Trong tâm trạng đó, các nhà đầu tư (NĐT) mong muốn Nhà nước có chính sách khuyến khích, tháo gỡ khó khăn để họ yên tâm bỏ tiền, còn Nhà nước huy động được nguồn lực xã hội xây dựng cơ sở hạ tầng.
Rủi ro vây quanh
Sau gần 12 năm hoạt động đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng với hàng chục nghìn tỷ đồng tại các dự án trải dài từ Ninh Thuận đến Cần Thơ, ông Lê Quốc Bình – Giám đốc Cty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) chia sẻ, đối với NĐT tài chính trong lĩnh vực hạ tầng giao thông (HTGT), lợi nhuận tương xứng với rủi ro.
“HTGT là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi quy mô vốn rất lớn và thời gian thu hồi vốn dài, thông thường trên 15 năm, tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận lại khá thấp so với các kênh đầu tư khác - thường chỉ cao hơn lãi suất ngân hàng vài phần trăm – ông Bình nói – Điều này dẫn tới 2 vấn đề. Một là, khung thời gian dài chắc chắn có nhiều vấn đề xảy ra, tương ứng với nhiều rủi ro mang tính vĩ mô ngoài tầm kiểm soát mà NĐT không thể đưa ra các biện pháp phòng thủ. Hai là, tỷ suất lợi nhuận thấp trong khi quy mô vốn đầu tư lớn thì chỉ cần một sai lệch nhỏ, lợi nhuận sẽ dễ dàng mất trắng, thậm chí lỗ nặng chứ không chỉ là giảm lời như các lĩnh vực đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao hơn”.
Do vậy, để bù đắp các rủi ro có thể gặp phải này, các NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài, luôn mong đợi một tỷ suất nội hoàn khá lớn. Việc này đang đi ngược với quan điểm của số đông cơ quan quản lý nhà nước hiện nay. Từ đó, hai bên rất khó khăn khi thương thảo hợp đồng. Thực tế này lý giải vì sao chưa có NĐT nước ngoài nào tham gia trực tiếp (làm chủ đầu tư) vào các dự án BOT hoàn vốn bằng thu phí giao thông.
Trong khi đó, tính thanh khoản của vốn đầu tư các dự án HTGT còn kém. Các NĐT vào dự án HTGT, đặc biệt là vào các dự án BOT thu phí, thường chỉ có 2 lựa chọn. Một là, khai thác quyền thu phí hết chu kỳ dự án để thu hồi vốn. Hai là, chuyển nhượng quyền thu phí cho các NĐT khác.
Tuy nhiên, đây không phải phương án dễ dàng để có thể thực hiện bất cứ lúc nào khi số NĐT đủ năng lực tham gia thị trường này còn quá ít ỏi. Đó là chưa kể đến việc khó tìm đối tác chuyển nhượng thường dẫn đến các khoản đầu tư bị định giá thấp đi nhiều so với giá trị thực. Đây chính là một trong những yếu tố khiến các NĐT tài chính e ngại khi rót vốn vào ngành HTGT.
“Cuộc chơi” không có đường lùi
Ông Bình kể, một quỹ đầu tư hạ tầng từng than thở rằng, đầu tư vào hạ tầng ở Việt Nam không khác gì đi vào “đường một chiều”: khi đã bước vào thì chỉ có đi tiếp chứ khó lòng mà dừng “cuộc chơi” hay quay ngược lại.
Đã thế, “cuộc chơi” này bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Tính chuyên nghiệp trong quản lý và tiến độ triển khai dự án là một yếu tố không kém phần quan trọng mà bất kỳ một sai sót hay rủi ro nào trong quản lý làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của dòng tiền vào lợi nhuận. Trong khi đó, đặc thù của ngành HTGT là bị chi phối bởi chính sách và liên quan đến rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, rủi ro pháp lý là rủi ro mà NĐT quan tâm nhất trong quá trình nghiên cứu đầu tư. “Quy định về vốn chủ sở hữu tham gia dự án tại Thông tư 166/2011/TT-BTC, Luật Chứng khoán đang diễn ra tình trạng như câu chuyện “con gà - quả trứng”, từ đó làm hạn chế số lượng NĐT muốn tham gia vào các dự án” – ông Bình nói.
Trong khi đó quy định về điều chỉnh giá cước thu phí lại có nhiều hạn chế, dù được quy định trong hợp đồng nhưng lại không có tính chất ràng buộc để thực hiện. Mỗi khi điều chỉnh giá cước, DN dự án phải trình Bộ Tài chính hoặc HĐND cấp tỉnh và việc được chấp thuận hay không nằm ngoài tầm kiểm soát của DN.
Các ngân hàng cho vay cũng rất sợ tài trợ cho dự án cũng chính vì điều này, bởi nếu việc điều chỉnh giá cước không thực hiện theo lộ trình quy định trong hợp đồng, trong khi lộ trình trả nợ ngân hàng đã được xác lập từ lúc vay vốn đầu tư cho dự án, thì ngay lập tức sẽ phát sinh nợ xấu, DN không trả lãi đúng hạn, không trả được nợ gốc đúng hạn… dẫn đến chỉ số tín nhiệm tín dụng bị giảm sút, dẫn đến không vay vốn được lần sau… Vòng quay này diễn ra càng nhiều lần thì sẽ càng ít DN, ngân hàng tham gia vào các dự án HTGT.
Trước tình trạng hàng loạt rủi ro vây quanh NĐT HTGT, ông Lê Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) – cho rằng, mô hình hợp tác công - tư (PPP) không phải là cây đũa thần kỳ, song là một cơ chế không thể không cần đối với Việt Nam. Một mô hình PPP riêng của Việt Nam là cần thiết. Vấn đề cốt yếu là bản thân các dự án trong lĩnh vực đầu tư HTGT phải hấp dẫn các NĐT tư nhân bởi các dự án đòi hỏi quy mô vốn lớn, thời gian thu hồi dài, rủi ro cao, trong khi hiện còn nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn khác với độ rủi ro thấp hơn.