nhà thứ hai. Với những bất động sản nghỉ dưỡng chỉ cách Hà Nội khoảng 2-3 giờ đi xe hoàn toàn có thể là ngôi nhà thứ hai với những người ở Hà Nội có thể về nghỉ cuối tuần sau đó quay lại làm việc”, ông Hà nhìn nhận.
Thời điểm hiện tại, bất động sản nghỉ dưỡng giá đang rẻ hơn, lãi suất thấp nhưng do tâm lý lo ngại dịch nên nhiều người e dè, nhưng nếu mua tính ra một vài năm nữa không có giá rẻ như hiện nay.