Nhờ nằm ở vị trí trung chuyển, cửa ngõ chính kết nối các tuyến thương mại đường biển giữa Châu Phi và Châu Á, đồng thời là điểm cuối phía Tây giữa các tuyến giao dịch Ấn Độ Dương, Kilwa Kisiwani sớm biến thành hòn đảo buôn bán và trao đổi hàng hóa tấp nập.
Các mặt hàng như gốm sứ từ Trung Quốc, thạch anh từ Ả Rập, nô lệ từ Ấn Độ, vàng và ngà voi đến từ Great Zimbabwe, gia vị, nước hoa, ngọc trai, đồ gốm và mai rùa… đều xuất hiện đầy đủ trên hòn đảo này.
Một thời thịnh quốc
Theo phát hiện của khảo cổ học, con người đã bắt đầu sinh sống ở đây từ thế kỷ thứ 7-8. Đến thế kỷ thứ 10, Vương quốc Kilwa bắt đầu hình thành. Thời điểm đó, Ali ibn al-Hassan - Hoàng tử của Tiểu quốc Shiraz, người bị đánh bại trong trận chiến kế thừa ngai vàng với 6 anh em khác - đã cùng đoàn tùy tùng chạy trốn quê hương tới đây.
Theo truyền thuyết kể lại, Hoàng tử đã mua lại hòn đảo Kilwa từ vị vua bản địa phương, bằng cách trả cho ông ta một số lượng vải cực lớn, đủ để phủ kín cả hòn đảo.
Sau đó vị vua này đổi ý nên đã đem quân tiến đánh đòi lại vương quyền, song Hoàng tử Ali ibn al-Hassan đã nhanh chóng phá hủy cây cầu nối hòn đảo Kilwa Kisiwanivới đất liền để ngăn chặn chiến tranh. Kể từ đó, Hoàng tử đã thiết lập cuộc sống cho tùy tùng, cùng với những người dân bản địa còn sót lại và xây dựng nên đế chế riêng hùng mạnh, được gọi là Triều đại Shirazi.
Triều đại Shirazi dưới sự cai trị của vua Ali ibn al-Hassan phát triển cực thịnh. Suốt từ thế kỷ 8-15, Kilwa Kisiwani được xem là đế chế giàu có nhất vùng Đông Phi, trải dài từ bắc xuống nam từ Malindi ở Kenya ngày nay đến Cape Correntes ở Mozambique.
Ở thời hùng thịnh, Kilwa Kisiwani được bao bọc bởi một hệ thống thành lũy và tháp canh. Trong thành là khoảng 2 triệu cư dân sinh sống. Tất cả họ đều giàu có, sống trong nhung lụa, có những vườn cây xanh tốt với đủ loại rau, hoa, cây ăn trái ngon ngọt nhất trần đời.
Nhà vua thậm chí còn xây dựng được cả Cung điện Husuni Kubwa nguy nga lẫn Nhà thờ Hồi giáo Kilwa vĩ đại, được trang trí công phu với 16 mái vòm và một hệ thống cột phức tạp. Công trình được xem là nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất Châu Phi trước thế kỷ 19.
Tàn tích công trình cổ ở Kilwa Kisiwani. |
Hiện tại, ở Kilwa Kisiwani vẫn còn đó dấu tích của Cung điện Husuni Kubwa. Nó được xây dựng bằng đá san hô, bao gồm một tòa phía nam (chủ yếu dành cho mục đích giao thương, buôn bán), một khu phức hợp với hơn 100 phòng, một bể bơi bát giác, một hội trường rộng lớn và một cầu thang rộng dẫn đến Nhà thờ Hồi giáo Kilwa. Toàn diện tích của Husuni Kubwa rơi vào tầm 2 mẫu Anh. Mỗi phòng của nó đều cao khoảng 3m, có mái được đặt bằng các khối đá vôi lợp trên khung gỗ, còn sàn thì lát thạch cao trắng.
Tuy nhiên dù có thịnh vượng và mạnh đến mấy, triều đại nào rồi cũng đến ngày tàn khi liên tiếp gặp khủng hoảng vào năm 1227. Sau đó, Triều đại Shirazi được cai trị dưới thời các vị vua Mahdali. Lúc này, Kilwa đã trở thành vương quốc quyền lực nhất trên Bờ biển Swilian.
Vào thế kỷ 15, ở thời kỳ đỉnh cao của quyền lực, Vương quốc Kilwa tuyên bố nắm giữ vị trí mạnh nhất trước các lãnh địa lân cận khác khác như thành phố Malindi, thành phố Mombasa, Đảo Pemba, Zanzibar, Đảo Mafia, Vương quốc Comoro, Vương quốc Sofala và các điểm giao dịch trên kênh trên Madagascar.
Trong 3 thế kỷ đầu tiên, những tàn tích còn sót lại dưới thời vua Ali ibn al-Hassan được xây dựng lại. Nhà thờ Hồi giáo vĩ đại cũng bắt đầu được sửa chữa và mở rộng hoành tráng. Thậm chí, nhiều nhà thờ nhỏ hơn cũng được xây dựng rải rác khắp hòn đảo Kilwa Kisiwani, mỗi nơi đều có một nét riêng biệt, độc đáo.
