Đầu tư chuyển đổi số là đầu tư vì tương lai báo chí

(PLVN) -  Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, chiều ngày 15/03, tại hội trường khách sạn Rex (đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM) đã diễn ra 03 phiên hội thảo: “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”; “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”; “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số là đầu tư vì tương lại báo chí (Ảnh: Việt Dũng/Báo SGGP).
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số là đầu tư vì tương lại báo chí (Ảnh: Việt Dũng/Báo SGGP).

Tham dự các phiên hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, ông Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM, ông Lê Quốc Minh – Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và nhiều lãnh đạo, phóng viên các báo đài trong cả nước.

TP HCM trân trọng tình cảm, đóng góp của các cơ quan báo chí

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP HCM - nói: “Thay mặt cho lãnh đạo TP HCM, xin trân trọng cảm ơn Hội nhà báo Việt Nam đã chọn TP HCM là địa điểm tổ chức hội báo năm nay. Đây là sự kiện hết sức ý nghĩa, không chỉ đối với báo giới mà đối với kinh tế - xã hội của TP.

Xin được chào đón các đồng chí lãnh đạo, quý đại biểu, các lãnh đạo và anh chị em nhà báo đã đến với TP vào dịp này cũng hiểu hơn về TP. Chúng tôi xin cảm ơn Trung ương, các cơ quan, các địa phương trong cả nước đặc biệt là các cơ quan báo chí, anh chị em nhà báo trong suốt thời gian vừa qua đã dành tình cảnh, sự quan tâm cho TP HCM."

Theo ông Mãi, lãnh đạo TP HCM luôn nhận thức, ghi nhận sự đóng góp của báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong quá trình phát triển, TP luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành, góp ý, chia sẻ của các cơ quan báo chí. “Chúng tôi luôn xem lực lượng, báo chí là một lực lượng quan trọng trong sự phát triển TP, không phân biệt báo trung ương hay báo địa phương. Chúng tôi xem báo chí là thống nhất, là lực lượng cơ hữu của TP, đóng góp cho sự phát triển của TP HCM. Mong rằng tình cảm này, sự đồng hành này được tiếp tục trong thời gian sắp tới” - ông Mãi nói.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành cùng TP trong thời gian sắp tới (Ảnh: Bùi Yên).

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành cùng TP trong thời gian sắp tới (Ảnh: Bùi Yên).

Ông Mãi cho biết TP là trung tâm lớn về kinh tế xã hội của cả nước, là đầu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng phía Nam. Có được vị trí này là do sự đầu tư, quan tâm của Trung ương, các địa phương và nỗ lực của TP. Nhưng nếu đánh giá một cách đầy đủ, thì vai trò này có sự suy giảm trong thời gian gần đây – khoảng 10 năm trở lại đây.

Ông Mãi nêu ra nhiều yếu tố khách quan, chủ quan đầy thách thức cho sự phát triển của TP và sự suy giảm gần đây.

Ông Mãi mong muốn: “Để giúp cho TP nhìn rõ những điểm nghẽn chiến lược, định hướng, giải pháp và biện pháp trong hành trình đi sắp tới. Dưới góc nhìn của báo chí, có những phân tích, gợi ý, khuyến nghị cho tp trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, hành trình đi lên của TP”.

Đầu tư chuyển đổi số là đầu tư vì tương lai báo chí

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu về công nghệ số. Bộ trưởng khẳng định: “Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất đối với lĩnh vực báo chí truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản về lĩnh vực này. Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, trận chiến chính của báo chí, thắng hay bại là nằm ở đây”.

“Cuộc cách mạng lần thứ 4, chuyển đổi số đã diễn ra gần chục năm. Bây giờ, không chỉ là lên không gian mạng mà là giành lại không gian mạng. Tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng và rồi nguồn thu chính của báo chí cũng đến từ không gian mạng. Công nghệ số lấy đi những cái cũ nhưng cũng tạo ra những cái mới. Mình làm báo chí, phải làm những việc mới, phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần không gian rộng hơn là đưa tin “ai, cái gì, khi nào và ở đâu”. Độc giả mong muốn biết những cái gì quá nhiều ở phía sau những tin tức kia. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc của trí tuệ. Một sự diễn giải đầy thú vị đầy tính gợi mở hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước”.

