(PLO) - Bên cạnh những sai phạm trong việc tăng vốn điều lệ, quản lý đầu tư tài chính dài hạn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam còn bị phát hiện có những sai phạm lớn trong việc đầu tư ngoài ngành.
Về việc đầu tư vốn ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, TTCP chỉ rõ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng như các đơn vị thành viên đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với giá trị rất lớn, tỷ suất lợi nhuận là rất thấp, lỗ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất vốn với giá trị lớn.
Nguyên nhân chủ yếu mà TTCP kết luận là do đầu tư dàn trải, thiếu sự tính toán, nghiên cứu kỹ càng từ khâu khảo sát, lập, trình, duyệt dự án; đầu tư vào quá nhiều ngành nghề, nghề, lĩnh vực không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính, dẫn đến khó khăn, thậm chí không quản lý được…
Trong đó, đáng lưu ý là việc đầu tư, góp vốn và hoạt động kinh doanh của Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Đồng Tháp (viết tắt là DSEC) có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh của Công ty liên tục lỗ. Đến nay đã mất hết vốn điều lệ khoảng 144 tỷ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán 253,453 tỷ đồng. Nhiều khoản vay đã được DSEC sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn của Công ty CP Công nghiệp và Xuất nhập khẩu công nghiệp cao su bằng việc ký kết hợp đồng nhưng không thực hiện.
Việc đầu tư góp vốn vào Công ty CP Thương mại dịch vụ và Du lịch Cao su (RUTRATOCO) chủ yếu để đầu tư khách sạn tại Thị xã Móng Cái (Quảng Ninh).
Quá trình đầu tư, VRG và RUTTRATOCO đã có nhiều thiếu sót và vi phạm như: không tổ chức thẩm định tổng mức đầu tư khi điều chỉnh, không đánh giá được những yếu tố mang lại hiệu quả đầu tư cho dự án khi thay đổi, hầu hết việc quyết định điều chỉnh dự án khả thi đều thực hiện sau khi hạng mục công trình đã thi công...; nghiệm thu, thanh toán sai tại một số gói thầu hơn 14 tỷ đồng. Hậu quả là, Công ty hoạt động liên tục lỗ, mất vốn hàng trăm tỷ đồng, không còn khả năng trả nợ vay.
Tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (RFC): Đến năm 2011, các cơ quan chức năng (Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương) đã kiểm tra, kết luận và kiến nghị xử lý nhiều nội dung sai phạm về công tác quản lý, sử dụng vốn; hiện nay, C46 Bộ Công An đã khởi tố điều tra, bắt tạm giam 09 đối tượng để điều tra, làm rõ những nội dung sai phạm về công tác huy động và cho vay vốn. Vì vậy, TTCP chỉ kiểm tra hai nội dung về hoạt động repo và một số hợp đồng cho vay vốn.
Cơ quan thanh tra cũng nhận thấy, hoạt động Repo của RFC không được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh, bán kỳ hạn chứng khoán (Repo), hoạt động chỉ theo sự cho phép của HĐQT RFC. Tuy nhiên, vẫn có 23 hợp đồng trị giá gần 23,9 tỷ đồng đã được thực hiện trước khi được HĐQT RFC cho phép.
Hiện nay, tổng dư nợ chưa thu được 356,98 tỷ đồng. TTCP cũng nhận định, đây là các khoản khó xử lý, tính thanh khoản thấp, do tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang trong tình trạng hết sức khó khăn, kinh doanh thua lỗ, thậm chí không còn khả năng tài chính để xử lý nợ.
Về hoạt động tín dụng của RFC cũng được chỉ ra là có nhiều thiếu sót và vi phạm trong hầu hết các khâu từ thẩm định năng lực pháp lý, năng lực hoạt động và uy tín của doanh nghiệp xin vay vốn, không đánh giá đúng phương án sản xuất kinh doanh, thẩm định tài sản bảo đảm nợ vay không có quy trình chặt chẽ, theo dõi, giám sát sử dụng vốn vay không tuân thủ đầy đủ thủ tục theo quy định./.
Bài 3: Hạch toán sai để trốn thuế