Vào năm 1331, một du khách người Ma Rốc tên Ibn Battuta đến thăm hòn đảo Kilwa Kisiwani và bị ấn tượng sâu sắc trước sự lỗng lẫy, sa hoa của Nhà thời Hồi giáo và miêu tả thành phố là “công trình vĩ đại nhất từng được nhìn thấy”.
Đến đầu thế kỷ 16, sự giàu có của Kilwa Kisiwani đã khiến cho các cường quốc xung quanh không thể ngăn nổi lòng tham. Năm 1505, Thống đốc D. Francisco de Almeida của Bồ Đào Nha kéo hẳn một đạo quân lớn tràn lên vây kín, cuối cùng chiếm giữ hòn đảo.
Kilwa Kisiwani trở thành thuộc quốc của Bồ Đào Nha cho tới năm 1512 thì bị bỏ rơi. Một hoàng tử Ả Rập thấy vậy liền vào tiếp quản. Suốt nhiều năm, Kilwa Kisiwani nỗ lực phục hồi, lần nữa lấy lại được sự thịnh vượng. Nhưng vào năm 1784, hòn đảo vừa hồi sinh này lại bị Đế chế Oman giẫm đạp, trở nên hoang tàn.
Sau này, hòn đảo còn qua tay Đế quốc Pháp, và những năm 1886-1918 thì là thuộc địa của Đế quốc Đức. Sau năm 1918, Kilwa Kisiwani mới trở thành đảo của Tanzania. Song, tất cả những gì còn lại chỉ là những đống đổ nát, hoang tàn.
“Kho báu” văn hóa
Vào đầu thế kỷ 20, phế tích Kilwa Kisiwani hầu như không có người ở và gần như bị lãng quên. Từ người dân địa phương đến người nước ngoài cũng ít quan tâm đến những tàn tích mang dáng vẻ ma quái rùng rợn này.
Mãi đến năm 1950 khi các nhà khoa học Anh phát hiện ra 2 biên niên sử thế kỷ 16 là Ả Rập và Bồ Đào Nha, cả 2 đều miêu tả về một triều đại của Vương quốc Kilwa, từ đó khai quật ra phế tích này. Kể từ đây, phế tích Kilwa Kisiwani từ nơi không ai ngó ngàng bỗng nổi tiếng trên khắp thế giới, được công nhận là “kho báu” lớn nhất của văn hóa tiếng Swahili (ngôn ngữ Bantu được nói bởi các dân tộc sinh sống ở khu vực trải dài dọc bờ biển Ấn Độ Dương).
Vào năm 1996, tàn tích này được UNESCO đưa vào danh sách Cảnh báo Di sản Thế giới (WMF). Do vậy, WMF bắt đầu công việc bảo tồn, ngăn chặn sự xuống cấp, trồng lại rừng ngập mặn và tăng cường khả năng phục hồi của tòa nhà trước tác động khí hậu địa phương. Kilwa Kisiwani được đưa vào danh sách di sản thế giới tại châu Phi vào năm 2004.
Mùa hè năm 2011, Kilwa Kisiwani cùng với một hòn đảo lân cận tiếp tục được Quỹ Đại sứ Bảo tồn Văn hóa của Bộ Ngoại giao Mỹ trợ cấp 700.000 USD cho việc bảo tồn các tòa nhà và di tích, hạn chế xói mòn bờ biển và cải thiện điều kiện sống của cư dân trên đảo.
Vào tháng 3/2014, ngoài việc khôi phục 13 công trình, nhóm bảo tồn đã hoàn thành việc xây dựng lại hồ chứa nước, nơi cung cấp nguồn nước ngọt thường xuyên cho hòn đảo, phục vụ mùa khô. Do vậy vào tháng 6/2014, UNESCO đã loại bỏ tàn tích của Kilwa Kisiwani khỏi danh sách Cảnh báo Di sản Thế giới.
Đến Kilwa Kisiwani hãy còn đó những tường thành kiên cố, kiến trúc cung điện huy hoàng, cột nhà thờ lộng lẫy. Và dẫu đế chế thời trung cổ này đã lụn bại từ lâu, nhưng nền văn hóa Swahili do nó khởi tạo thì vẫn tồn tại, trải dài theo khu vực duyên hải Châu Phi với hơn 2 triệu cư dân, và trải rộng trong nội địa cùng nhiều triệu hậu duệ khác.
Ngày nay, nếu muốn ghé Kilwa Kisiwani, du khách sẽ phải đến thị trấn Kilwa Masoko trước, sau đó xin giấy phép ghé thăm, vì Kilwa Kisiwani hiện là một địa điểm khảo cổ quan trọng. Du khách khi có cơ hội được đến thăm tàn tích này đều trầm trồ ngưỡng mộ trước những công trình vĩ đại người xưa đã gây dựng nên và tiếc nuối khi cả một đế chế xa hoa chỉ còn là những công trình đổ nát. Điều may mắn là nó vẫn chưa bị xóa sổ bởi sự bào mòn của thời gian.