Thảm cảnh bị bỏ rơi
Có tiếp xúc với các hộ dân sống trong các chung cư tái định cư (TĐC) đang xuống cấp, tường nứt, bong tróc, thiếu nước sạch, hỏng thang máy, hệ thống thoát nước thải vỡ… mới thấy hết nỗi khổ mà họ phải gánh chịu. Một trong nhiều khu TĐC xuống cấp nghiêm trọng, thì khu Đền Lừ (quận Hoàng Mai) là nơi mà bất cứ người dân nào cũng phát ngán.
Không chỉ mất nước thường xuyên, tường bong tróc, thang máy hỏng, mà đến việc tối thiểu là được dẫn nước thải ở tầng trệt bị tắc, sụt lún dẫn đến nước thải tràn ra ngoài. Bà Nguyễn Thị Phước, sống tại nhà A1 bức xúc:
“Chúng tôi khổ lắm rồi, mùi hôi thối bốc ra, ngay cả đến bác bảo vệ cũng không dám ngồi trong sân mà cứ phải ra ngoài đứng. Chúng tôi đã dành đất để nhường cho công trình của nhà nước, vậy mà chúng tôi bị bỏ rơi”.
Chung tâm sự ấy, bà Nguyễn Thị Phê, Tổ trưởng tổ dân phố của tòa nhà này cho rằng, tất cả nỗi khổ của người dân đã được người dân phản ánh lên cơ quan chức năng. Những người có trách nhiệm đã hứa rất nhiều nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết.
Các khu TĐC Nam Trung Yên, Trung Hòa –Nhân Chính, Pháp Vân-Tứ Hiệp… cũng chịu cảnh tương tự. Anh Lê Văn Hoài, sống trong tòa nhà TĐC Pháp Vân-Tứ Hiệp hiện đi làm nghề bán nước chè ngoài vỉa hè tâm sự: “Anh cứ để ý mà xem, chỗ chúng tôi ít người về ở lắm. Chỉ một nửa số căn hộ có người về ở, cũng bởi vì điều kiện sống khó khăn, nhà xuống cấp. Ngay như chúng tôi phải đi bán nước bên ngoài, vì tầng 1 làm dịch vụ thì đơn vị cho người bên ngoài vào thuê để kinh doanh. Tại sao chúng tôi lại không được thuê kinh doanh?”
Sửa chữa chỉ như “muối bỏ bể”
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố đã hoàn thành 155 tòa nhà với 13.487 căn hộ. Các tòa được đưa vào quản lý sử dụng, vận hành khai thác từ năm 2001 đến nay, gồm 102 tòa chung cư cao tầng và 53 tòa thấp tầng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý vận hành 137 tòa; Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội quản lý vận hành quản lý vận hành 18 tòa tại khu Nam Trung Yên.
Qua tìm hiểu, có 44 tòa nhà chung cư TĐC được triển khai xây dựng từ trước khi có Luật Nhà ở và đưa vào sử dụng từ năm 2001 đến 2006. Theo quy định thì không có kinh phí bảo trì 2% trong giá bán, việc sửa chữa, bảo trì công trình phải tổ chức lấy ý kiến và thu kinh phí đóng góp theo quy định từ các chủ sở hữu tòa nhà nhưng người dân TĐC không đồng thuận với việc thu phần kinh phí này nên việc duy tu, sửa chữa, bảo trì gặp khó khăn.
Ngoài ra, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà - Sở Xây dựng, cho biết thêm: “Do yêu cầu cấp bách cần phải giải quyết bố trí TĐC phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, nhiều dự án chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường mẫu giáo trạm y tế công lập đã phải bố trí cho các hộ dân vào ở, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, gây bức xúc cho các hộ dân đến ở tái định cư, ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư tái định cư”.
Mấy năm qua, đối với các sự cố hỏng hóc thang máy thuộc các tòa nhà chung cư cao tầng, nguyên nhân chính là do thời gian đưa vào sử dụng đã lâu, có những tòa nhà chung cư TĐC được đưa vào sử dụng trước khi áp dụng Luật Nhà ở năm 2005) như khu đô thị Định Công, khu đô thị Đền Lừ... Mặt khác, hầu hết các thang máy được đầu tư đều là thang máy có chất lượng không cao, do đó đến nay khi đưa vào sử dụng gần 10 năm, các thang máy thuộc các tòa chung cư cao tầng bắt đầu hỏng hóc linh kiện và xuống cấp.
Để giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc, ngày 23/11/2009, UBND Thành phố đã chấp thuận cơ chế cho nhà tái định cư tại văn bản số 11260/UBND-XDĐT theo đề xuất của Sở Xây dựng, UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội tiến hành ứng vốn sửa chữa ngay khi phát hiện các thang máy, thiết bị sử dụng chung của các tòa nhà cao tầng tái định cư có hư hỏng đột xuất.
Tuy nhiên, việc làm này chỉ như “muối bỏ bể” chưa đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu thực tế của người dân. Thậm chí nhiều hệ thống thang máy chỉ sửa hôm trước, ngay hôm sau đã hỏng. Đường ống nước vẫn tiếp tục vỡ, dột, tường vẫn bị thấm nước. Bà Trần Thị Minh, N04 khu đô thị Nam Trung Yên chia sẻ: “Do đầu tư đã không đồng bộ, chất lượng kém thì có sửa chữa cũng chỉ được một thời gian lại tiếp tục hỏng hóc thôi”
Hơn nữa đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về các biện pháp lâu dài, thành phố cần giao các Sở ngành sớm hoàn thiện quy chế quản lý vận hành, khai thác nhà ở, khu đô thị theo nguyên tắc chủ đầu tư chịu trách nhiệm từ khâu đầu tư đến vận hành khai thác, trong đó có quỹ nhà ở TĐC. Có bảo đảm đời sống cho người dân, gây dựng lại niềm tin cho họ, bằng chính những việc làm cụ thể và thiết thực, thì mới tránh được những bức xúc, để về lâu dài, công tác giải phóng mặt bằng, nhường đất cho các dự án của nhà nước mới được người dân ủng hộ.
Hoàn thành duy tu, bảo dưỡng trước Tết Nguyên đán Ất Mùi
Hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với các hướng giải pháp. Được biết Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội phải kiểm tra, rà soát và có trách nhiệm thực hiện ngay việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng các trang thiết bị thiết yếu… tại các khu nhà tái định cư. Các đơn vị trên phải thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, vỉa hè… trong tòa nhà đã bị hư hỏng, xuống cấp theo đúng quy định và xong trước Tết nguyên đán Ất Mùi, bảo đảm ổn định và phục vụ tốt các hộ dân trong các tòa nhà chung cư tái định cư thuộc diện quản lý.