Đầu xuân nghĩ về “văn hóa uống”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia để xác định nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở tài xế, làm cơ sở để xử phạt. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng cần xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng (vượt mức 3) dù chưa gây hậu quả.
Mỗi người dân cần có ý thức về ATGT. (Anhr minh họa: TL).
Mỗi người dân cần có ý thức về ATGT. (Anhr minh họa: TL).

Quy định nồng độ cồn phù hợp với bối cảnh Việt Nam

Hiện nay, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định ba ngưỡng nồng độ cồn, tương ứng với ba mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy, ô tô, như sau: Với xe máy, mức thấp nhất chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa quá 0,25mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng. Mức cao nhất vượt quá 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4mg/lít khí thở thì người điều khiển bị phạt 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.

Với ô tô, mức thấp nhất chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa quá 0,25mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng. Mức cao nhất vượt quá 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4mg/lít khí thở thì tài xế bị phạt 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.

Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin quý I/2024 của Bộ Y tế, bày tỏ quan điểm về kiến nghị xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn “vượt ngưỡng”, TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho hay: “Chúng tôi ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhờ có việc xử lý vi phạm nghiêm về nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông đã giảm khá nhiều”.

Về vấn đề xử phạt vi phạm khi nồng độ cồn vượt khung, ông Khoa cho rằng: “Với quan điểm cá nhân của tôi, trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn nếu gây tai nạn thì phải xử lý hình sự. Trường hợp nồng độ cồn cao không đủ điều kiện lái xe thì cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa ra một quy định hài hòa”.

Liên quan đến quy định hiện hành về nồng độ cồn với các lái xe, theo một chuyên gia của Bộ Y tế, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Quy định này áp dụng ổn định đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trong 10 năm, trước khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã kế thừa quy định này, mở rộng thêm đối với người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác.

Trước đó, tại Hội thảo “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ” do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức, TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá mức xử phạt hành chính đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn đã tương đối cao, có tính răn đe tốt.

Theo ông Trần Hữu Minh, hiện nay, mức xử phạt hành chính nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt. Tuy nhiên, trên thực tế người uống 5 cốc hay 30 cốc đều có thể bị xử phạt hành chính như nhau, ở mức 3 (cao nhất trên 80mg/100ml máu, phạt 30 - 40 triệu đồng, tước bằng 22 tháng - 24 tháng đối với ô tô). Điều này chưa phù hợp với quy định xử phạt hành chính, tương xứng với mức độ vi phạm. “Theo chúng tôi, nếu vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả chưa gây hậu quả”, Chánh Văn phòng UBATGT nêu rõ.

Để thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng, theo ông Minh, việc này cơ quan chuyên môn ngành Y tế cần có văn bản khuyến cáo nồng độ cồn ở mức nào là đặc biệt nghiêm trọng, khi nào người điều khiển sẽ mất kiểm soát hoàn toàn thì sẽ chuyển sang xử lý hình sự. Từ đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ ra các văn bản hướng dẫn để cơ quan chức năng phía dưới thực thi.

Cần bỏ những nếp nghĩ cũ, thói quen xấu

Đồng thời, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông và làm gia tăng các vấn đề xã hội. Ngay từ khi có hiệu lực, Nghị định 100 đã tạo được hiệu ứng, lan tỏa đến các tầng lớp Nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ”. Qua đó bước đầu đã hình thành thói quen của người tham gia giao thông “đã uống rượu, bia không lái xe”.

Từ góc độ khác, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, việc tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông khá phức tạp, công tác này gặp nhiều khó khăn, áp lực đối với đội ngũ y, bác sĩ. Ngoài ra, một số bệnh nhân và gia đình người bệnh bị gặp tai nạn giao thông khi vào viện không hợp tác khi thực hiện xét nghiệm ma túy và nồng độ cồn trong máu.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn. Trong đó, cá biệt vẫn xuất hiện những vụ tai nạn liên hoàn, làm chết và bị thương nhiều người, gây tai nạn rồi bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ… xuất phát từ nguyên nhân người lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể.

Do đó, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, cần loại bỏ những nếp nghĩ cũ, thói quen xấu, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia là điều rất cần thiết. Đây là tiền đề để hình thành thói quen tốt của người tham gia giao thông và tiến tới xây dựng văn hóa giao thông.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 770.679 trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Trung bình mỗi ngày CSGT phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Gần đây nhất, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 40.806 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm).

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết của người dân về các tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và đời sống còn chưa đầy đủ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do việc tiếp cận với thông tin về mối nguy cơ này còn hạn chế; do phong tục, tập quán, nếp sống gắn liền với bia, rượu.

Có thể nói, không chỉ ngày Tết, trong các cuộc hội hè, mà với đa số người Việt, buồn vui, giải quyết công việc nhiều năm lại đây đều bên bàn nhậu, tựa như “miếng trầu là đầu câu chuyện” khi xưa. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, ý thức về ATGT, văn minh bia, rượu sẽ dần được cải thiện…

Cần nâng cao văn hóa “Uống có trách nhiệm”

Bên cạnh biện pháp tăng cường từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đang chung tay hành động nhằm nâng cao nhận thức việc đối với việc không uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Theo ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, nhờ những nỗ lực đa bên, ý thức của người dân về văn hóa uống có trách nhiệm đã dần cải thiện. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi, thói quen và củng cố thói quen mới cần nỗ lực dài hạn và sự chung tay hành động từ nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và từng cá nhân. “Ngoài hoạt động tuyên truyền và quảng bá, chúng tôi đặc biệt khuyến khích, ủng hộ các doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy văn hóa uống có trách nhiệm. Chúng ta sẽ không chỉ làm truyền thông nâng cao nhận thức mà còn phải thực sự là một phần của giải pháp dài hạn”, trao đổi với truyền thông ông Nhân nhấn mạnh.

Xác định “Uống có trách nhiệm” là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển tại Việt Nam, suốt 13 năm qua, Heineken phối hợp cùng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và cơ quan, ban ngành khác thúc đẩy chương trình “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Hai bên chung tay xây dựng bộ quy chế an toàn giao thông và khung chương trình “An toàn giao thông - Đã uống rượu bia, không lái xe” áp dụng tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị. Nhiều năm qua, chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng văn hóa an toàn giao thông, truyền bá thói quen sử dụng rượu, bia văn minh, an toàn cho mọi người...

Đọc thêm