Theo Bộ trưởng: “Đổi mới không phải là một việc quá khó. Đổi mới là đi tìm một cách làm dễ hơn trong cho một việc khó hơn. Cách làm mới đó thường thể hiện một cách nhìn khác, một cách tiếp cận khác. Ở thời đầu của cuộc cách mạng công nghiệp mới thì cách làm mới thường là làm ngược lại. Hãy sử dụng công nghệ số để làm ngược lại. Thay vì viết hãy làm nền tảng để mọi người biết. Thay vì để mọi người đọc trên trang web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác. Thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ rất ít thông tin và để cho AI xử lý rất nhiều thông tin. Thay vì tránh tai nạn thì hãy kiểm soát tai nạn”.

Các hội thảo nhận được sự quan tâm, các câu hỏi và tranh luận từ các nhà báo, diễn giả tham gia (Ảnh: Bùi Yên)

Các hội thảo nhận được sự quan tâm, các câu hỏi và tranh luận từ các nhà báo, diễn giả tham gia (Ảnh: Bùi Yên)

“Báo chí muốn phát triển thì cần thông tin mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số là đầu tư vì tương lại báo chí” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc các nhà báo: Những khó khăn và vấn đề của báo chí gần đây không phải đi vai trò của báo chí. Báo chí cần đổi mới, không thay đổi thì sẽ bị thay thế. Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này chỉ làm tăng lên vai trò của báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và vững mạnh.

Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí..

Cả ba phiên hội thảo đều nhận được sự chia sẻ, phát biểu của lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo và chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số.

Tại phiên hội thảo: “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”, Nhà báo Tăng Hữu Phong – Tổng Biên tập SGGP - phát biểu: “Đề cập đến tính Đảng của báo chí, chúng ta nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy của những người làm báo Việt Nam, đã có những yêu cầu cụ thể khi nhấn mạnh báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được sự lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, một Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân”.

Theo nhà báo Tăng Hữu Phong, thời gian qua, báo chí Việt Nam nói chung, Báo SGGP nói riêng đã luôn đề cao tính Đảng, tính định hướng trong mọi hoạt động của mình. Biểu hiện rõ nét nhất là báo đã chủ động, tích cực tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. “Nhận thức hiểu biết về nội dung. Ở cơ quan nào cũng làm tốt tuyên truyền thì phải hiểu nhiệm vụ của mình”.

Ông Nguyễn Hồng Sâm – Tổng giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ với tham luận: “Sử dụng nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ” (Ảnh: Bùi Yên)

Ông Nguyễn Hồng Sâm – Tổng giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ với tham luận: “Sử dụng nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ” (Ảnh: Bùi Yên)

Ông Nguyễn Hồng Sâm – Tổng giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ - với tham luận: “Sử dụng nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ”. Ông Sâm cho rằng số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam là rất lớn, riêng nền tảng facebook đã có đến 66 triệu tài khoản. Từ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, cổng TTĐT Chính phủ lập những fanpage trên các nền tảng mạng xã hội thông tin chính sách, đường lối; truyền thông về chính sách và phản hồi những ý kiến, dự báo nhiều vấn đề đến các cơ quan Chính phủ.

Tại hội thảo: “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”, nhà báo Ngô Việt Anh – Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân có tham luận: Chiến lược nội dung vượt trội của Báo Nhân Dân và vai trò của báo chí dữ liệu.

Theo nhà báo Ngô Việt Anh, chuyển đổi số là điều được nói đến rất nhiều nhưng còn một số cơ quan báo chí chưa làm được hoặc chỉ mới có chiến lược ở giai đoạn ngắn. “Báo Nhân dân thay đổi, chuyển đổi như:

Thứ nhất, thí điểm tòa soạn số; có những công cụ theo dõi hành vi bạn đọc trên trang chủ, công cụ này giúp tòa soạn vận hành tốt hơn.

Thứ hai, thực hiện báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ. Báo Nhân Dân có những chuyên trang đặc biệt như: Chuyên trang về các bài viết của chủ tịch Hồ Chí Minh; chuyên trang về những phát biểu, bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chuyên trang chiến dịch Điện Biên Phủ…

Thạc sĩ Trần Lệ Thùy – Giám đốc Trung tâm MDI chia sẻ với diễn đàn về: “Tổng quan về báo chí dữ liệu và phương thức tổ chức, thực hiện báo chí dữ liệu ở cơ quan báo chí”.

Các phiên hội thảo nhận được sự quan tâm, các câu hỏi và tranh luận từ các nhà báo, diễn giả tham gia.

Đọc thêm